GĐ Sở kiêm admin facebook: Tạo giá trị người lãnh đạo tốt hơn

Hoàng Đan |

Đại biểu Tâm cho rằng, việc Giám đốc Sở kiêm admin facebook ở Đà Nẵng sẽ giúp gần dân hơn, lắng nghe, giải quyết các phản ánh của người dân nhanh chóng, tích cực hơn.

Giúp gần dân hơn

Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, diễn đàn ‘Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp' được lập trên mạng xã hội facebook có 11 admin, thì 4 trong số đó là các Giám đốc, Phó giám đốc Sở

Đó là các ông: Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng; Trần Chí Cường, PGĐ Sở VH-TT-DL; Nguyễn Quang Vinh, PGĐ Sở TN-MT; Bùi Hồng Trung, PGĐ Sở GTVT.

Ngoài ra, có 4 admin cấp trưởng phòng, 3 người phụ trách IT. Những người điều hành này đều làm trong các sở ban ngành thuộc UBND TP Đà Nẵng.

Cũng theo lãnh đạo thành phố, các phản ánh của người dân trên diễn đàn sẽ được giải đáp, hoặc chuyển đến nơi có trách nhiệm.

Liên quan đến thông tin này, trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng, người thường xuyên dùng facebook - PV) đã bày tỏ sự ủng hộ khi Giám đốc, Phó GĐ các Sở của Đà Nẵng trực tiếp làm admin của diễn đàn trên facebook này.

"Cá nhân tôi rất ủng hộ việc trực tiếp các đồng chí lãnh đạo Sở ở Đà Nẵng làm admin diễn đàn trên facebook như vậy.

Điều này, sẽ giúp cho các cán bộ có trách nhiệm gần dân hơn, lắng nghe, giải quyết các phản ánh của người dân được nhanh chóng, tích cực hơn", ông Tâm nói.

Vị đại biểu Quốc hội này cũng mong muốn, các tỉnh, thành phố khác cũng nên học tập, mở các diễn đàn như thế này để giúp cơ quan quản lý tương tác tốt hơn với người dân.

Ảnh chụp từ Facebook diễn đàn ‘Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp’.
Ảnh chụp từ Facebook diễn đàn ‘Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp’.

Đồng quan điểm đó, ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện quản lý Việt Nam cũng nêu rõ sự ủng hộ với việc các lãnh đạo Sở của Đà Nẵng trực tiếp làm admin diễn đàn facebook.

"Thứ nhất chúng ta thấy, đã là lãnh đạo thì phải gần, lắng nghe ý kiến của dân và khi dân dùng nhiều facebook thì rõ ràng lãnh đạo phải dùng.

Thêm vào đó, người dân hiện nay có máy ảnh, điện thoại smartphone... nếu như chúng ta dùng các biện pháp cũ thì thông tin chuyển tải rất khó và chậm.

Còn nhờ qua facebook, thì người dân ghi hình, ghi âm... có thể gửi ngay qua đây và lãnh đạo có thể nhận được hàng ngày, liên tục", ông Tuấn Anh cho hay.

Cũng theo ông Tuấn Anh, người lãnh đạo phải nắm được thông tin phản biện ở dưới, nên thông qua facebook việc này chắc chắn sẽ được tốt hơn.

"Tôi lấy ví dụ, Giám đốc Sở có 100 nhân viên ở dưới nhưng nếu không có công cụ giám sát ông cũng không thể nắm hết được khi 100 người đó ra đường sẽ làm gì.

Vì thế, thông qua facebook sẽ giúp lãnh đạo Sở giám sát tốt hơn nhân viên của mình và nhân viên cũng tự ý thức được là cần làm tốt hơn bởi khi mình ra ngoài làm, người dân sẽ có thể phản hồi nhanh nhất các việc làm chưa tốt của mình", ông Tuấn Anh phân tích.

Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện quản lý Việt Nam.
Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện quản lý Việt Nam.

TS Phan Quốc Việt, Chủ tịch Tâm Việt Group cũng nhìn nhận, đây là việc làm rất tích cực và "quá tốt".

"Mạng xã hội là xu thế tất yếu của thế giới nên việc Đà Nẵng áp dụng được như thế là rất tốt. Chúng ta vẫn thường nhắc đến là càng gần dân thì càng tốt và giải quyết các phản ánh của dân càng nhanh càng tốt nhưng nếu như cách cũ trước đây thì rất khó.

Còn với facebook này thì anh ngồi đâu cũng có thể xem được và từ đó, đưa ra những định hướng, điều hành, chỉ đạo giải quyết cách nhanh nhất. Điều đó quá tốt", ông Việt nhấn mạnh.

Không nên thấy "xấu" là tránh

Trước một số ý kiến cho rằng, lãnh đạo chơi facebook không phải hiếm nhưng họ cũng thường rất bận, trong khi làm admin thì thường xuyên phải tương tác, điều hành, trả lời sớm ý kiến của người dân. Như vậy, việc lãnh đạo Sở làm admin như vậy có ổn không?

Ông Tâm cho rằng, ý kiến đó là đúng nhưng thực tế, ở đây, sẽ có một bộ phận giúp việc cho lãnh đạo Sở để ghi nhận thường xuyên các kiến nghị, thông tin của người dân để báo cáo lại, từ đó, có hướng chỉ đạo giải quyết.

"Ở một khía cạnh nào đó mạng xã hội facebook này có những tiện lợi nhất định và ở đây, chắc chắn, thông qua kênh này, thì việc tương tác của người dân với chính quyền sẽ được mở rộng hơn.

Những ý kiến của người dân dù thế nào cũng sẽ được tiếp thu và xử lý, giải quyết nhanh chóng hơn", ông Tâm đánh giá.

Còn ông Việt nhìn nhận, cái gì cũng có 2 mặt của nó và cần phân biệt rõ việc chơi facebook với việc làm việc trên facebook.

TS Phan Quốc Việt.
TS Phan Quốc Việt.

"Tuy nhiên, về cơ bản, là lãnh đạo Sở anh phải tiếp xúc với người dân và người dân gặp có thể không muốn trình bày thì qua đây là họ trình bày quan điểm rõ ràng nhất.

Facebook là xu thế rồi, không chỉ giới trẻ mà đến chính các cụ về hưu cũng dùng vì thế việc sử dụng là hoàn toàn đúng còn chúng ta không nên giữ quan điểm sợ cái xấu rồi tránh.

Chúng ta cần phải vào tìm hiểu và sử dụng nó, đem lại những giá trị tốt hơn", ông Việt nhận định.

Ông Tuấn Anh cũng cho hay, người lãnh đạo là người lắng nghe, định hướng cho nhân viên và một lãnh đạo Sở không thể làm thay cho toàn bộ nhân viên của mình.

"Nên việc, lãnh đạo Sở lắng nghe các ý kiến, phản hồi từ facebook là việc rất quan trọng để từ đây, các vị đó sẽ có những định hướng, góp ý, sửa chữa, chỉ đạo nhân viên ở dưới làm tốt hơn.

Còn rõ ràng việc chuyển từ người chơi bình thường sang làm admin sẽ có những rào cản nhưng nếu người lãnh đạo đặt ra và vượt qua được thì đây sẽ tạo giá trị làm cho người lãnh đạo tốt hơn", ông Tuấn Anh nhấn mạnh thêm.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại