Chiến tranh 1979: "1 lính Việt Nam chống 20 lính Trung Quốc"

Hoàng Đan |

Trái với sự xuyên tạc của tờ Hoàn Cầu thời báo, trong cuộc chiến tranh 1979, theo ước tính, riêng đơn vị ông Quế, mỗi người lính VN đã phải chiến đấu, chống lại hơn 20 lính TQ.

Lời tòa soạn: Mới đây, Tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc trắng trợn tung clip tái hiện một cách bịa đặt, xuyên tạc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 vẫn được truyền thông nước này gọi là: Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về những thông tin trong cuộc chiến tranh năm 1979, chúng tôi đã có các cuộc trao đổi với một số người trực tiếp tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Sự thật đằng sau clip xuyên tạc lịch sử trên Hoàn Cầu thời báo.

Bài 1: Chiến tranh 1979: Tướng Lương vạch trần sự bịa đặt trắng trợn
Bài 2: "Nếu bị chặn, quân TQ có thể sẽ phải bỏ chạy như quân Thanh"
Bài 3: Tướng Khảm: TQ tuyên truyền bịp bợm, lếu láo về cuộc chiến 1979
Bài 4: Chiến tranh 1979: Quân Trung Quốc đã nhát gan như thế nào?
Bài 5: Cuộc chiến 1979: Lính Trung Quốc chết vẫn ôm bao khoai lang
Bài 6: Chiến tranh 1979: Vị tướng VN ngồi bình thản giữa mưa pháo TQ

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Phạm Văn Quế, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, hiện đang sinh sống tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.

Khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, ông đeo quân hàm Trung úy, giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 3.

Ông quan sát và áp sát quân giặc co cụm và bắn hết cả áo đạn M79 trong sự reo hò của lính ta, sự sợ hãi tháo chạy của giặc.

Anh em gọi ông là “thần chiến tranh”, ông đã chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 3 suốt từ cuộc kháng chiến chống Mỹ đến khi nghỉ, với cách đánh đặc biệt hiệu quả.

PV: Được anh em chiến sỹ gọi là "thần chiến tranh", ông có thể chia sẻ về những trận đánh mà ông cùng anh em chiến sỹ đã chiến đấu với quân Trung Quốc, bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc?

Thiếu tá Quế: Năm 1978, Sư đoàn 3 được di chuyển lên trấn thủ cửa ngõ biên giới Lạng Sơn và Trung đoàn 1 chúng tôi lúc đó, được giao nhiệm vụ bảo vệ khu vực Đồng Đăng.

Ngày 16/2/1979, bệnh xá trưởng của Sư đoàn đã quyết định làm thủ tục chuyển tôi về Bắc Ninh để mổ vì cách đó một tuần tôi bị tái phát ruột thừa và đây là lần đau thứ 4 từ trong chiến trường B nhưng chưa xử lý được.

Đến sáng 17/2/1979, khi tôi đang chuẩn bị lên xe thì đột ngột thấy xe tải chở lính bị thương về đó, tôi vội chạy ra hỏi và được biết, Trung Quốc đã nổ súng tấn công ồ ạt.

Thấy vậy, tôi quyết định quay trở lại ngay đơn vị để cùng với các anh em đã đồng hành với mình trong cuộc chiến đấu chống Mỹ chống quân Trung Quốc xâm lược.

Thần chiến tranh Nguyễn Thanh Quế.

"Thần chiến tranh" Phạm Văn Quế.

Khi tôi về đến thị xã Lạng Sơn thì những tiếng pháo nổ liên hồi, người dân ở khu vực trận địa của đơn vị chúng tôi ùn ùn sơ tán xuống. Duy nhất chỉ có tôi và một cô nuôi quân đi ngược chiều trở lại đơn vị.

Về đến nơi, tôi đi ngay lên tìm các anh em ở trận địa, vừa động viên anh em và cũng nói thẳng: "Tao sống thì chúng mày sống, tao chết thì chúng mày chết, cứ yên tâm".

Trong ngày 19/2/1979, chúng tôi đã bắt đầu tiến hành các trận đánh lẻ tẻ để khôi phục lại các trận địa tiền tiêu.

Khi đó, Trung đoàn có giao cho tôi chỉ huy anh em đánh một mũi thứ yếu cùng với một tiểu đoàn đánh trên mũi chủ yếu để khôi phục lại trận địa ở khu Chậu Cảnh.

Nói là Chậu Cảnh nhưng rất rộng, nhiều điểm cao liên kết lại, điểm cao nhất cao 423m so với mặt nước biển. Sáng sớm 19/2/1979, chúng tôi đánh và chỉ sau 15 phút đã làm chủ lại được trận địa này.

Tiếp đến sáng 20/2/1979, chúng tôi bắt đầu đánh lên Thâm Mô và nhanh chóng chiếm lại được. Đến ngày 22/2/1979, theo chỉ đạo của trên, chúng tôi rút về trận địa ban đầu ở điểm cao 47, giữ thế trận đó để làm bàn đạp, giải quyết thế chung.

Tại đây, chúng tôi đã có trận đánh ác liệt khiến quân Trung Quốc phải tháo chạy. Tuy nhiên, sau đó, để đảm bảo lực lượng, cấp trên đã yêu cầu chúng tôi rút về phía Đông Bắc động Tam Thanh để phối hợp cùng với đại đội hỏa lực ở đây.

 
thủ tướng nguyễn tấn dũng
Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng chí, đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới xâm lược của Trung Quốc.

Trong suốt những ngày sau đó, cùng với đồng đội, chúng tôi đã chiến đấu hết sức kiên cường và cuối cùng, chính nghĩa đã chiến thắng bạo tàn. Trung Quốc đã phải từ bỏ mưu đồ nham hiểm, thâm độc của mình và tháo chạy về nước.

PV: Là người lính trực tiếp chiến đấu ở chiến trường, ông nghĩ như thế nào về chi tiết phía Trung Quốc nói quân Việt Nam thả độc xuống sông trong clip?

Thiếu tá Quế: Là một người lính trực tiếp chiến đấu, tôi khẳng định là không hề có chuyện đó. Đây là sự xuyên tạc, vu khống trắng trợn của họ.

Tại các khu vực trận địa, bản nơi chúng tôi trấn giữ, sau đó rút đi thì toàn bộ nguồn nước trước đó chúng tôi có dùng thì đều để lại nguyên vẹn, không hề cho bất cứ thứ gì vào.

Chưa kể, sau khi tái chiếm lại được các trận địa từ quân Trung Quốc, chúng tôi cũng vẫn dùng nguồn nước đó.

PV: Cá nhân ông nhìn nhận thế nào về thực lực của binh lính Trung Quốc lúc bấy giờ. Đây là đội quân tinh nhuệ hay chỉ là quân ô hợp?

Thiếu tá Quế: Trực tiếp chiến đấu và quan sát, tôi thấy, đây là đội ô hợp, bao gồm nhiều lực lượng khác nhau, chính quy cũng có, địa phương, dân quân, du kích cũng có.

Đội quân của Trung Quốc rất đông. Tôi còn nhớ, sau này, khi tổng kết, con số tôi nắm được là họ đã đưa khoảng 60 vạn quân thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tuy đông quân, vũ khí lớn nhưng kinh nghiệm tác chiến của quân đội Trung Quốc so với chúng ta là kém hơn. Quân của Trung Quốc mấy chục năm trước đó, chưa từng trải qua những cuộc tác chiến lớn nào.

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu

Chưa kể, đụng độ bộ binh bình thường thì quân Trung Quốc cũng kém xa. Trang bị của họ cho lính cũng rất giản đơn, đều là những thứ vũ khí cũ kỹ, lạc hậu.

Những khẩu súng trường hay CKC, tiểu liên mà quân Trung Quốc được trang bị nếu nói ra thì chỉ dùng cho bộ đội địa phương, dân quân tự vệ.

Thậm chí, nhiều lính của chúng còn không có súng mà chỉ chạy theo để cướp hôi với sự chỉ điểm của lũ gián điệp người Trung Quốc.

Còn lính của ta thì được trang bị kết hợp giữa cả hiện đại và thô sơ. Chúng cậy đông xông lên ào ào nhưng gặp hỏa lực mạnh của ta thì lại chạy rất nhanh, co cụm lại.

Sau khi quân Trung Quốc rút chạy, chúng tôi đi kiểm tra lại các đồi mà chúng chiếm thì thấy, đa phần các hầm đào đều nông toẹt và sát, cụm lại với nhau chứ không sâu, có lớp đất kiên cố như của chúng ta.

Tôi còn nói với nhiều anh em, với kiểu hầm này của bọn chúng thì không cần đến bộ binh mà chỉ cần dùng pháo lực mạnh cũng có thể tiêu diệt toàn bộ một cách nhanh chóng.

 
thiếu tướng lê văn cương
Cuộc xâm lược 1979 đã khiến thế giới hiểu rõ bản chất của Trung Quốc. Nó khiến họ mất uy tín quốc tế, bộc lộ bản chất bành trướng Đại Hán, bản chất nói một đằng làm một nẻo, không hề chứng tỏ chủ trương “phát triển hòa bình” của Trung Quốc khi đó.

PV: Còn thực lực, khí thế quân ta lúc đó thế nào, thưa ông?

Thiếu tá Quế: Tôi chưa có con số thống kê trên toàn mặt trận nhưng với riêng đơn vị tôi thì tính sơ sơ, mỗi người lính Việt Nam phải chiến đấu chống lại hơn 20 lính Trung Quốc.

Chưa kể lúc đó, các chiến sỹ cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ngay trong vấn đề lương thực, nước uống.

Các anh em của tôi, đa phần chỉ có một bộ quần áo, một khẩu súng trên người. Nhiều người vài ngày liền không được tắm, cơm cả ngày mới được một nắm...

Tuy nhiên, các anh em đã chiến đấu hết sức dũng cảm, kiên cường, không có bất cứ ai bỏ vị trí chiến đấu của mình. Nhiều anh em, dù bị thương những vấn quyết tâm ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Tất cả ai cũng như ai, không quan tâm đến riêng bản thân mình mà quan tâm đến cái chung là việc phải đánh đuổi bằng được quân Trung Quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Không chỉ vậy, nghe thông tin Trung Quốc nổ súng tấn công, nhiều anh em là học sinh - sinh viên cũng xung phong lên xin chiến đấu cùng chúng tôi.

Tôi còn nhớ có anh Thành, đang là sinh viên trường ĐH Tổng hợp (cũ) nhưng khi nghe tin đã lập tức bắt tàu lên và tìm đến đơn vị tôi xin xung phong chiến đấu. Anh Thành đã chiến đấu và hy sinh một cách anh dũng.

Đó là khí thế, còn anh em trong đơn vị tôi đa phần thuộc lính chống Mỹ, có kinh nghiệm chiến đấu được điều ra đây để trấn thủ.

Tuy bị bất ngờ về thời điểm nổ súng tấn công nhưng trước đó, Đảng, Nhà nước đã có sự nhìn nhận về thủ đoạn, mưu đồ xâm lược nước ta của Trung Quốc nên anh em chúng tôi không bất ngờ về chiếc lược chúng đã thực hiện.

Anh em chúng tôi là một phần nhưng lúc đó, chúng ta cũng không thể không nói đến nhiều vị chỉ huy, cố vấn dày dặn kinh nghiệm tác chiến.

Trong đó, có Thiếu tướng Hoàng Đan, người mà tôi đã từng có nhiều dịp làm việc cùng từ trong chống Mỹ.

Chính trong trận Bình độ 400, tôi được giao chuẩn bị cho trận đánh và trực tiếp được báo cáo với ông tại Sở chỉ huy. Ông đã đồng ý với kế hoạch tác chiến trong lần đánh đầu tiên của chúng tôi đưa ra.

Là Tư lệnh mặt trận lúc đó, nhưng ông luôn gần gũi, động viên anh em và quan trọng hơn, ông đã đưa ra tầm nhìn, chiến lược đúng đắn để bảo toàn lực lượng, dành chiến thắng.

PV: Trong clip, họ nói họ chủ động rút về nước sau khi “thắng lợi huy hoàng”, ông đánh giá thế nào về điều này?

Thiếu tá Quế: Đây lại là một sự xuyên tạc, cố tình làm sai lệch đi lịch sử. Trung Quốc rõ ràng đã đưa quân sang xâm lược Việt Nam và cả thế giới biết điều đó.

Tôi chỉ lấy một ví dụ đơn giản, là khi mới bắt đầu cuộc chiến, Trung Quốc rêu rao, tuyên bố rất mạnh bạo là "sáng ăn cơm Đồng Đăng, chiều ăn cơm Hà Nội".

Nhưng sau đó, suốt từ ngày 17/2 đến 28/2/1979, chúng chỉ nhích được rất chậm, không thể thực hiện nổi tuyên bố ngạo mạn kia.

Theo thông tin tôi được biết thì chúng ta khi đó, sau một thời gian ngắn ở thế bị động thì đã nhanh chóng giành thế chủ động và chuẩn bị cho cuộc tổng phản công rất lớn với hỏa lực mạnh và rất nhiều loại vũ khí hiện đại.

Có lẽ, ở cấp chiến lược của Đảng, quân đội Trung Quốc lúc đó đã nhận được thông tin này nên Bắc Kinh đã nhanh chóng rút quân để tránh sức ép dư luận cũng như tổn thất nặng nề.

Thực tế, như tôi đã nói, cuộc chiến tranh biên giới của Trung Quốc gây ra đối với Việt Nam là cuộc chiến tranh xâm lược.

Đoạn clip này cũng đã hể hiện đúng với bản chất tuyên truyền của Trung Quốc: “Biến nhỏ thành lớn, biến không thành có”.

(còn tiếp)

Một số nội dung trong clip xuyên tạc lịch sử, hiếu chiến của Hoàn Cầu thời báo:

+ Cánh quân phía bên trái cũng anh dũng vượt qua rào cản phòng ngự của quân đội Việt Nam, thọc sâu vào căn cứ ở hậu phương của quân địch (quân đội Việt Nam).

Quân Việt Nam ở Đồng Đăng bị biến thành ba ba trong rọ, bị cắt đứt đường lui. Trung đoàn Anh hùng của Việt Nam lâm vào cảnh mọc cánh cũng khó thoát.

+ Khi chiến tranh nổ ra, những khu vực có nước ở Việt Nam đều bị quân đội nước này thả thuốc độc vào. Nhiều khi, để giải quyết vấn đề nước uống, binh sĩ (Trung Quốc) đã phải hy sinh tính mạng của mình.

+ Cái gọi là đơn vị Anh hùng của Việt Nam mau chóng bị quân đội Trung Quốc dọa cho trợn mắt há miệng. Thi thể lính Việt Nam chết trận phải dùng đến 17 xe tải mới chở hết...

+ Trong cuộc phản kích tự vệ này, quân ta đã chiếm được Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tuyên và 21 huyện, thị trấn khác nhau của Việt Nam; tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của Việt Nam.

Tổng số binh lính Việt Nam bị tiêu diệt là hơn 50.000 người; 2173 lính đầu hàng; thu giữ 916 khẩu pháo các loại; 16.000 súng, hỏa tiễn; 236 xe ô tô. Quân ta cũng phá hủy nhiều pháo, xe tăng, xe thiết giáp, thu được thắng lợi huy hoàng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại