Bị tố làm "chăn bẩn", dân Trát Cầu sẵn sàng bóc chăn kiểm chứng

Hà Khê |

Người dân Trát Cầu hiện rất bức xúc và khẳng định, sẵn sàng bóc chăn siêu nhẹ mà họ sản xuất để kiểm tra xem bên trong có những gì, có đúng như nội dung phóng sự hay không.

Những ánh mắt dò xét, nghi kị... dễ hiểu của người dân

Gần đây, dư luận hoang mang khi một phóng sự truyền hình phát sóng cho rằng, rác bẩn, vải vụn… là đầu vào để làm đệm, chăn, ga, gối ở làng nghề truyền thống nổi tiếng Trát Cầu (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Theo những hình ảnh được phát đi trong phóng sự này thì chính làng Trát Cầu là nơi sản xuất ra những loại đệm, chăn, gối... có nguyên liệu bẩn như vậy.

Sau khi phóng sự này được phát sóng, dư luận dấy lên nhiều ý kiến trái chiều về câu chuyện đệm bẩn, chăn bẩn ở Trát Cầu. Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ về cách làm dối trá, độc hại của những người sản xuất đệm ở đây.

Trên các diễn đàn mạng, câu chuyện này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Những người dân thôn Trát Cầu chính là những người phản ứng dữ dội nhất.

Họ khẳng định nhóm PV làm phóng sự đã đưa sai sự thật, khiến dư luận hiểu sai về một làng nghề nổi tiếng của Hà Tây cũ.

Người dân Trát Cầu khẳng định, loại nguyên vật liệu này không sử dụng để làm chăn, đệm
Người dân Trát Cầu khẳng định, loại nguyên vật liệu này không sử dụng để làm chăn, đệm

Nhiều người đã “truy lùng” danh tính của nhóm phóng viên và chia sẻ bức ảnh của nữ phóng viên trực tiếp làm phóng sự này. Theo chúng tôi được biết, nữ phóng viên đã phải tạm khóa tài khoản Facebook…

Danh và tai tiếng của làng đệm Trát Cầu không phải bây giờ mới có. Phóng sự phát sóng và bị phản ứng vừa qua không phải là tác phẩm báo chí đầu tiên phản ánh mặt tiêu cực của làng nghề truyền thống này.

Nhưng có lẽ, đây là lần đầu tiên người dân làng Trát Cầu phản ứng dữ dội như vậy.

Để làm rõ hơn về những gì đã và đang xảy ra ở làng sản xuất đệm Trát Cầu, chúng tôi đã về đây tìm hiểu.

Phải nói thật, khi biết chúng tôi là phóng viên, những người dân ở đây đều nhìn bằng một ánh mắt khác. Những người phụ nữ đang dọn rác, vải vụn bên đường không quên “ném” cho chúng tôi những ánh nhìn dò xét, nghi kị và cả… sự khinh khỉnh.

Vượt qua những ánh mắt nghi kị, dò xét ấy, chúng tôi bắt đầu nói chuyện với họ. Ban đầu, họ từ chối vì “không tin được anh chị phóng viên”, nhưng khi hiểu mục đích của chúng tôi, từ nghi kị ban đầu, họ dần chia sẻ.

Không khó để nhận ra, phản ứng của người dân là rất bức xúc.

Chị Vũ Thị Ng., người dân Trát Cầu nói: “Họ nói sai sự thật như thế thì người dân chúng tôi bức xúc là chuyện bình thường, không có gì khó hiểu”.

Một người dân khác tự tin lên tiếng, họ sẵn sàng chấp nhận việc bóc một chiếc chăn nhẹ bất kỳ trong làng, nếu có chứa rác, chất bẩn, bông bẩn thì họ sẽ chịu trách nhiệm.

Theo tìm hiểu của PV, bãi ngổn ngang rác, vải vụn… được cho là nguyên, vật liệu để làm chăn, đệm bẩn thì chính là bãi rác của làng. Khi chúng tôi có mặt, chi hội phụ nữ đã huy động chị em dọn rác, đưa đi tiêu hủy.

Người dân ở đây cho biết, bãi rác này vừa là của làng vứt ra, vừa là hàng phế liệu của những công ty may trên địa bàn vứt ra đây.

"Việc đó tôi xin phép không có ý kiến"

Lãnh đạo UBND xã Tiền Phong cho biết, nguyên liệu để làm chăn ga gối đệm ở đây được nhập khẩu từ một số nước như Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc… và có cả một số nguyên liệu của Việt Nam.

Một số xưởng nhập nguyên liệu từ Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực. Tất cả đều có hóa đơn, chứng từ đầy đủ.

Ông Nguyễn Trọng Vinh, Trưởng thôn Trát Cầu chia sẻ: "Bà con phản ứng tiêu cực, không ủng hộ chuyện phóng viên về làm việc nọ xọ việc kia như thế được.

Ảnh hưởng thì chưa nhiều, nhưng nghe dư luận là không thấy khoái. Nói thật, bây giờ người dân họ xem thông tin họ cũng biết sàng lọc, họ có bị mù thông tin đâu mà không phân biệt được đâu là sự thật, đâu là dối trá".

Vị này nói thêm, nếu thông tin đưa mà không phản ánh đúng sự thật thì gây tiếng xấu, mất uy tín và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến làng nghề.


Ông Tô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết, hiện người dân đang rất bức xúc về đoạn phóng sự sai sự thật đó

Ông Tô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết, hiện người dân đang rất bức xúc về đoạn phóng sự sai sự thật đó

Nói về sự việc này, ông Tô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho rằng, phóng sự đó chỉ có khoảng 2-3 % là sự thật và hiện người dân đang rất bức xúc về đoạn phóng sự đó.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo kênh truyền hình đã cho phát sóng đoạn phóng sự về đệm ở làng Trát Cầu, tuy nhiên đại diện Ban biên tập kênh từ chối trả lời.

Một Phó Ban biên tập kênh phát sóng phóng sự về đệm bị phản ứng cho biết: “Việc đó bây giờ tôi xin phép không có ý kiến. Mà tôi không trả lời qua điện thoại được”.

Khi phóng viên xin phép đặt lịch để sang phỏng vấn trực tiếp thì người này im lặng rồi cúp máy.

Đâu là sự thật? Có lẽ, xin dành câu trả lời cho các cơ quan liên quan. Nhưng việc bức xúc của người dân Trát Cầu, sự hoang mang của người tiêu dùng là điều rất dễ nhận thấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại