Cán bộ xã "sáng tạo" ra nhiều họ lạ chưa từng có ở Việt Nam

B. Bình |

Chỉ vì cán bộ xã viết sai chính tả mà 1094 người dân bỗng dưng bị chuyển sang họ mới, thậm chí là những dòng họ không có ở Việt Nam.

"Dở khóc dở cười" vì cái dấu hỏi, dấu ngã

Theo ghi nhận trên tờ Chuyện đời, câu chuyện là lùng này xảy ra ở 2 xã Song Phú và Phú Thịnh (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Khi đó 2 xã trên còn chưa tách ra mà có tên là xã Song Phú.

Trước kia, nhiều cán bộ cũng chỉ học hết lớp 4, lớp 5 nên trình độ còn hạn chế dẫn đến việc người dân đến làm giấy khai sinh, sổ hộ khẩu đã bị ghi sai họ từ họ Nguyễn, Đỗ, Võ... chuyển thành Nguyển, Đổ, Vỏ...

Nhiều người dân không để ý, cán bộ ghi sao thì biết vậy nên cũng không thắc mắc.

Ông Nguyễn Văn Giàu (59 tuổi), trú tại xã Phú Thịnh) chia sẻ trên tờ này, vào năm 1975, ông cưới vợ và ra ở riêng nên ông Giàu cùng cha của ông ra xã thủ tục tách hộ khẩu.

Mặc dù trong quyển sổ hộ khẩu của gia đình có ghi rõ tên cha ông là Võ Văn Trừ nhưng không hiểu sao cán bộ xã lại viết họ của ông là Vỏ Văn Giàu.

Ông Giàu vốn chỉ làm nông nghiệp, cả đời chẳng đi đâu nên cũng chưa sử dụng đến giấy tờ tùy thân nên ông cũng không để cái việc sai họ của mình.

Vợ chồng ông Giàu có 9 người con và khi làm khai sinh, cán bộ xã viết tên cho con ông người họ Võ người thị họ Vỏ. Khi các con ông đi học, nhà trường cũng không có ý kiến thắc mắc gì.

Tuy nhiên, đến năm 2011, con gái ông Giàu đi lấy chồng Đài Loan, khi làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài, người ta không chấp nhận cái họ Vỏ của con gái ông vì ở Việt Nam không có dòng họ này.

Lúc ấy, ông Giàu mới tá hỏa nhận ra mình bị ghi sai họ từ gần 30 năm trước. Ông Giàu vội vã lên xã nhờ cải chính nhưng cán bộ xã nói rằng việc này xã không làm được khiến ông phải chạy lên Phòng tư pháp của huyện để cải chính lại.

Bà Trần Thị Được (ấp Phú Hữu Đông, xã Phú Thịnh) giữ luôn họ Đổ (dấu hỏi) cho con - Ảnh: TIẾN LONG
Một người dân ấp Phú Hữu Đông, xã Phú Thịnh giữ luôn họ Đổ cho con - Ảnh: TIẾN LONG/Tuổi trẻ

Một trường hợp khác được ghi nhận trên tờ Tuổi trẻ là câu chuyện của gia đình ông Võ Văn Đáng (ấp Phú Thuận, xã Phú Thịnh). Nhà ông Đáng có 6 người con đều mang họ Vỏ.

Còn cháu của ông sinh sau này lại mang họ Võ. Mới đây, người con thứ 5 của ông là Võ Thành Nam đã ra xã xin sửa tên con thành họ Vỏ cho khớp với cha. 5 người con còn lại vẫn chịu hoàn cảnh họ cha một đằng, họ con một nẻo.

Gia đình ông họp bàn nhau mãi chuyện giữ họ Võ hay đổi thành Vỏ. Ông Đáng nói các cháu ông trước giờ đi học vẫn viết họ dấu ngã, giờ đổi hết thành Vỏ ngược với thói quen dễ dẫn đến sai sót.

Nhưng nếu đổi thành Võ thì bao nhiêu giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, nhà đất, giao dịch ngân hàng phải thay đổi hết, mất rất nhiều thời gian. Bàn lui bàn tới đến giờ gia đình ông chưa quyết định được họ của mình.

Lật đi lật lại từng trang hộ khẩu, ông Đáng lắc đầu: “Không ngờ cái lỗi nhỏ xíu thế này mà phiền hà quá trời...”.

Theo thông tin trên tờ này, sự sai sót bắt đầu từ năm 1994, khi đó ông N.V. K. làm cán bộ phụ trách tư pháp - hộ tịch xã Song Phú.

Người "khai sinh" ra những dòng họ lạ

Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch xã Phú Thịnh cho biết trên Xa lộ pháp luật, ông N.V. K. vào làm cán bộ Tư pháp, Hộ tịch của xã Phú Thịnh từ năm 1994 cho đến năm 2005.

Trong công việc ông luôn hoàn thành tốt, không gây phiền hà gì đến ai. Cho đến khi những người dân họ Nguyễn bắt đầu thấy được sự phiền hà khi có việc dùng đến giấy khai sinh của mình.

Trong suốt hơn mười năm làm việc ở xã, mỗi lần khai sinh cho một đứa trẻ mang họ Nguyễn ông đều viết sai họ, từ Nguyễn trở thành Nguyển.

Điều đặc biệt là bản thân của ông cũng mang họ Nguyễn nhưng không hiểu vì lý do gì mà ông lại có sự nhầm lẫn tai hại đến như thế.

Trao đổi với báo chí về vấn đề trên, ông K. chia sẻ thời đó mới học xong cấp 2 được chính quyền gọi ra phụ trách hộ tịch cho xã. Khi đánh máy quen tay lại không thấy ai thắc mắc gì nên dẫn đến sai sót về dấu.

Tuy nhiên, ông K. cũng cho rằng không phải toàn bộ những người bị sai họ là do ông viết. Vì ông K. chỉ làm cán bộ tư pháp của xã từ năm 1994-2004 trong khi có những người bị viết sai họ từ những năm 1975, điển hình là trường hợp của ông Giàu.

Ông K. cũng phân trần rằng trong quá trình làm việc, ông viết giấy khai sinh và sổ hộ khẩu rất ít mà chủ yếu là sao y lại bản gốc của người dân làm trước đó.

Ngày 19/9/2013, ông Nguyễn Hùng Dũng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long đã có công văn gửi lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long về việc thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.

Công văn nhấn mạnh, yêu cầu các Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cán bộ tư pháp, hộ tịch các xã, phường, thị trấn phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Đồng thời, các cán bộ phải hường xuyên tự trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo tính chính xác trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch nhằm tránh phát sinh những trường hợp đáng tiếc như vừa qua.

Ông Nguyễn Hùng Dũng chỉ đạo giao Phòng Tư pháp huyện Tam Bình thực hiện và hướng dẫn cho cán bộ tư pháp hộ tịch xã Song Phú và Phú Thịnh thực hiện việc cải chính hộ tịch cho các trường hợp bị đánh dấu nhằm từ dấu ngã sang dấu hỏi.

Tổng hợp

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại