Lúc 23g, ông Cao Đức Phát – bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – xác nhận đây là thời điểm bão số 4 đổ bộ vào đất liền. Vị trí tâm bão ở khu vực thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Sức gió mạnh nhất khi bão đổ bộ mạnh cấp 8, giật cấp 9.
Nhiều nơi cúp điện
Theo ghi nhận của phóng viên lúc 22g30 ngày 29-11 tại trụ sở P.Xuân Phú (thị xã Sông Cầu) có rất đông người dân sơ tán để tránh bão.
Lúc 22g tối 29-11, có mặt ở trung tâm TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), PV Tuổi Trẻ cho biết tại đây đã xuất hiện gió mạnh. Một số tuyến đường chính bị cúp điện.
Qua điện thoại, phóng viên Nguyễn Chương cho biết một số tuyến đường chính của TP Quy Nhơn như Nguyễn Thị Định, Ngô Mây, An Dương Vương... hiện chìm bóng tối vì cúp điện. Gió giật rất mạnh.
Trong khi đó, vào lúc 20g30 tối 29-11, có mặt ở trung tâm thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), phóng viên nhận thấy tại đây đã xuất hiện mưa to và gió mạnh.
Một số tuyến đường chính của thị xã Sông Cầu cũng bị cúp điện.
Ông Trần Hữu Thế - bí thư Thị ủy Sông Cầu - cho hay lúc 18g30 cũng xuất hiện một đợt mưa to gió lớn ở địa bàn thị xã, trong đó xã Xuân Cảnh có gió xoáy mạnh nhưng chưa nhận được thông tin về thiệt hại.
Đang ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) để chỉ đạo ứng phó cơn bão số 4, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt trung ương đã cung cấp thêm một số thông tin về cơn bão.
Ông Phát cho biết: “Lúc chiều tối thì bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, hơi chếch về phía TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và theo báo cáo của bên khí tượng thì ở Quy Nhơn đo được gió giật cấp 7.
Càng tiến gần bờ, bão di chuyển dích dắc và hiện đang đi thẳng hướng tây."
"Lượng mưa do hoàn lưu bão gây ra trong khoảng 100-150mm, nhưng không loại trừ có mưa rất to xảy ra cục bộ ở một số vùng” - ông Phát cho biết.
Ông Trần Quang Nhất - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết đến 22g30 tối 29-11, tỉnh Phú Yên đã sơ tán hơn 3.000 dân ở các vùng xung yếu đến nơi tránh trú, trong đó có toàn bộ dân cư vùng triều cường xóm Rớ (P.Phú Đông, TP Tuy Hòa).
Lúc 22g, một số người dân và thanh niên xung kích đưa trẻ em, người lớn tuổi đến phân trường thôn Cao Phong (xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu) để tránh bão.
Giám đốc Điện lực Phú Yên Trần Văn Khoa cho hay lúc 21g, do mưa gió lớn gây phóng điện làm mất điện cục bộ ở khu vực Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên.
Phải mất hơn 1 giờ khắc phục trong mưa gió, ngành điện lực mới cấp điện được cho khu vực này. Lúc 22g, toàn thị xã Sông Cầu cắt điện để đề phòng mưa gió lớn gây sự cố nghiêm trọng.
Đề phòng mưa to
Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sau khi vào đất liền các tỉnh Phú Yên - Bình Định, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và sau đó tiếp tục suy yếu và tan dần trên đất liền biên giới Việt Nam - Campuchia.
Trước khi đổ bộ vào đất liền ghi nhận tại Quy Nhơn (Bình Định) và Tuy Hòa (Phú Yên) có gió mạnh cấp 6-7, mưa to và dông.
Vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa cũng gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9 - 10. Sóng biển cao từ 2 - 4m.
Vùng ven biển Quảng Ngãi và sâu trong đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk có gió giật mạnh cấp 6.
Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Tình trạng mưa còn tiếp tục duy trì vì khoảng đêm 30-11 sẽ có một đợt gió mùa đông bắc mạnh ảnh hưởng đến Bắc bộ gây gió mạnh cấp 7, giật cấp 9 trên vịnh Bắc bộ, sau đó ảnh hưởng và gây mưa vừa mưa to đến khu vực Trung bộ.