"Chỉ đạo của Thủ tướng đi theo xu thế chung của thế giới về MXH"

Hoàng Đan |

Thạc sỹ marketing Hạnh Nhân bày tỏ, chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện sự đúng đắn, thay đổi quan điểm, nhận thức, đi theo xu thế chung mà thế giới đã thực hiện rất thành công.

Chỉ đạo của Thủ tướng đẩy mạnh hòa nhập với thế giới

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 15/1 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho rằng, hiện nay có hàng chục triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội và đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm được.

Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói, nhưng có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin.

Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt hơn trong năm nay”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Đứng trên góc độ truyền thông xã hội, blogger Nguyễn Ngọc Long khẳng định, chỉ đạo của Thủ tướng đưa ra là hoàn toàn đúng đắn.

"Hơn thế, cá nhân tôi thấy rằng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đưa ra còn thể hiện rõ sự thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận của người đứng đầu Chính phủ về mạng xã hội.

Cũng giống như cách đây 10 năm, khi mà các cơ quan ban ngành còn phân vân, suy xét xem có nên "online" hay không, thì bây giờ như chúng ta thấy, tỉnh thành nào cũng có website, có cổng thông tin, có địa chỉ email.

Rất nhiều nơi giao tiếp với người dân qua Internet. Một số nơi cho phép tra cứu thủ tục hành chính qua website, qua đầu số điện thoại. Chính phủ và các cơ quan, địa phương có họp giao ban trực tuyến.

Đó là sự phát triển đúng đắn, theo đúng xu thế chung của sự phát triển, hòa nhập với thế giới", blogger Ngọc Long chia sẻ.

Blogger Nguyễn Ngọc Long
Blogger Nguyễn Ngọc Long

Blogger Ngọc Long cũng bày tỏ, thực tế, việc hoạt động trên mạng xã hội đã trở nên phổ biến từ lâu ở nhiều quốc gia:

"Nếu muốn đi trước đón đầu hơn nữa, tôi cho rằng, Chính phủ hoàn toàn có thể cân nhắc việc hiện diện trên các mạng xã hội mobile. Đó là xu hướng mới hiện nay và của tương lai", blogger Ngọc Long đề nghị.

Đồng quan điểm đó, thạc sỹ marketing - truyền thông Hạnh Nhân hiện đang sống tại Canada cũng đánh giá, mạng xã hội là một bước tiến mới của công nghệ thông tin trên nền tảng Internet.

Ở đó tích hợp những tính năng mà giúp thông tin được truyền vô cùng dễ dàng, sinh động, hơn nhiều so với các kênh truyền thống.

Ví dụ như dạng văn bản chúng ta có kiểu blog; dạng video, audio có Youtube, ngoài ra còn có những trang mạng xã hội chuyên chỉ chia sẻ ảnh, hoặc phương thức tổng hợp như Facebook, Twitter, MySpace…

"Rõ ràng, tận dụng được sự phát triển của công nghệ cho hoạt động của các cơ quan tổ chức Chính phủ là một điều tuyệt vời.

Và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là thể hiện sự đúng đắn, thay đổi quan điểm, nhận thức, đi theo xu thế chung mà thế giới về mạng xã hội đã thực hiện rất thành công.

Tôi tin rằng, nếu có quyết tâm, biện pháp thực hiện triệt để thì sẽ mang lại hiệu quả rất cao, tạo lòng tin cho nhân dân", chị Hạnh Nhân chia sẻ.

Làm gì để mạng xã hội đạt hiệu quả thông tin?

Theo Thạc sỹ Hạnh Nhân, nói về mạng xã hội, và cơ chế “người dùng tự tạo nội dung”, thì có một hạn chế lớn cần lưu tâm đó là các vấn đề về giả danh, mạo nhận và tung tin đồn sai sự thật…

Thạc sĩ marketing truyền thông Hạnh Nhân.
Thạc sĩ marketing truyền thông Hạnh Nhân.

Nhưng cũng giống như thời kỳ mới của Internet và báo điện tử, người ta từng ca thán, ngao ngán về sự lộn xộn, thiếu chính thống của loại hình này.

"Theo tôi, điều cần có để đảm bảo tính chính xác của thông tin chỉ nên xuất phát chính từ thông tin. “Chỉ có thông tin mới giải tỏa được thông tin”, điều này càng đáng ghi nhớ hơn trong thời đại đa kênh truyền như ngày nay.

Nói cách khác, như chỉ đạo của Thủ tướng, các thông tin chính thống cần phải được cung cấp nhanh chóng, kịp thời, chính xác, có như vậy mới giải tỏa được những thông tin không chính xác", bà Hạnh Nhân nói.

Cũng theo chị Hạnh Nhân, ở nước Mỹ, Nhà Trắng có trang Twitter với tương tác rất cao. Trang này tích hợp với website chính thống, kết nối hiển thị cả những mạng xã hội khác để đưa một cách rõ ràng và đầy đủ những thông tin mà Chính phủ này muốn công bố.

Với Tổng thống Mỹ Obama, giới chuyên môn cũng từng dày công tìm hiểu, phân tích thái độ cũng cách làm của vị này đối với mạng xã hội.

Đặc biệt, mấy ngày gần đây, nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá rất cao khi Tổng thống Obama quyết định đăng công khai trước toàn bộ các bài phát biểu trong Thông điệp Liên bang lên với cộng đồng online.

Thực tế, theo thạc sỹ Hạnh Nhân, vị Tổng thống này có một nhóm quản lý riêng để điều hành và chạy các chiến dịch truyền thông liên quan đến hình ảnh và hoạt động của ông trên các kênh khác nhau từ website chính thống.

Trang web riêng của ông, barackobama.com, cũng do chính Chris Hughes, một người đồng sang lập Facebook, rất có kinh nghiệm và khả năng quản lý mạng xã hội, phát triển và điều hành.

"Thực ra đối với bất kỳ tổ chức nào, không riêng gì công quyền, việc thông tin một cách chính thống, rõ ràng luôn luôn đem lại điều có lợi nhất cho danh tiếng và uy tín của mình. Minh bạch là một cách đơn giản nhất để hạn chế tin đồn sai.

Nhiều tổ chức, cả công quyền và tư nhân, trên thế giới hiện nay đã chú trọng xây dựng trang mạng xã hội và cộng đồng online rất vững.

Những tờ báo lớn trên thế giới đã luôn có thể sử dụng thông tin từ nguồn này như một tuyên bố chính thức, và không mất quá nhiều công để hẹn hò phỏng vấn, hay chờ thông cáo báo chí như xưa", chị Hạnh Nhân nhấn mạnh thêm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại