Lật lại những hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Bội Giong, một trong những người giúp việc đầu tiên cho Đại tướng đã không khỏi xúc động, tự hào khi nhắc đến kỷ niệm với gia đình của người.
"Không chỉ giúp việc trực tiếp cho anh Văn những năm 1948 - 1951 mà trong quá trình đó, tôi còn có rất nhiều kỷ niệm với gia đình anh. Tôi là quyết tử quân của Thủ đô xa gia đình, bố đã mất lâu rồi, mẹ và anh em sơ tán đi đâu cũng không biết.
Sau khi ra khỏi vòng vây của địch ở Thủ đô, tiếp tục chiến đấu trong cuộc phản công Thu – Đông 1947 ở chiến khu Việt Bắc rồi bị thương. Trước bốn bề khói lửa chiến tranh nhưng sống với anh em, sống với gia đình anh Văn, tự nhiên tình cảm, cảm thông như sống với những người ruột thịt của mình.
Tôi còn nhớ, ở căn cứ Bình Trị Thiên, thực dân Pháp đã treo giải hàng vạn đồng Đông Dương lúc bấy giờ cho tay sai để lùng bắt cho được thân mẫu của tướng Giáp và cháu Hồng Anh. Để đảm bảo an toàn, khu ủy Trị Thiên trong đó đã xin phép Trung ương tiến hành đưa thân mẫu của Đại tướng và Hồng Anh ra căn cứ địa. Sau 6 tháng, theo đường giao liên, thân mẫu Đại tướng và Hồng Anh đã ra đến Việt Bắc năm 1949.
Trong quá trinh giúp việc Đại tướng, lúc thong thả tôi cũng hay nói chuyện với người thân của người và thực sự cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên được những tình cảm, tình thương sâu nặng đó..." - Đại tá Giong kể lại.
Đại tá Giong cũng chợt nhớ lại kỷ niệm sâu đậm giữa ông với gia đình Đại tướng khi ông được nhờ dạy thêm Toán, Lý cho cô Võ Hồng Anh, khi 11 tuổi.
"Tôi còn nhớ khi đó, anh Văn có nói với tôi: "Giong à, Hồng Anh có theo bà nội ra đây. Ở trong đấy, Hồng Anh cũng đã học ở chiến khu nhưng mới học có đến lớp 5, lớp 6 thôi. Hồng Anh vốn thông minh và cũng thích Toán, Lý lắm mà sách giáo khoa thì rất thiếu. Anh đã học xong tú tài thì chắc vẫn nắm được kiến thức Toán, Lý sơ cấp. Tôi nhờ anh khi có thời gian rảnh rỗi thì bảo thêm cho Hồng Anh".
Tôi bắt đầu dạy kèm và tôi vẫn nhớ rõ, cô bé Hồng Anh lúc đó học rất chăm chỉ cả hai môn Toán, Lý. Khi đó, Hồng Anh hay kể cho tôi câu chuyện về mẹ và cô đã từng 2 lần cho tôi xem tấm ảnh đã úa vàng của mẹ (bà Nguyễn Thị Quang Thái) mà cô đã được bạn chiến đấu của mẹ giao cho trong thời gian còn ở chiến khu Thừa Thiên Huế với bà nội.
Hồng Anh cũng là cô bé có tâm hồn đa cảm, dễ xúc động. Lúc đó, gọi là ở nhà riêng của Tổng tư lệnh nhưng Đại tướng không lúc nào được thật thảnh thơi với gia đình, đi đâu cũng có cán bộ đi theo liên tục ngày đêm bàn việc với cơ quan, nhất là Bộ Tổng tham mưu... nên không mấy khi Hồng Anh được gặp ba một cách thong thả. Nhiều khi Hồng Anh chạy ra đón, Đại tướng trên mình ngựa cúi xuống nắm tay con một lúc rồi lại đi. Lúc đó, nước mắt lại chực ùa ra trong mắt Hồng Anh rồi.
Đến năm 1951, cô Hồng Anh được Văn phòng Trung ương sắp xếp cùng con một số đồng chí khác sang Quế Lâm (Trung Quốc) học. Sau này, khi cô Hồng Anh sang đó học rồi thì vẫn viết thư cho bà nội và hỏi thăm chú Giong. Đến khi hòa bình, thống nhất thì tôi gặp lại cô Hồng Anh nhiều. Mỗi lần gặp đều rất vui vẻ và lúc nào cô ấy cũng nhắc lại những kỷ niệm thời đó.
Cho đến bây giờ, khi người đi xa rồi thì những tình cảm của tôi dành cho ông, cho gia đình ông vẫn nguyên vẹn như vậy..." - Đại tá Giong bùi ngùi.
Những hình ảnh về Đại tướng được đặt trang trọng trong căn phòng nhỏ của Đại tá Giong.
Nhắc lại một lần nữa về vị Đại tướng, Tổng tư lệnh và cũng là người anh thân thương của mình, Đại tá Giong chia sẻ: "Tướng Giáp là con người coi thường danh lợi. Ông thường nói rằng, trong những năm còn ở Pác Bó với Bác Hồ, ông luôn được Bác nhắc đến câu ''Dĩ công vi thượng'', nghĩa là lấy việc công là cao nhất. Một người mà đối với danh lợi đã coi nhẹ như thế, khi đi vào cõi xa, có lẽ ông cũng cảm thấy bình thản lắm.
Cái mà Tướng Giáp để lại cho thế hệ sau, giá trị nhất chính là tư duy của ông. Tài năng, thiên tài như thế ở đất nước nào cũng không thường có. Theo như cách nói của thời xưa thì người tài như thế, bao nhiêu năm mới lại xuất hiện một lần”.
Và cũng ít ai còn nhớ rằng, trong lễ Quốc tang của Đại tướng vào năm ngoái, dù đã ở cái tuổi gần 90 nhưng Đại tá Giong, sau khi vào viếng Đại tướng ở số nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), ông cùng với vài người trong đoàn đã vượt chặng đường gần 600km để vào ngôi nhà nhỏ ở làng An Xá - quê hương nuôi dưỡng tuổi ấu thơ của Đại tướng để tưởng nhớ vị tướng tài ba, người con của quê hương Quảng Bình cách mạng.