Bé trai bị kẹt thang cuốn ở Hà Nội: "Nuốt chửng là hãn hữu"

Hoàng Hải |

Có rất nhiều những trường hợp tai nạn xảy ra khi đi thang cuốn, trong đó, dễ mắc phải nhất là kẹt chân.

Mấy ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng, xôn xao về vụ việc một bé trai bị kẹt thang cuốn xảy ra tại tòa nhà 335 trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) vào ngày 9/8.

Điều khiến người dân cảm thấy lo lắng hơn nữa mỗi khi đi thang cuốn chính là việc trước đó, một người phụ nữ nước ngoài bị thang cuốn “nuốt chửng” khiến nạn nhân tử vong.

Để cung cấp tới bạn đọc những lưu ý và điều cần tránh khi đi thang cuốn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Tạ Cao Minh – Giám Đốc trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Sáng tạo Công nghệ về vấn đề trên.

Đặt câu hỏi về việc có thể bị kẹt thang cuốn hay không và nếu bị kẹt thì thường xảy ra ở vị trí nào, PGS.TS. Tạ Cao Minh cho biết: “Trường hợp đi thang cuốn bị kẹt có thể xảy ra và chủ yếu ở chỗ tiếp nối từ cầu thang với sàn trên cùng.

Lên đến gần mặt sàn mà thang cuốn tiếp xúc mọi người phải rất chú ý vì nếu không may mũi giày bị mắt kẹt vào sẽ rất nguy hiểm”.

Khi đi thang cuốn phải giẫm chân vào giữa bậc thang không nên giẫm vào mép.

Cầu thang cuốn nơi bé trai bị kẹt. Ảnh: Thế Long

Cũng theo vị này, khi đi thang cuốn, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, các bậc phụ huynh phải tuyệt đối không cho trẻ nhỏ chạy một mình lên, xuống thang cuốn.

Đã có rất nhiều trường hợp các cháu nhỏ chạy trên thang cuốn và chạy ngược lại với chiều cầu thang đi xuống.

Nếu các cháu nhỏ chạy như vậy, sẽ bị chóng mặt dẫn đến ngã và sau đó bị kẹt vào cầu thang rất nguy hiểm. Ngoài ra, nên cho các cháu bám vào thành cầu thang và phải luôn để ý.

Còn đối với người lớn, khi đi thang cuốn phải giẫm chân vào giữa bậc thang không nên giẫm vào mép.

Vì ở đoạn vào ngăn cuối cùng tiếp xúc với mặt sàn có 2 - 3 bậc cầu thang rất bằng phẳng, nếu đứng ở giữa hai bậc thang cuốn thì rất dễ bị kẹt. Vì vậy, mọi người nên đứng ở giữa của một bậc thang.

Khi đi cầu thang thì tránh để quần áo dài, áo mưa, túi … chạm vào nền của cầu thang bởi lên gần đến nơi thì sẽ dễ bị kẹt.

PGS.TS. Tạ Cao Minh nhấn mạnh, đối với thang cuốn, ở mỗi cuối cầu thang có một nút bấm khẩn cấp, nếu xảy ra chuyện thì có thể ấn nút này để cầu thang dừng lại.

Nhiều người dùng gạch đập tấm nhựa để lôi giẩy của cháu bé ra. Ảnh: Thế Long
Nhiều người dùng gạch đập tấm nhựa để lôi giẩy của cháu bé ra. Ảnh: Thế Long

Khi được hỏi về trường hợp có thể bị cầu thang cuốn "nuốt chửng" hay không, PGS.TS. Tạ Cao Minh khẳng định: “Trường hợp người bị thang cuốn “nuốt chửng” là vô cùng hãn hữu.

Đối với trường hợp người phụ nữ nước ngoài bị thang cuốn “nuốt chửng” là do thang cuốn bị hở nắp ở phần tiếp xúc với mặt sàn.

Trường hợp này cực kì hiếm xảy ra, nếu không may bị cuốn thì chỉ bị ở chân”.

Ông cũng đưa ra lời khuyên đối với các bậc phụ huynh khi cho con nhỏ đi thang cuốn dùng xe đẩy ở siêu thị thì phải chú ý, đặc biệt là khi đẩy xe mà cầu thang cuốn đi lên trên, các bậc phụ huynh đứng bên dưới xe.

Trong trường hợp thang cuốn đi xuống dưới thì phụ huynh phải đứng trước xe và quay người ngược lại với xe để mình luôn quan sát được, nếu không sẽ rất nguy hiểm.

Khi thang cuốn đến sát với sàn thì mình đẩy nhẹ xe kênh lên, rồi đẩy ra sàn. Nếu không làm đúng các thao tác trên khi đẩy xe có trẻ nhỏ sẽ rất nguy hiểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại