Oái oăm thay, địa danh được nhắc đến nhiều mấy ngày qua, nói về việc hết sạch tiền chi trả lương, dịch vụ…, lại vẫn là Bạc Liêu(!).
Dù chưa rõ nguyên nhân tại sao hết tiền, nhưng câu chuyện trên hẳn gợi lên nhiều so sánh thú vị.
Báo chí chưa hết xôn xao thì được biết thêm thành phố láng giềng Cà Mau, cũng lâm vào “hoàn cảnh” tương tự.
Thế nhưng, dường như đó chỉ là phần nổi của tảng băng mà dư luận biết, bởi còn có rất nhiều địa phương khác, giống y chang, chỉ có điều, chưa bị lộ!...
Bằng chứng rõ nhất là Bộ Tài chính cho hay, tình trạng các địa phương, ban ngành chi tiêu sai tăng đến 92,7%, đang kiến nghị để thu hồi số tiền “lỡ tiêu pha” lên đến 52.253 tỷ đồng.
Người dân chưa hết “choáng váng” thì lại nghe tin rằng tình trạng chi tiêu sai không chỉ xảy ra với cấp tỉnh, huyện mà ngay cả cấp xã, phường, thị trấn(?), cũng diễn ra khá phổ biến: xã ít thì lạm chi, nợ ngân sách từ 1 đến 10 tỉ, xã nhiều lên đến hàng chục tỉ đồng(!)
TS Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho biết là ông không hề bất ngờ trước những thông tin “hết tiền” của thành phố Bạc Liêu hay Cà Mau.
Đồng thời nhấn mạnh rằng, tình trạng nợ nần là khá phổ biến trong tổng số 11.000 xã, phường, thị trấn.
Rõ ràng, hiện nay cả nước có hàng ngàn “quan” đã và đang là “công tử Bạc Liêu”! Thực trạng đáng báo động trên đây phản ánh rất nhiều bất cập không thể không thay đổi.
Giả định rằng các địa phương, tùy từng trường hợp cụ thể, có thể “vận dụng”, “năng động” trong chi tiêu là điều có thể chấp nhận với một giới hạn ngặt nghèo về thanh tra, kiểm soát tài chính.
Thế nhưng, nợ ngân sách kéo dài hết năm này sang năm khác, “tạm ứng” để chi tiêu tràn lan ở khắp nơi nơi là điều không thể biện minh.
Làm sao một xã có thể lí giải nổi về nguồn thu để “dám” chi tiêu vượt mức hàng chục tỉ đồng?
Nhiều năm nay, báo chí, nghị trường đã nói nhiều về lỗ hổng quản lí ; thế nhưng, tại sao cho đến tận bây giờ mới vỡ, mới thấy thì quả là điều lạ lùng?
Tại sao không có một chế tài nghiêm khắc quy định rõ là mọi địa phương, ban, ngành khi cần được phép chi tiêu vượt mức bao nhiêu, trong thời gian bao lâu và, hết thời hạn đó chưa bù đắp được các khoản lạm chi thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Cho dù nền kinh tế có tăng trưởng bao nhiêu đi chăng nữa nhưng mức TĂNG về nợ ngân sách (lạm chi công) lớn hơn mức tăng GDP… 15 lần thì chẳng một nhà quản lí tài giỏi nào có thể điều tiết nổi.
Nghịch lí nhãn tiền: Trong khi Nhà nước đang có dự định phát hành công trái để huy động số tiền cần kíp là 3 tỉ USD thì các địa phương, ban, ngành cũng đã chi tiêu sai đến 2,5 tỉ USD (quy đổi 52 ngàn tỉ đồng)!
Đó là chưa tính đến các khoản chi tiêu vượt mức phổ biến trong số 11.000 xã, phường, thị trấn. Giả sử mỗi xã, phường nợ ngân sách (mức tấp nhất, xã nhiều bù cho xã ít, cá biệt có một số không nợ) 1 tỉ đồng thì tổng nợ cấp xã là 11.000 tỉ đồng!
Tại sao không rà soát lại theo nguyên tắc tổng thanh tra tài chính toàn diện trên khắp cả nước để tìm ra con số thực của lỗ hổng trước khi hàng ngàn cái lỗ hổng đó biến hóa thành “lỗ đen”?
Nếu tổng thanh tra (đi kèm với chế tài nghiêm khắc) thì chắc chắn, sẽ phát hiện ra không ít những khoản chi tương đồng – tiệm cận với tham nhũng.
Những con số trên đây còn cho biết một thực tế của câu hỏi rất đáng quan tâm: Tại sao chính quyền các cấp có thể NỢ (VAY) được nhiều tiền như thế để mà chi tiêu vô tội vạ?
Câu trả lời có ngay: liệu có ngân hàng hay công ti tư nhân nào dám từ chối các khoản vay “hợp pháp” của các cấp chính quyền?
Phải chăng chính cơ chế hành chính hiện hành đã “mở đường” cho mọi khoản vay, mượn dễ dãi, bất chấp các nguyên tắc kinh tài? Không phải ngẫu nhiên mà báo chí phản ánh nhiều chủ nợ không dám đòi khi con nợ có quyền, có thế…
Dân gian có câu kinh tế là kê để mà tính. Cung cách quản lí hiện nay đã và đang làm cho các chuyên gia kinh tế chỉ kê mà không thể tính.
Tiền dân, của nước trong bàn tay lạm dụng của vô số chức quyền đã bị biến thành các khoản tiền “chùa” dẫn đến hệ lụy xót xa là tiền của cha chung cứ thế, thả sức tiêu xài.
Không thể có ổn định kinh tế - xã hội nếu sức mạnh của một nền kinh tế bị lãng phí, xói mòn triền miên. Có lẽ, đã đến lúc cần phải thống kê để cho dân biết có bao nhiêu “công tử bạc liêu” đang làm trì trệ, cản đường bước tiến của đất nước?
Và, cũng cần lưu ý rằng, nếu lãnh đạo xã, phường, thành phố cứ quản lí theo cách của “công tử Bạc Liêu” thì chẳng bao giờ có thể mạnh giàu bởi, anh không lo nổi thân anh, kém cỏi như thế thì làm sao lo nổi cho hàng ngàn dân trong một xã, một thị trấn?