Bảo tàng Hà Nội xây trước
Gần đây, các cư dân mạng bỗng xôn xao khi phát hiện kiến trúc của Bảo tàng Hà Nội và Nhà trưng bày mỹ thuật Trung Hoa (China Art Palace hay còn có tên gọi khác là China Art Museum) ở Thượng Hải nhìn rất giống nhau.
Cả hai đều được thiết kế theo hình mẫu kim tự tháp ngược và điều này khiến nhiều cư dân mạng ở ta “chột dạ” rằng liệu hai công trình này có phải “sao chép” nhau hay không?
Trao đổi với PV, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính khẳng định, không có chuyện bảo tàng Hà Nội "sao chép" hay "y chang" bảo tàng của Trung Quốc.
Nhà trưng bày mỹ thuật Trung Hoa ở Thượng Hải - Ảnh: Internet
Theo ông Kính, muốn đưa ra kết luận công trình này có “sao chép” của công trình kia hay không, phần rất quan trọng là phải xem giải pháp kiến trúc được thiết kế thế nào.
"Ở đây, khi chúng ta quan sát sẽ thấy rõ là hai bảo tàng này có giải pháp kiến trúc hoàn toàn khác nhau chứ không hề giống nhau", ông Kính nói.
"Bảo tàng Hà Nội đã được thiết kế và hội đồng quốc tế chấm phương án kiến trúc từ năm 2005, trong khi thiết kế của Nhà trưng bày mỹ thuật Trung Hoa ở Thượng Hải khởi xướng năm 2007", ông Kính thông tin thêm.
Một thông tin khác cũng được kiến trúc sư Kính cho biết, đó là khi công trình bảo tàng Hà Nội được xây lưng chừng lên rồi thì Nhà trưng bày mỹ thuật Trung Hoa ở Thượng Hải mới bắt đầu xây dựng.
Biểu tượng của chùa Một Cột hiện đại
Để hiểu rõ hơn về quá trình xây dựng của bảo tàng Hà Nội, PV đã liên hệ với kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng Tp Hà Nội, thành viên Hội đồng chấm thiết kế bảo tàng Hà Nội.
Ông Nghiêm cho rằng, không nên bàn đến việc giống hay không giống.
Bởi, khi Hội đồng xét duyệt gồm các chuyên gia đa ngành, đầu ngành của cả nước bàn còn thấy công trình giống một bảo tàng ở Đức nhưng ở đây đã có cả một hội đồng kiến trúc quy hoạch đã lựa chọn phương án và công trình này mang tính biểu tượng mới.
"Một trong những nguyên tắc của sáng tạo nghệ thuật là phải phù hợp với chức năng, công năng nhưng đồng thời, có kế thừa bài học kinh nghiệm của nước ngoài và có chọn lọc, sáng tạo phù hợp với điều kiện khí hậu, kinh tế của Việt Nam.
Thêm vào đó là phải kết hợp với khoa học kỹ thuật. Chính bảo tàng Hà Nội đã học tập được những kinh nghiệm, kế thừa của các bảo tàng được đánh giá có chất lượng tốt và phù hợp với biểu tượng của Hà Nội hiện nay.
Đó là bóng dáng của chùa Một Cột với hình bông sen theo kiểu hiện đại và đây là ý kiến của cả hội đồng kiến trúc quy hoạch người ta đã lựa chọn vì hợp lý và phù hợp với cảnh quan khu vực.
Bảo tàng Hà Nội lần đầu tiên được lựa chọn đặt ở Cát Linh, sau đó là ở vị trí của Trung tâm hội nghị quốc gia hiện nay và cuối cùng là vị trí hiện nay.
Còn việc đặt ra nghiên cứu bảo tàng này là ít là hơn 20 năm nay rồi, từ khi tôi còn là Kiến trúc sư trưởng. Việc chấm chọn kiến trúc này được làm rất cẩn thận, kỹ càng, nghiêm túc", ông Nghiêm thông tin.
Ông Nghiêm cũng khẳng định, bảo tàng Hà Nội không phải được thiết kế theo mẫu của kim tự tháp ngược mà là biểu tượng của chùa Một Cột.
"Không phải kim tự tháp ngược mà ở đây là biểu tượng mà mình đặt lại của chùa Một Cột, hoa sen, tức là nhỏ ở dưới và nở dần ra ở trên.
Xung quanh mang hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, biểu trưng cho 4 phương 8 hướng. Yếu tố này của chùa Một Cột đã được công nhận là công trình kiến trúc nghệ thuật và giờ được đưa vào công trình này", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Cùng với đó, theo ông Nghiêm, nếu xem xét kỹ thì chính nhà hát lớn Hà Nội cũng là bản sao chép của một khu ở Pháp hay về kết cấu thép thì tháp Eiffel cũng làm và cầu Long Biên cũng làm.
"Như trung tâm hoàng thành Thăng Long, khi bàn ra với UNESSCO thì chúng ta đặt ra vấn đề quy hoạch của chúng tôi không giống với nước nào nhưng đương nhiên có kế thừa văn hóa của phương Đông và phương Tây.
Kết hợp những yếu tố đó đã tạo thành hoàng thành Thăng Long và được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Cho nên không nên bàn việc giống hay không giống ở đây bởi trong quá trình chấm Hội đồng đã thấy rõ những xu hướng này.
Nhưng như tôi đã nói, công trình bảo tàng Hà Nội mang tính kế thừa, sáng tạo và biểu tượng cao, đúng với nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với điều kiện của Việt Nam", ông Nghiêm nói thêm.