Xung quanh quyết định cấm nhân viên ngủ trưa tại phòng làm việc của FPT IS đang gây xôn xao cộng đồng mạng, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Khoa, Chuyên viên tư vấn tài chính khối doanh nghiệp JP Mogan Bank Úc, đồng thời là CEO công ty Green Standard cho rằng, ông ủng hộ quyết định này của FPT IS
"Cá nhân tôi ủng hộ quyết định này của FPT IS. Bởi lẽ, việc cho nhân viên ngủ trong văn phòng về tính thẩm mỹ và chuyên nghiệp của một công ty như FPT IS đi xuống.
Thêm vào đó, ngành IT cũng được đánh giá, nhận định là có độc hại đối với người làm việc quá nhiều. Độc hại không phải là như hóa chất mà độc hại là do tiếp xúc quá nhiều với sóng điện từ nên tại nhiều công ty nước ngoài như Google, Facebook họ thường hạn chế và không cho nhân viên của mình làm việc quá lâu với máy vi tính. Họ thường có các khu nghỉ ngơi riêng bên cạnh văn phòng làm việc để nhân viên có thể ra đó nghỉ ngơi.
Ở đây, đặc trưng của FPT IS là nhân viên làm việc với máy vi tính rất nhiều nên việc cấm ngủ trưa ở văn phòng làm việc cũng là để giúp bảo vệ sức khỏe cho nhân viên, tránh ảnh hưởng của sóng điện từ...", ông Khoa cho hay.
Cũng theo ông Khoa, việc FPT IS cấm ngủ trưa ở phòng làm việc không hề ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
"Tôi nghĩ việc cấm này không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của nhân viên cả. Bởi lẽ, quyền lợi của nhân viên được xác định tại hợp đồng lao động và theo quy định của công ty FPT IS.
Cũng cần nói thêm, nghỉ ngơi buổi trưa là để lấy lại năng lượng cho buổi chiều làm việc, vậy mà lại chỉ nằm trên vài chiếc ghế làm việc hay trải chiếu xuống văn phòng làm việc như vậy thì liệu có đảm bảo sức khỏe hay chỉ gây ra cảm giác khó chịu, uể oải, không thoải mái cho nhân viên.
Nếu FPT IS cấm nhân viên yêu cầu nhân viên ra khỏi văn phòng vào giờ nghỉ trưa và không quan tâm họ đi đâu, làm gì, không tạo không gian nghỉ ngơi chung thì lúc đó rõ ràng họ sai. Nhưng ở đây, FPT IS chỉ cấm không cho nhân viên ngủ trưa tại phòng làm việc còn không hề cấm nghỉ trưa tại phòng khách, phòng sinh hoạt chung, căng - tin...
Nên theo tôi, trong giờ nghỉ trưa, nhân viên hoàn toàn có thể tiếp tục làm việc tại bàn làm việc của họ hoặc ra các khu vực sinh hoạt chung để nghỉ ngơi", ông Khoa nhấn mạnh.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software cho biết, ông ủng hộ với quyết định này của FPT IS.
"Cá nhân tôi ủng hộ quyết định này. Bởi, tôi nghĩ, mỗi công việc, môi trường và rộng hơn là quốc gia có yêu cầu khác nhau về chuyên môn, kinh nghiệm, ngoại ngữ... và cả việc ngủ trưa nữa. Do vậy nếu FPT IS cần và quy định như vậy, không trái luật, không trái với thông lệ xã hội, đáp ứng các yêu cầu của công việc thì những người cần ngủ trưa có hai lựa chọn đó là, tuân thủ hoặc chọn nơi khác cho ngủ trưa", ông Tiến cho hay.
Trả lời về ý kiến lo ngại việc cấm ngủ trưa này sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất, hiệu suất công việc của nhân viên, ông Tiến cho rằng: "Ở đây sẽ là sự sàng lọc. Nếu không cấm ngủ trưa, thì đến khi các nhân viên đi công tác, làm việc tại Mỹ, EU, Nhật... thì sẽ thế nào? Sẽ nói với khách hàng là chúng tôi cần ngủ trưa? Và cứ tưởng tượng "quân" sẽ lăn ra ngủ ở văn phòng khách hàng?..."
Còn ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch FPT IS nói: “Tôi cho rằng ngủ trưa chỉ thuần túy là một thói quen và tôi không tin rằng ngủ trưa để tái tạo sức lao động. Bằng chứng là có một nửa số nhân viên FPT IS không ngủ trưa, trên 80% lãnh đạo FPT IS và các đơn vị thành viên thuộc FPT IS không ngủ trưa. Lãnh đạo cao nhất tập đoàn cũng không ngủ trưa và tôi chưa thấy những người ngủ trưa ở FPT có năng suất lao động cao hơn những người không ngủ trưa.
Tương tự như vậy ở các nước châu Âu, Mỹ, họ tuyệt đối không ngủ trưa ở văn phòng mà năng suất lao động của họ cao hơn chúng ta nhiều lần. Nếu bạn tin rằng ngủ trưa để tái tạo sức lao động thì bạn hãy chứng minh cho tôi thấy những người ngủ trưa có năng suất lao động cao hơn những người không ngủ trưa”.