Bí quyết trường thọ của cụ ông người M'Nông 116 tuổi

Với những thức ăn từ lá rau rừng, chim thú trong rừng và công việc hằng ngày nơi nương rẫy tạo cho cụ Y N’Dông có một cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng đối với bệnh tật cao.

 Tại bon Jâng Plây (xã Trường Xuân, huyện ĐắK Song, tỉnh Đắk Nông), khi chiều đến, những người trong bon đều quá quen thuộc với dáng dấp của một cụ ông, mái tóc bạc phơ, lặng lẽ bước đến từng nhà người thân thăm con cháu. Đó chính là cụ Y N’Dông, dân tộc M'Nông. Cụ được biết đến là cụ ông cao tuổi nhất Việt Nam, với kỷ lục 116 tuổi.

Hà Nội: Cụ ông 82 tuổi vẫn sinh con Hà Nội: Cụ ông 82 tuổi vẫn sinh con

Mọi người trong gia đình cũng như bạn bè hai bên đã bất ngờ khi thấy một ông già hơn 80 tuổi – cái tuổi “xưa nay hiếm” mà vẫn sinh con khỏe mạnh.

Sống thọ nhờ... thiên nhiên

Vào những ngày đầu tháng Mười, trong gió chiều nhè nhẹ, se lạnh chúng tôi tìm về bon Jâng Plây, để được diện kiến cụ ông thọ nhất Việt Nam. Cụ là đồng bào dân tộc M'Nông, đã sống vắt qua ba thế kỷ, và là người được biết đến với danh tiếng lập kỷ lục người cao tuổi nhất Việt Nam. Theo chân một cán bộ xã và người bản địa, chúng tôi mới tìm đến được nhà cụ Y N’Dông. Nằm cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa gần 100km, theo con đường đất đỏ chạy dọc quanh đồi, chúng tôi cùng những người trong đoàn kịp có mặt, để nghe cụ kể về cuộc đời mình và những bí quyết giúp cụ sống lâu cùng con cháu.

Diện kiến cụ ông người MNông 116 tuổi và bí quyết trường thọ - Ảnh 1
Cụ ông Y N’Dông cùng vợ và con cháu.

Lúc này, trời đã về chiều, hiện ra trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau. Một cụ ông thân hình vẫn còn khá săn chắc, đang ngồi kể chuyện cho bọn trẻ trong bon (buôn) nghe. Thấy những vị khách lạ đến thăm, cụ hồ hởi mời lên nhà uống nước. Tiếp chúng tôi bằng những ly nước từ lá rừng, cụ cho biết: "Ở bon này nhiều người sống thọ lắm, đâu phải riêng mình tôi". Rồi cụ nhìn chúng tôi cười một cách vui vẻ. Cụ có mái tóc bạc trắng, mắt sáng và phong thái nhanh nhẹn, khiến người mới gặp lần đầu, không tin rằng đó là một ông cụ đã sống trên trăm tuổi.

Cụ Y N’Dông (SN 1898), tính đến nay đã thọ 116 tuổi. Vợ cụ là H'Dơi (SN 1920). Vợ chồng cụ có tất cả 14 người con (7 người đã mất), có đến 44 cháu và 20 chắt. Hai cụ là những người đầu tiên đặt chân đến bon Jâng Plây khai phá nương rẫy sinh sống. Hiện, vợ chồng cụ sinh sống cùng gia đình người con gái út là H'Lem (SN 1973). Mặc dù, vợ chồng chị H'Lem đã có ngôi nhà được xây khang trang và dành riêng cho hai cụ một căn phòng, nhưng vợ chồng cụ vẫn chỉ thích sống ở căn sàn và quanh quẩn bên bếp lửa luôn luôn rực đỏ.

Là đồng bào dân tộc, nên những người trong bon Jâng Plây đều sử dụng ngôn ngữ của người dân tộc M'Nông. Do bất đồng ngôn ngữ, nên chúng tôi khá khó khăn khi trò chuyện với cụ Y N’Dông. Được sự trợ giúp của ông Y Bang (người dân tộc M'Nông), chúng tôi hiểu thêm về những câu chuyện cụ kể. Mặc dù đã ở cái tuổi nhiều người mơ ước, nhưng trí nhớ của cụ Y N’Dông hoàn toàn minh mẫn. Cụ có thể kể vanh vách cho chúng tôi nghe những câu chuyện từ ngày xưa, trong ký ức của mình. Theo lời cụ Y N’Dông, tất cả đồng bào trong bon đều sống dựa vào thiên nhiên, chính vì vậy mà có rất nhiều người sống thọ.

Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết để có thể sống thọ như ngày hôm nay, cụ Y N’Dông cho biết: "Ngày xưa, trong cái bon, cái bản còn nghèo đói lắm, cuộc sống gia đình mình phải bám rẫy, vào rừng tìm cái ăn để sống. Phụ nữ thì vào rừng hái măng, đọt mây, lá rau nhiếp... Đàn ông, hằng ngày ngoài công việc khai hoang đồi núi trồng cây ngô, cây lúa thì thường vào rừng săn bắn những động vật rừng về để làm thức ăn cho gia đình. Ngày ngày, đồng bào lên núi khai hoang đất rừng để trồng cây ngô, cây mì, lao động nhiều nên thân thể mình luôn rắn chắc, khỏe mạnh. Những khi mình làm nương rẫy sống ngoài rừng, thì thức ăn chủ yếu là rau củ và những chim thú trong rừng, nên giờ đây mình rất ít bệnh tật".

Với những thức ăn từ lá rau rừng, chim thú trong rừng và công việc hằng ngày nơi nương rẫy tạo cho cụ Y N’Dông có một cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng đối với bệnh tật cao, hiếm khi cụ bị bệnh gì nặng. Nói về sức khỏe của mình, cụ Y N’Dông tâm sự: "Trước đây tôi đã từng mắc phải một căn bệnh nặng, vì gia đình không có tiền đưa đến bệnh viện để chạy chữa nên khi đó tôi tưởng mình sẽ chết. Thấy tôi ốm nặng, gia đình đã mời một thầy lang trong bản đến nhà để điều trị. Bằng những vị thuốc từ lá cây rừng, vị thầy lang đó đã cứu tôi vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo. Lạ lùng thay, từ ngày được thầy lang trong buôn cứu sống đến nay, hơn 50 năm qua tôi không hề mắc một chứng bệnh nào phải đến bệnh viện".

Được Chủ tịch nước gửi thiếp mừng thọ và tặng quà

Chị H'Lem, con gái út của cụ Y N'Dông cho biết: "Mặc dù tuổi của bố mẹ tôi đã cao nhưng sức khỏe vẫn còn tốt lắm. Mọi sinh hoạt cá nhân hằng ngày của bố tôi đều do ông tự làm lấy, không cần nhờ đến con cái. Mỗi bữa, bố tôi vẫn có thể ăn được nửa bát cơm. Đôi khi trái nắng trở trời, người mệt ông chỉ ăn ít hơn một chút nhưng không hề phải nằm mệt mỏi, vẫn đi lại thăm con cháu và hàng xóm. Những lúc như thế tôi thường nấu cháo để ông dễ ăn hơn. Anh em chúng tôi luôn hết lòng chăm sóc để hai ông bà luôn vui vẻ lúc cuối đời. Tuy sống với vợ chồng tôi, nhưng ông vẫn hay chống gậy đi lại nhà các con để thăm cháu. Bước chân của ông vẫn còn rắn chắc lắm". Hằng ngày, ngoài việc quanh quẩn bên bếp lửa cùng người vợ, cứ mỗi chiều đến sở thích của cụ Y N’Dông là đi bộ quanh bon, vừa để tập thể dục vừa để thăm con, thăm cháu.

Khi biết mình là người đang được xác lập nắm giữ kỷ lục người cao tuổi nhất Việt Nam, cụ Y N'Dông cười một cách tự hào phấn khởi. Cụ đưa tay chỉ về tấm thiếp mừng thọ, được treo cẩn trọng giữa nhà. Cụ khoe rằng được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thiếp chúc thọ và tặng quà. Đó là món quà tặng đầy ý nghĩa của Chủ tịch nước đã gửi tặng cho cụ vào ngày 1/10/2014, ngày Quốc tế Người cao tuổi do tỉnh Đắk Nông tổ chức. Cụ Y N’Dông cho biết, đó là niềm tự hào nhất của cụ, bởi khi đã ở cái độ tuổi gần đất xa trời lại được Chủ tịch nước quan tâm gửi thiệp chúc mừng.

Ông Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch hội Người cao tuổi xã Trường Xuân xác nhận: "Trong số 368 hội viên của hội Người cao tuổi thì cụ Y N’Dông là người cao tuổi nhất. Năm nay cụ đã thọ 116 tuổi nhưng vẫn còn khỏe, nhanh nhẹn. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, của Đảng, Nhà nước, UBND xã Trường Xuân đã thực hiện những chính sách nhằm quan tâm đến người cao tuổi sống trên địa bàn xã. Riêng cụ Y N’Dông được chính quyền UBND xã luôn quan tâm động viên thăm hỏi, thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ tại trạm xá y tế xã và cấp phát thuốc miễn phí nhằm đảm bảo sức khỏe cho cụ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Y Bang tự hào nói: "Ở bon Jâng Plây này, cụ N’Dông là người thọ nhất. Tuy cụ đã ở vào cái tuổi "gần đất xa trời" nhưng sức khỏe cụ khá ổn và đặc biệt là trí nhớ rất minh mẫn. Vào những ngày tết của bon, chúng tôi luôn mời cụ đến để kể chuyện cho con cháu nghe về nguồn gốc của bon làng. Từ người già đến trẻ con, ai ai cũng đều yêu quý cụ Y N'Dông".

Đang làm hồ sơ xác lập kỷ lục Việt Nam

Ông Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch hội Người cao tuổi xã Trường Xuân cho biết thêm: "Hiện trên địa bàn xã Trường Xuân có bốn cụ đã đạt số tuổi hơn 100 là Y N'Dông (116 tuổi), cụ H Reh (112 tuổi), cụ Y Wơr (109 tuổi), cụ Y Kuâr (103 tuổi). Tất cả các cụ đều là đồng bào dân tộc M'Nông. Trong đó cụ Y N'Dông là người cao tuổi nhất. Hiện, UBND xã đang làm hồ sơ để xác lập kỷ lục cụ ông Y N'Dông là người cao tuổi nhất Việt Nam".

“Lão tiên” 109 tuổi chia sẻ về bí kíp trường thọ “Lão tiên” 109 tuổi chia sẻ về bí kíp trường thọ

(Soha.vn) - Dù đã 109 tuổi nhưng sức khỏe cụ Giáng vẫn như mới chỉ 50 – 60 tuổi. Để có được sức khỏe như vậy, theo cụ cần phải có một quá trình ăn uống, nghỉ ngơ và tập luyện lâu dài.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại