Căn hộ bạc tỷ không nhà vệ sinh: Chính quyền "đẩy" trách nhiệm?

Hoàng Đan |

Thay vì giải quyết dứt điểm vụ việc thuộc trách nhiệm của mình, UBND phường Hàng Bài lại "đẩy" vụ việc căn hộ bạc tỷ không nhà vệ sinh sang... tòa giải quyết?

>> Khóc dở vì mua căn hộ gần tỷ bạc giữa Thủ đô mà không có nhà vệ sinh

Như chúng tôi đã phản ánh, khoảng tháng 6/2014, anh Nguyễn Thế Sơn (Ba Đình, Hà Nội) có mua lại căn hộ hơn 8m2 tại khu tập thể 11 Vọng Đức (Hà Nội) với giá gần tỷ đồng.

Người bán căn hộ cho anh Sơn là ông Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1950.

Sau đó, chị Hoàng Thu Huyền (con dâu ông Hường) có mượn lại căn hộ và khu bếp, vệ sinh của gia đình anh Sơn để sử dụng.

Nhưng giờ đây, anh Sơn đang trong cảnh khóc dở, mếu dở vì không có nhà vệ sinh, bếp đun nấu.

Nguyên do là chủ cũ của căn hộ không chịu bàn giao phần diện tích trên mặc dù phần diện tích này được cơi nới không phép.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tĩnh (Đội trưởng Đội thanh tra xây dựng Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc này trách nhiệm chính giải quyết thuộc về UBND phường Hàng Bài.

Theo ông Tĩnh, thực hiện theo quy chế mới, Chủ tịch UBND phường sẽ quản lý toàn diện về vấn đề trật tự xây dựng trên địa bàn mình quản lý.

"Với Đội thanh tra xây dựng chúng tôi, nếu phát hiện các công trình xây dựng vi phạm thuộc địa bàn sẽ lập biên bản và giao cho phường sở tại xử lý" - ông Tĩnh nói.

Do đó, ông Tĩnh đề nghị phóng viên liên hệ lại với UBND phường Hàng Bài để có thể nắm được thông tin, giải quyết cụ thể vụ việc.

Cũng với cách trả lời như vậy, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị, phóng viên liên hệ lại với Chủ tịch UBND phường Hàng Bài để giải quyết.

"Theo quy chế hiện nay của thành phố thì trách nhiệm chính ở đây thuộc UBND phường Hàng Bài" - vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Phần khu phụ được cơi nới, cải tạo, sửa chữa trái phép đang xảy ra tranh chấp giữa hai hộ tại tập thể 11 Vọng Đức (Hà Nội).
Phần khu phụ được cơi nới, cải tạo, sửa chữa trái phép đang xảy ra tranh chấp giữa hai hộ tại tập thể 11 Vọng Đức (Hà Nội).

Phường vẫn "đẩy" sang tòa xử lý?

Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ lại với UBND phường Hàng Bài, dù xác nhận thông tin vụ việc tranh chấp nhưng lãnh đạo phường vẫn chưa đưa ra được hướng xử lý dứt điểm.

Ông Phạm Quyết Chiến (Tổ trưởng tổ thanh tra xây dựng phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội), người được Chủ tịch UBND phường ủy quyền trả lời cho biết, vào ngày 10/9, UBND phường đã tiến hành cuộc họp với đại diện các bên nhằm giải quyết vấn đề.

Trước khi xảy ra tranh chấp diện tích phụ (bếp, vệ sinh) giữa hộ anh Nguyễn Thế Sơn và hộ chị Hoàng Thu Huyền, hai bên có thỏa thuận về việc mua bán cả phần diện tích phụ này.

Nhưng, đó chỉ là thỏa thuận miệng còn trên hợp đồng mua bán giữa anh Sơn và ông Hường chỉ tiến hành giao dịch trên sổ đỏ với phần diện tích 8,11 m2 căn hộ mà không có phần diện tích khu phụ.

Thêm vào đó, căn hộ này là thuộc sở hữu của ông Hường nhưng đã cho vợ chồng anh Huấn, chị Huyền ở và phần diện tích phụ này là do vợ chồng họ cải tạo, sửa chữa và tại UBND phường vẫn lưu giữ hồ sơ về việc này.

Do không có cơ sở để giải quyết nên UBND phường đã đề nghị hai bên tự thỏa thuận, đồng thời, giao cho tổ hòa giải tiến hành làm việc, hòa giải hai bên.

Trước câu hỏi của chúng tôi, nếu hai hộ không tự thỏa thuận được thì phường sẽ có hướng giải quyết như thế nào, ông Chiến trả lời: "Nếu hai bên không thỏa thuận được thì chúng tôi cũng đã hướng dẫn là gửi đơn ra tòa án để được giải quyết".

Ông Chiến cũng thừa nhận, phần diện tích khu phụ đang tranh chấp giữa gia đình anh Sơn và chị Huyền là phần cơi nới, xây dựng trái phép và UBND phường đã lập hồ sơ, xử lý.

Tuy vậy, theo ông Chiến, đây là thực trạng chung của cả khu tập thể này.

"Thực ra, trong khu tập thể đó (11 Vọng Đức - PV), không phải chỉ riêng một mình nhà ông Hường mà trong hồ sơ của chúng tôi còn mấy hộ cũng tiến hành cải tạo, sửa chữa nhưng việc này nó không lớn.

Chẳng hạn như phần ban công hỏng thì các hộ có cải tạo, đua ra mấy chục phân... Tất cả chúng tôi đều có hồ sơ, biên bản, quyết định xử lý nhưng để mà tháo dỡ thì không phải với vụ việc nào cũng tháo dỡ mà nó còn nhiều thủ tục.

Ở đây, ban quản lý nhà cũng đã có đề nghị và UBND phường đã họp, thống nhất với tổ trưởng, ban quản lý là tạo điều kiện cho người dân trong quá trình ăn, ở.

Trong quá trình các hộ làm thì cũng không có khiếu kiện..." - ông Chiến nói.

Căn hộ 8,11 của hộ anh Sơn tại tập thể 11 Vọng Đức (Hà Nội).
Căn hộ 8,11 của hộ anh Sơn tại tập thể 11 Vọng Đức (Hà Nội).

Khi được hỏi, với một căn hộ hơn 8m2 lại không có khu bếp, vệ sinh, vậy có chấp nhận được không, ông Chiến cho hay: "Việc mua bán ở đây là tự nguyện thỏa thuận với nhau chứ cũng không qua phường.

Nên ở đây, chúng tôi cũng chỉ đề nghị các hộ tự thỏa thuận về phần diện tích phụ này. Nếu không được thì đưa đơn ra tòa giải quyết".

Ông Chiến cũng thừa nhận trách nhiệm về vấn đề quản lý của phường dẫn đến tình trạng cơi nới, xây dựng trái phép ở khu tập thể 11 Vọng Đức.

Tuy nhiên, khi được hỏi về hướng xử lý thì ông Chiến cũng chỉ đưa ra được những ý kiến rất chung mà không đi vào cụ thể.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, anh Sơn cho biết, đến thời điểm hiện tại, dù đã gần 3 tháng kể từ khi anh có đơn kiến nghị nhưng việc tranh chấp khu diện tích phụ giữa gia đình anh và gia đình chị Huyền vẫn chưa được giải quyết.

Anh nói: "Như tôi đã trình bày, trước khi tôi mua căn hộ, phần diện tích bếp, vệ sinh đối diện căn hộ được cơi nới, xây dựng thêm này thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Hường.

Nay gia đình ông Hường đã bán căn hộ cho tôi, không còn nhà tại đây nữa, vậy thì sao có thể được sử dụng phần diện tích này?

Tôi đề nghị các cấp chính quyền yêu cầu gia đình chị Huyền trả lại phần diện tích bếp, vệ sinh để chúng tôi sử dụng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại