Bí thư Thăng được tin rằng sẽ "trảm" được một vấn nạn gây phẫn nộ

Hoàng Đan |

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, vấn đề thực phẩm bẩn không chỉ hại con cháu mà hại cả chúng ta nên muốn xử lý triệt để cần có người quyết liệt như Bí thư Thăng.

Thực phẩm bẩn: Cứ ngồi đó trách móc?

Bên lề kỳ họp Quốc hội, trao đổi với chúng tôi ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tỏ rõ nỗi buồn khi mỗi năm Việt Nam có trung bình khoảng 150.000 trường hợp mắc ung thư mới, trong đó 75.000 người tử vong.

"Thứ nhất, chúng ta phải xem lại môi trường sống. Thứ 2, thực phẩm an toàn hay không, rồi lối sống... Đương nhiên, về mặt gen di truyền thì không làm gì được nhưng còn những tác động", bà Lan nói.

Bà Lan cũng nhấn mạnh, rõ ràng đối với người dân, con đường thực phẩm là nguy hiểm nhất. Ngoài ra, còn ô nhiễm môi trường, bụi khói, hút thuốc, rượu bia... làm cho sức đề kháng giảm, tạo cơ hội cho mầm mống bệnh phát triển.

Bà đã theo dõi nhiều giám sát, chất vấn xung quanh vấn đề vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước để đối phó với tình trạng thực phẩm bẩn.

Dù không tham gia Luật xây dựng an toàn thực phẩm nhưng bà thấy cách chia trách nhiệm như vậy cũng chưa ổn. Cũng giống như lần trước, Bộ này ngành này đổ cho Bộ kia ngành kia:

"Trước chia theo chiều ngang, thực phẩm nếu đang gieo trồng thì nó thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, khi lưu thông trên thị trường thì nó thuộc Bộ Công thương, cuối cùng lên mâm cơm thì thuộc Bộ Y tế.

Cách chia như vậy nó manh mún. Lần này theo Luật mới thì theo chiều dọc, nghĩa là Bộ nào chịu trách nhiệm thì phải từ A -> Z nhưng chúng ta lại chia theo nhóm sản phẩm.

Ví dụ ngành Y tế chịu trách nhiệm về nước tình khiết, nước đóng chai thì rượu bia nước giải khát lại thuộc Bộ Công thương.

Hồi trước, nếu chia theo chiều ngang nó còn có căn cứ theo phạm vi hoạt động của mỗi Bộ ngành cũng tương đối phù hợp.

Chúng ta vẫn bắt gặp tình trạng, ngành này đổ thừa cho ngành kia, không có ai là đầu mối. Nếu yên lành không có chuyện gì ngành nào cũng có thành tích nhưng nếu xảy ra chuyện gì thì... chúng ta cứ ngồi đó trách móc".

Cần người quyết liệt như Bí thư Thăng

Bà Lan cũng nhấn mạnh, vừa qua, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã chỉ đạo hết sức quyết liệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý thực phẩm bẩn.


Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

"Vấn đề vệ sinh an toàn, thực phẩm bẩn là một trong những việc đầu tiên ông Thăng chỉ đạo khi mà tới làm việc với y tế thành phố.

Ngay buổi làm việc với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bí thư Thăng cũng đã đề nghị phải có đầu mối trách nhiệm và giao cho Sở Y tế.

Cho nên, trong thời gian tới, với tư cách là Phó GĐ Sở Y tế, tuy không trực tiếp quản lý phần vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng tôi sẽ cùng với Giám đốc Sở đốc thúc việc này.

Vấn đề ở đây là Sở Y tế phải đứng ra chịu trách nhiệm nếu có vấn đề về thực phẩm xảy ra, làm sao để đảm bảo dân thành phố được ăn thực phẩm an toàn.

Nếu không an toàn, Sở Y tế phải chịu trách nhiệm trước, sau đó Sở được UBND TP phân cấp để có thể làm đầu mối cùng các Sở, ngành khác hành động chứ không phải chỉ Sở Y tế hành động...", bà Lan nói.

Bà Lan cũng bày tỏ, trong cơ chế hành chính của Việt Nam, khi đưa lên sự việc cứ nguội dần rồi không ai chịu trách nhiệm cả:

"Tại sao chợ hóa chất không xử lý được, mỗi lần xử lý cứ lôi Luật ra. Có Luật nào quan trọng bằng tính mạng của người dân, bằng sức khỏe của người dân, vấn đề chúng ta muốn xử hay không.

Bên cạnh xóa thì phải xây, xây dựng thực phẩm an toàn. Nếu như chúng ta kiểm soát được thực phẩm đến từ các chợ đầu mối thì sẽ đỡ hơn.

Khi đưa ra mô hình siêu thị, phải nói là kiểm soát nguồn gốc cũng tốt hơn. Cho nên, tất cả những việc đó phải song hành, nếu chỉ đi phạt thì người dân biết mua ở đâu.

Người Việt phải ý thức được là không nên đầu độc nhau, nếu bây giờ vì lợi nhuận mà hại người khác thì cũng sẽ bị người khác hại lại thì không có tư cách gì để trách móc.

Ta làm hại con cháu chúng ta và cả chúng ta. Người ta lại có tâm lý cứ chờ nhau, tại sao người khác làm được mình làm không được cho nên Nhà nước phải chủ động về vấn đề này. Tôi nghĩ phạt cho thật nghiêm thì sẽ làm được".

Ngoài ra, theo bà Lan phải có quy định rõ ràng, khoanh vùng ra và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm:

"Mỗi ngày, mỗi bữa cơm, mỗi bữa ăn thì nhiệm vụ của chúng ta nhân dân đóng thuế, nuôi cả một hệ thống quản lý Nhà nước mà sao sống trên đất nước mình không an toàn.

Không thể vui vẻ với những báo cáo nghe rất hay. Nếu nói thực phẩm thì cả thế giới bị chứ không riêng gì chúng ta nhưng tại sao người ta lập hàng rào, người ta quản được mà mình làm không được.

Tôi nghĩ nên làm quyết liệt, rõ ràng và muốn xử được thực phẩm bẩn cần có những người quyết liệt như Bí thư Thăng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại