Bộ Tài chính phát hiện hơn 10 vụ tham nhũng/ năm

Tuấn Đức |

Không như các bộ, ngành hay địa phương khác báo cáo không phát hiện ra tham nhũng, Bộ Tài chính thừa nhận có cán bộ ngành lợi dụng vị trí để tư lợi cá nhân. Trong 10 năm qua, bộ này đã phát hiện 125 vụ việc tham nhũng và xử lý hàng ngàn cán bộ vi phạm.

Đó là những con số đáng chú ý được Bộ Tài chính nêu ra chiều 18/1 tại hội nghị trực tuyến 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) của ngành.

Bộ này thừa nhận, tình trạng tham nhũng trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc… vẫn còn, nhưng chỉ mang tính cá thể…

Con sâu làm rầu nồi canh

Trao đổi bên lề hội nghị với PV Tiền Phong về những vụ cán bộ hải quan tại TPHCM bị bắt gần đây, cũng như doanh nghiệp phản ánh sự nhũng nhiễu của cán bộ thuế, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường thừa nhận có tình trạng đó nhưng chỉ mang tính đơn lẻ, không phổ biến. “Đây là những sự việc đáng tiếc.

Vẫn còn vụ việc ở chỗ nọ, chỗ kia, nhưng chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Không mang tính phổ biến, xu hướng”, ông Trường khẳng định.

Vị này cho biết, lãnh đạo ngành tài chính xác định vấn đề quản lý cán bộ trong công tác PCTN, nên đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra nội bộ.

“Với khoảng 40.000 cuộc thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn 2006-2015 đã kịp thời phát hiện tiêu cực, phòng ngừa tham nhũng”, lãnh đạo Thanh tra Bộ Tài chính nói thêm.

Theo ông Trường, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hạn chế tham nhũng, trong đó chú trọng công tác luân chuyển cán bộ.

“Việc thực hiện luân chuyển cán bộ góp phần tích cực trong PCTN. Không để vị trí nào quá lâu sẽ giảm phát sinh mối quan hệ thân tình với đối tác trong lĩnh vực phụ trách.

Ngoài ra, điều này cũng tạo sự đột phá trong quản lý; tránh sự ì ạch, đi theo lối mòn dễ sai phạm”, ông Trường nhìn nhận.

Vị này cũng cho biết, hiện Thanh tra ngành phối hợp với các đơn vị trong ngành tuyên truyền điều cán bộ được làm và không được làm để ngăn ngừa cán bộ làm điều xấu.

“Ngoài ra, cải cách, hiện đại hóa hệ thống tài chính (thủ tục thuế, hải quan, kho bạc,…) sẽ tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch và người dân có thể giám sát mỗi cán bộ ngành tài chính”, ông Trường nói.

Đánh giá về những vụ việc tiêu cực vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng: “Tình hình tham nhũng trong ngành tài chính tuy có xảy ra, nhưng ở mức độ thiệt hại thấp và chủ yếu do một số cá nhân có các hành vi cấu kết, thông đồng làm giảm số phải nộp ngân sách, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô, biển thủ công quỹ”.

Xử lý hàng ngàn cán bộ vi phạm

Trước đó, Thứ trưởng Mai cho biết: “Qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, tham nhũng”.

Cụ thể, trong 10 năm qua, toàn ngành đã phát hiện 125 vụ tham nhũng. Trong đó, phát hiện qua kiểm tra nội bộ 102 vụ, qua thanh tra là 16 vụ, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo là 7 vụ việc.

Thứ trưởng Mai cho biết thêm, đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.634 cá nhân có vi phạm (chủ yếu là cán bộ, công chức vi phạm quy trình, nghiệp vụ, quy chế nội bộ…).

Vấn đề xử lý quà biếu, quà tặng cũng được lãnh đạo ngành tài chính nêu ra.

Thứ trưởng Mai cho biết, hàng năm, bộ có văn bản chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc và trực thuộc bộ thực hiện nghiêm túc quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

Trong 10 năm qua, tổng số quà biếu, tặng đã được ngành tài chính kê khai, nộp lại gồm 322 triệu đồng, 1 bộ máy vi tính; 15 bức tranh thêu; 1 lọ hoa; 1 bộ sách và đĩa hát.

Theo Thứ trưởng Mai, so với thời điểm sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, kết quả phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính có nhiều chuyển biến tích cực, tham nhũng, lãng phí đã căn bản được kiềm chế.

Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn công tác phòng chống tham nhũng, lãnh đạo ngành Tài chính đề xuất, cần có quy định niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng.

Điều ngăn chặn việc tẩu tán tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, chứ không chờ đến khi đã kết án về hành vi tham nhũng.

“Cần sửa đổi quy định pháp luật theo hướng khi xác định hình phạt, việc hoàn trả tài sản cần được xem là một tình tiết bắt buộc chứ không phải tình tiết giảm nhẹ”, lãnh đạo ngành Tài chính nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN tổng kết, đánh giá triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt để kiểm soát các nguồn thu nhập của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại