Chỉ thấy "nhục quốc thể" khi nạn nhân là người nước ngoài?

Hoàng Xuân |

Vụ nữ du khách bị cướp ở trung tâm quận 1 lại đang khiến dư luận dậy sóng lần nữa. Không ít người cảm thấy buồn đau, thậm chí cảm thấy "nhục quốc thể". Tôi cũng thấy nhục lắm.

Nhưng đồng bào của tôi ơi, nếu không có vụ việc này, vào một ngày không có vụ cướp giật nào của du khách, một ngày vô cùng "bình thường" giữa người mình với nhau, chúng ta có thấy bớt nhục không?

Với tôi, câu trả lời là không.

Tôi không thấy bớt nhục khi ngay ở trung tâm Sài Gòn, rác vẫn ngập ngụa dưới chân du khách.

Tôi không thấy bớt nhục khi một em sinh viên năm cuối đang phụ quán cà phê cứ quét nhà xong là hắt thẳng ra vỉa hè. Hỏi sao không hốt bỏ vào bao thả thùng rác? "Em tiện tay".

Tôi không thấy bớt nhục khi hàng xóm vẫn thản nhiên dắt chó ra ị ngoài công viên.

Khi một cánh tay nõn nà kéo kính xe hơi vứt toẹt chai nước rỗng xuống đường.

Khi một bãi nước bọt bay vèo dán đét vào mặt người đi đường từ một người đi trước.

Khi rau xanh vẫn được tưới đẫm thuốc trừ sâu và hái liền bán ra chợ.

Khi những chảo dầu ăn đen như nước cống nhưng vẫn chiên bánh bán cho trẻ con lót dạ trước cửa trường.

Khi một chậu cây cảnh bạn tôi vừa trồng trước nhà, sáng hôm sau gốc ướt nhoèn và khai nồng nặc.

Khi báo chí đăng những cảnh tranh giành lấy thức ăn trong tiệc buffet, rồi để thừa hàng đĩa trên bàn.

Khi hai bà cụ bán tạp hóa gần nhà tôi từ hôm qua không bán thẻ cào điện thoại nữa. "Mấy thằng mua xong nó rồ ga chạy mất tiêu con ơi”.

Khi bọn cướp chó vừa giơ súng phóng điện vào chủ nhà vừa thản nhiên mở cổng, rồi bình tĩnh đi vào ôm con chó cưng chạy mất.

Tôi không thấy bớt nhục khi chiều chiều vẫn vô số người sẵn sàng phóng xe lên vỉa hè để nhanh được việc cho bản thân, không hề nghĩ đến an toàn cho những người đang đi bộ trên lề đường.

Khi chỉ một tuần nghỉ tết, 44.000 người bị tai nạn giao thông, 224 người chết và hơn 5.000 người nhập viện vì đánh nhau.

Khi bây giờ, câu cửa miệng chúng ta tự nhủ mỗi ngày là "chớ có tin bố con thằng nào sất".

Khi một người chồng phải cài dao lam bốn bề quanh IC chiếc xe tay ga của vợ anh vì đã mất trộm nhiều lần.

Khi hầu như chưa chiếc xe hơi nào chưa từng bị bẻ trộm gương chiếu hậu trong nháy mắt.

Khi rất nhiều tân cử nhân sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng để chạy một công việc lương tháng chừng ba triệu.

Khi có những cha mẹ đẻ con hàng bầy rồi xua chúng đi bán vé số kiêm ăn xin. Đến khi bệnh hoạn đói ăn thì kêu gào cộng đồng giúp đỡ.

Khi “chết ở đồn công an” hay “cảnh sát giao thông kiếm bánh mì” trở thành những cụm từ đâu đó thỉnh thoảng vẫn phải nhắc đến.

Cách đây vài năm, nhận xét về hiện tượng người Việt xô đổ cổng trường thực nghiệm Hà Nội để nộp đơn xin học cho con, tờ AP viết:

“Nền giáo dục Việt Nam vẫn ở trong tình trạng trì trệ và lạc hậu, cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế. Và tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo hiện nay rơi vào tình trạng bế tắc vì không thể thay đổi được tình hình”.

Và trong một báo cáo năm 2010, Tổ chức Minh bạch Quốc tế có trụ sở tại Berlin đã kết luận rằng giáo dục là ngành tham nhũng thứ hai, sau ngành hành pháp, ở Việt Nam.

Cách đây ba năm, một bài báo của BBC bình luận: “Cùng với giấy tờ tùy thân và đồ đạc cá nhân, phong bì nay trở thành vật không thể thiếu của mỗi người Việt Nam khi tới bệnh viện”.

Và hiện tượng nay đến nay vẫn không thay đổi.

Làm sao có thể không nhục khi thế giới vẫn đánh giá Việt Nam nghèo, lạc hậu nhưng lại xài sang.

Khi tỷ lệ tiêu thụ rượu bia của ta nằm trong top 25 của thế giới nhưng năng suất lao động và số bằng sáng chế thuộc loại thấp nhất khu vực?

Cần gì phải chờ đến khi có người nước ngoài nào là nạn nhân thì mới thảng thốt kêu lên "nhục quốc thể"?

Những chuyện còn tày trời hơn thế, vẫn hàng ngày hàng giờ diễn ra giữa người mình với nhau.

Chúng ta có nhục không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại