Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội ông Lê Văn Dục cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 477 tòa chung cư. Đối với các chung cư thương mại thì có các vấn đề về tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân.
Cùng đó, hiện trên địa bàn TP có tổng cộng 166 tòa nhà tái định cư, cơ bản đã giao cho 112 tòa cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
18 tòa tái định cư giao cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội sau khi thực hiện xây dựng khu nhà ở Nam Trung Yên. 28 chung cư tự quản thấp tầng không có thang máy giao cho dân tự quản.
Sở Xây dựng được sự chỉ đạo của TP đã thực hiện nghiêm các nội dung của đoàn giám sát HĐND TP. Phó Chủ tịch TP phụ trách cũng giao cho Sở Xây dựng đề xuất các phương án để không tái diễn các sai sót như trước đây.
Giám đốc Sở Xây dựng nói: “Vấn đề đại biểu nêu 2.000 căn hộ mà Công ty TNHH MTV phát triển nhà tự ý đưa người vào ở TP đã có chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra thành phố và Thanh tra công vụ cũng đã làm.
Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị đến tháng 12 thì Sở Nội vụ cũng sẽ có ý kiến về mô hình của công ty này. Về 2.000 căn hộ nêu trên được chia làm các nhóm sau:
Nhóm thứ nhất là 533 căn hộ công ty tự đưa người vào kéo dài từ năm năm 2006 đến 2014. Trong số này có 312 căn hộ đã được sử dụng. Từ tháng 6/2014 đến nay công ty tiếp tục vi phạm 217 căn hộ.
Đây có thể hiểu là công ty tự ý đưa vào, tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì sau khi giải phóng mặt bằng các dự án trong đó có các dự án đường giao thông thì yêu cầu đòi hỏi rất gấp.
Sau khi có phương án đền bù và quyết định phê duyệt, tài khoản được đưa vào kho bạc quận huyện thì khi phương án đền bù có tên, các hộ dân cầm quyết định đó đến nhận nhà.
Chính vì vậy, khi công ty giao cho một xí nghiệp vận hành thì theo đánh giá là không thể quản lý được tổng số 112 căn hộ, số 112 căn hộ này đều có vấn đề.
Xí nghiệp được giao quản lý lại quản lý không nổi 112 căn hộ. Ảnh minh họa
Trong tổng số 2.000 căn hộ, 533 căn diễn ra trong 2 giai đoạn, còn 625 căn chưa đưa vào sử dụng do có những tồn đọng sau khi giao cho các chủ đầu tư và các quận huyện. Hiện cứ chiếm chỗ ở đấy thôi còn dự án thì chưa thực hiện đến nơi.
Cũng có một số dự án có khó khăn nhất về công tác giải phóng mặt bằng, nó đã tồn tại đến ngày hôm nay dù về cơ bản dự án đó đã hoàn thành 98% nhưng tòa nhà đó mới giải quyết được 90%.
Trong số 533 căn hộ có những căn người ta đã nhận nhưng sau đó chuyển nhượng cho các chủ khác, khi chủ mới đến đương nhiên họ không muốn đóng tiền.
Để giải quyết vấn đề này, TP đã quyết định, bắt đầu từ tháng 8/2015, tất cả các công trình sau khi có phương án phê duyệt đền bù và kinh phí đưa vào kho bạc nhà nước thì “tiền trao cháo múc”.
Tiền đất được đền bù bao nhiêu thì khi đến nhận nhà cũng phải trả, thiếu thì sẽ có cơ chế đặc biệt.
533 trường hợp này nếu đến hết tháng 12 mà không nộp tiền thì chúng tôi sẽ cưỡng chế cho dù họ đã cầm quyết định nhận nhà rồi nhưng chưa có chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Hiện nay chúng ta thu được 250 tỷ đồng trong tổng số 480 tỷ đồng.
Số còn lại sẽ tiếp tục cưỡng chế nếu không đóng tiền kể cả đã được giao và chuyển nhượng khi chủ thực sự đã nhận nhà và đã đi rồi thì bên mua phải thay chủ cũ chịu trách nhiệm nộp tiền”.