Phát hiện mình đã chết từ năm ngoái
Đó là câu chuyện của bà Phạm Thị Nguyên, SN 1948, trú tại tổ dân phố 19, khu 4, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.
Theo bà Nguyên, trong một lần về quê đẻ là xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, bà vô cùng ngạc nhiên và sửng sốt khi nhiều người dân trong làng nói bà là ma và bà đã chết từ năm ngoái.
Chưa dừng lại ở đó, bà Nguyên còn được người dân trong làng cho biết UBND xã Đại Hợp đã thông báo bà chết do bệnh tật từ cuối năm 2014.
Đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bà Nguyên vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình.
Quá bức xúc, bà Nguyên đích thân lên UBND xã Đại Hợp để làm rõ thông tin thì trước mắt bà là một mảnh giấy khiến bà vô cùng bàng hoàng.
“Tôi lên hỏi UBND xã Đại Hợp thì thấy hồ sơ của tôi có một giấy chứng tử từ tháng 11/2014.
Kèm theo đó là những giấy tờ tôi hưởng chế độ chính sách người tàn tật nặng trong chân tôi đi chỉ hơi khó khăn” – bà Nguyên nói.
Bà Tờ khẳng định gia đình bà không làm giấy chứng tử cho chị gái.
Bà Phạm Thị Tờ (SN 1953, em ruột bà Nguyên, trú thôn Quần Mục 3, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) khẳng định rằng gia đình bà không ai đi làm giấy chứng tử cho chị gái.
Cũng theo bà Tờ, chị gái mình bị tật là do bẩm sinh.
Giấy chứng tử giả mạo?
Theo giấy chứng tử, bà Nguyên mất vào ngày 24/11/2014.
Trong giấy chứng tử bản sao, bà Thúy - Chủ tịch UBND xã Đại Hợp, xác nhận chính bà đã ký vào tờ giấy chứng tử số 66 – Quyển số 01-2014 chứng nhận bà Phạm Thị Nguyên đã chết với nguyên nhân do ốm nặng.
Khi được hỏi về sự việc, bà Thúy phân trần: “Cấp dưới đưa văn bản lên, tôi ký và không kiểm tra. Đây là sơ xuất của tôi”.
Tiến hành kiểm tra hồ sơ, PV tìm tới ông Hoàng Văn Đông – cán bộ Tư pháp của xã Đại Hợp, để tìm hiểu rõ hơn vấn đề.
Theo hồ sơ, ông Đông là người thực hiện giấy chứng tử cho bà Nguyên trên giấy tờ. Trước sự việc của bà Nguyên, ông Đông khẳng định giấy chứng tử của bà Nguyên là giấy chứng tử giả.
“Chữ viết giấy chứng tử không phải là chữ của tôi. Bản chứng tử này không có trong hồ sơ gốc tôi đang quản lý. Tôi khẳng định, giấy chứng tử này là giấy chứng tử giả mạo” – ông Đông nói.
Cũng theo ông Đông, việc làm giấy chứng tử rất đơn giản. Người dân chỉ cần đến viết phiếu tờ khai, xuất trình CMND, sổ hộ khẩu của cả người chết và người đi làm khai tử là có thể thực hiện xong thủ tục này.
Bức xúc trước những thông tin sai lệch về mình, bà Nguyên đã làm đơn kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng mong làm sáng tỏ vụ việc.
Vụ việc còn nhiều uẩn khúc
Theo hồ sơ xét thưởng trợ cấp xã hội, bà Nguyên là người tàn tật nặng và bà Phạm Thị Hợi (cháu bà Nguyên) là người được thụ hưởng số tiền trợ cấp xã hội của bà Nguyên.
Các quyết định điều chỉnh mức trợ cấp xã hội của bà Nguyên do PCT UBND huyện Kiến Thụy ký ngày 25/3/2008, bà Nguyên hưởng mức trợ cấp 65.000 đồng/tháng từ năm 2006; đến ngày 1/1/2007, bà Nguyên được hưởng mức trợ cấp là 120.000 đồng/tháng.
Năm 2013, bà Nguyên được điều chỉnh tiếp một mức trợ cấp là 360.000 đồng/tháng đối với người khuyết tật nặng và người cao tuổi (theo nghị định 67/2007/NĐ-CP) cho đến khi bà Nguyên “chết” vào ngày 24/11/2014.
Tất cả các loại giấy tờ gồm sơ yếu lý lịch, bản khai nhân khẩu, phiếu rà soát đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng không có một giấy tờ nào do bà Nguyên ký, và đặc biệt, trong các loại giấy tờ có chữ ký xác nhận của bà Tờ.
Trao đổi với PV, bà Tờ khẳng định mình chưa từng xác nhận một loại giấy tờ nào trong hồ sơ của chị gái.
Cùng với đó, bà Hợi (người thụ hưởng tiền trợ cấp trong hồ sơ) cũng khẳng định bà chưa bao giờ đi lĩnh tiền cho bà Nguyên.
Cũng trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Tuyết, cán bộ chính sách xã hội xã Đại Hợp cho biết từ khi bà tiếp nhận công việc, ông Phạm Bình Thủy, nguyên PBT thường trực Đảng ủy xã nhận tiền, ký nhận giúp bà Nguyên.
“Từ lúc tôi làm đến nay, ông Phạm Bình Thủy, nguyên PBT thường trực Đảng ủy xã nhận tiền, ký nhận giúp bà Nguyên.
Mỗi lần rà soát hồ sơ của người hưởng chính sách xã hội, ông Thủy đều nói bà Nguyên ốm đau và không thể có mặt để làm các thủ tục nên ông Thủy làm thay” – bà Tuyết giải thích.
Được biết, ông Thủy cũng là người đã làm giấy chứng tử cho bà Nguyên.
Bà Phạm Thị Nguyên cung cấp thêm thông tin: “Trước năm 2000, ông Thủy lúc đó là cán bộ chính sách của xã đã đến nhà và nói làm cho tôi thẻ bảo hiểm nhân thọ cho người tàn tật. Tuy nhiên, 15 năm nay tôi không nhận được thẻ bảo hiểm nhân thọ từ ông Thủy”.
Khi PV cố gắng liên lạc với ông Thủy để làm rõ một số thông tin xung quanh vụ việc, vị nguyên PBT Đảng ủy xã Đại Hợp cho biết ông không còn nhớ gì về sự việc này.
Tiếp nhận thông tin phản ánh từ PV, ông Bùi Đức Thảo, CT UBND huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng cho biết UBND huyện sẽ thành lập đoàn thanh tra để thanh tra về vụ việc.