"Ăn không đủ, làm sao vui được"
Sau khi nhận được thông tin BVĐK Hồng Đức (Kiến An, Hải Phòng) hết tiền để trả lương cho hàng trăm bác sĩ, y tá, cán bộ, công nhân viên đang công tác tại đây, PV đã tìm gặp những người liên quan để ghi nhận lại thực tế đắng cay đằng sau câu chuyện buồn này.
Sau cánh cổng sắt nặng nề, trái ngược với những gì tấp nập đang diễn ra phía ngoài đường Hoàng Quốc Việt, cảm nhận đầu tiên của PV là một bầu không khí vắng vẻ, hiu hắt đang phủ bóng xuống mọi ngóc ngách của bệnh viện.
Lác đác chỉ có một vài bệnh nhân ra vào viện, phần lớn là những người đến tái khám, một con số buồn thảm trái ngược hẳn với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ y bác sĩ đông đảo.
Những ánh mắt u uẩn của các cán bộ đang công tác tại viện càng làm cho không gian giữa 4 bức tường thêm phần ảm đạm.
BVĐK Hồng Đức có cơ sở vật chất tương đối hiện đại, không tương xứng với lượng bệnh nhân đến thăm khám
Tại Phòng Nhân sự, ông Hoàng Đình Hưng (SN 1958), cán bộ phụ trách cho biết, từ tháng 10/2014 đến nay, đơn vị chủ quản BV là Công ty CP BVĐK Hồng Đức mới chỉ chi trả một phần rất nhỏ trong khoản nợ tiền lương khổng lồ.
"Chúng tôi mới được nhận 2 tháng lương và ứng 2 tháng lương, mỗi lần từ 1 đến 3 triệu đồng. Ngần ấy không đủ trang trải cho những lo toan cuộc sống hàng ngày, làm sao chúng tôi vui được?", ông Hưng giãi bày.
Vị cán bộ cũng chia sẻ, với những người hưu trí như ông, thì việc chậm lương dẫu có ảnh hưởng đến cuộc sống nhưng cũng không thê thảm như những gì đang diễn ra với các cán bộ trẻ đang gắn bó với viện.
Ông Hưng đánh giá, việc đi làm cả năm không có thu nhập, giống như một "cú đánh trực diện" vào lửa nghề của các cán bộ y bác sĩ trẻ tuổi, nhất là trong một lĩnh vực nhiều đặc thù như ngành y.
Chỉ mong được trả lương đúng hạn
Rồi ông giới thiệu chúng tôi tìm gặp bác sĩ Nguyễn Ngọc Linh (SN 1982), một chuyên gia trong lĩnh vực chuẩn đoán hình ảnh, một người cùng quẫn mặt tài chính nhưng vẫn kiên quyết bám trụ với nghề, với BV, dẫu cho khoản nợ lương đã vượt 3 chữ số.
Bác sĩ Linh thực sự chán nản khi nhắc về khoản nợ 300 triệu đồng của gia đình
Bác sĩ Linh người gầy nhỏ, ngồi buồn bã cuối phòng bệnh vắng lặng, tâm sự rằng bản thân anh ngoài việc phải cáng đáng cuộc sống gia đình, còn đang theo học thêm cao học nhằm nâng cao tay nghề.
Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình anh đã phải vay nợ từ ngân hàng hơn 300 triệu đồng để trang trải toàn bộ các chi phí sinh hoạt và học hành. Anh cũng bị BV nợ lương hơn 100 triệu đồng.
Còn nữ y tá trẻ Đoàn Thanh Huyền cũng cho biết: “Em mới làm ở bệnh viện hơn 1 năm. Mặc dù chưa có gia đình riêng, nhưng khi bị nợ lương thì tâm trạng chung của em cũng giống như mọi người.
Bây giờ, mặc dù đã có việc làm mà mọi chi tiêu trong cuộc sống em đều phải ngửa tay xin tiền bố mẹ, nhiều khi cũng ngại ngùng và vô cùng áy náy nhưng em không thể làm khác được”.
Tâm sự về lý do vẫn gắn bó với bệnh viện, BS Linh khó khăn cho biết: “Mọi người trong BV coi nhau như là một gia đình, có phải nói bỏ đi là đi được ngay đâu.
Tôi công tác ở đây đã nhiều năm, đã quen việc, quen nghề. Lúc yên ổn thì vui vầy, giờ khó khăn lại dứt áo ra đi coi sao đặng?
Trước những gì tồi tệ đang xảy ra, tất cả 150 y bác sĩ, cán bộ bệnh viện đều đồng lòng kiến nghị: Công ty CP BVĐK Hồng Đức dù chậm, nợ tiền lương nhưng cũng nên thường xuyên chi trả số tiền tối thiểu để mọi người lo xăng xe đi lại, ăn uống hàng ngày…
"Đó là quyền lợi cơ bản nhất mà người lao động có quyền được hưởng, để chúng có thể sống và tiếp tục làm việc chứ", BS Linh nói.
GĐ Bùi Văn Mã (ngoài cùng bên phải) là người bị nợ lương nhiều nhất với gần 300 triệu đồng
Cũng trao đổi với PV về câu chuyện này, ông Bùi Văn Mã - Giám đốc BVĐK Hồng Đức cho biết: "Chúng tôi đều là những người làm công ăn lương, đã đi làm thì phải có lương, không thể kéo dài tình trạng này mãi được.
Bản thân tôi cũng bị đọng khoảng 300 triệu tiền lương chưa thanh toán được. Chúng tôi khẩn mong đơn vị chủ quản làm thế nào để giải quyết được vấn đề này, để BV tiếp tục hoạt động hiệu quả, phục vụ việc khám và chữa bệnh cho nhân dân ngày một tốt hơn”.
Được biết, công ty CP BVĐK Hồng Đức cũng đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với tất cả cán bộ, nhân viên bệnh viện nhưng vẫn chưa tìm được phương án tháo gỡ vì... không có tiền để chi trả.
Đi tìm lời giải
Bà Ngô Thuần Oanh, giám đốc Công ty CP BVĐK Hồng Đức xác nhận từ tháng 10/2014 đến nay bệnh viện không thể trả lương đều đặn cho người lao động vì bị mất cân đối trong thu chi, hoạt động cầm chừng, tiền thu chỉ đủ để mua thuốc.
Lý do chính được cho là do có một số khúc mắc trong việc thanh toán tiền với phía bảo hiểm xã hội, nên đơn vị này kiên quyết không giải ngân về cho bệnh viện.
“Năm 2014, bệnh viện bị cơ quan bảo hiểm “treo” gần 10 tỉ đồng do chưa thực hiện đúng các thủ tục theo quy định.
Trước mắt chúng tôi đang đẩy mạnh tiến độ làm việc với cơ quan bảo hiểm để gỡ những nút thắt, đồng thời cũng đang hoàn tất các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất xây dựng bệnh viện này để có tài sản thế chấp ngân hàng.
Sau khi có tiền, chúng tôi sẽ xin khoanh nợ những khoản đã nợ người lao động và trả lương đầy đủ cho bác sĩ, nhân viên y tế trong thời gian từ tháng 10/2014 trở đi”, bà Oanh cho biết.