Lãng phí chưa được đánh giá
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp Hồ Chí Minh), thực tế, tình hình căng thẳng ngân sách Nhà nước không phải là mới và vấn đề tiết kiệm chi, chống lãng phí đều được Quốc hội đề cập, nêu trong các Nghị quyết, các giải pháp của Chính phủ.
Cũng theo bà Tâm, một số khoản tiết kiệm chi được nêu rất rõ nhưng vấn đề này như thế nào trong thực tiễn thì tôi thấy vấn đề này, trong báo cáo của Chính phủ nêu rất khái quát là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung chỉ đạo và chuyển biến tích cực.
"Tôi đặt ra một câu hỏi là có thực sự chuyển biến tích cực hay không và chuyển biến tích cực ở điểm cụ thể nào? Tôi đề nghị Bộ Tài chính có thể giải trình thêm về vấn đề này.
Vấn đề thứ 2, trong báo cáo tình hình thực hiện ngân sách, Chính phủ cũng không nêu giải pháp đưa ra thì kết quả thực hiện sẽ thế nào. Ở báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách có nêu 1 ý rất lần vắn tắt.
Trong khi đó, ở dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 nêu tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Để đánh giá thực chất vấn đề này cho đúng thực tiễn đất nước ta trong sử dụng ngân sách thì rõ ràng chưa đưa ra được", bà Tâm nêu.
Đồng thời, bà Tâm cũng chỉ rõ, dư luận xã hội khi tiếp xúc cử tri và tiếp công dân thấy, cử tri bất bình về tình trạng lãng phí.
Khi đề cập đến vấn đề lãng phí thì bao giờ cử tri cũng đặt ra chùm vấn đề về tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu người dân.
"Đây là vấn đề không chỉ làm cho người dân dừng lại ở vấn đề bức xúc mà nó thể hiện sự bất bình trong điều hành, quản lý ngân sách, quản lý nhà nước", bà Tâm bày tỏ.
Từ thực tiễn đó, bà Tâm đánh giá, về tình hình lãng phí, thực hành tiết kiệm chưa có đánh giá nào mang tính chất toàn diện về vấn đề này. Cũng chưa có đến nơi, đến chốn về vấn đề này trong Quốc hội.
"Chúng ta xem cách giải pháp đưa ra cùng tình hình thực hiện thì chúng ta nêu trong mấy vấn đề: Chúng ta nói bộ máy cồng kềnh, chức năng trùng lặp,... nhưng bộ máy cồng kềnh như vậy gây ra tốn kém bao nhiêu thì chưa có ai đánh giá cụ thể.
Chúng ta cứ nói, nêu trong các báo cáo là một trọng nguyên nhân gây ra căng thẳng ngân sách nhưng nói là lãng phí bao nhiêu thì chưa nói được và lãng phí ở đâu, như thế nào chưa nói được.
Trong công tác đào tạo có gây lãng phí hay không thì cũng chưa minh bạch.
Rồi đào tạo rồi nhưng không bố trí, xin được việc làm, thi tuyển vào các cơ quan theo đúng ngành đào tạo sẽ gây lãng phí bao nhiêu. Tổng lãng phí đó là bao nhiêu thì cũng chưa có ai đánh giá vấn đề này.
Hay tôi nói vấn đề khác nữa, ban hành một số chính sách ở các Bộ, ngành, Chính phủ hay trong Quốc hội ban hành một số chính sách, điều luật mà không đi vào thực tiễn thì gây bao nhiêu lãng phí chúng ta cũng không đánh giá được...
Như vậy nói lãng phí ai cũng nói được nhưng lãng phí ở đâu, lãng phí như thế nào, là bao nhiêu thì chưa có định hình rõ. Chính vì vậy chúng ta không có giải pháp khả thi, tình hình lãng phí vẫn cứ tiếp tục", bà Tâm nhấn mạnh.
Cần có phiên họp chuyên đề về lãng phí
Từ thực tiễn của vấn đề lãng phí, bà Tâm đề nghị Quốc hội cần phải có đánh giá đầy đủ. Ví dụ, ta nói tiết kiệm chi, giảm tối đa hội nghị, hội thảo... thực tế có giảm không thì chưa có ai đánh giá một cách cụ thể.
"Chính vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội một lần nữa dành một phiên họp chuyên đề để nghe Chính phủ báo cáo quá trình kiểm tra, đánh giá về lãng phí, thực hành tiết kiệm trong thực tế.
Từ đó chúng ta xem trong các quyết sách của mình có chỗ nào hở không, chưa đầy đủ, cần ban hành mới không hay vì sao quyết sách ban hành ra rồi mà không thực hiện được. Cần phải có sự đánh giá cụ thể thì chúng ta mới có thể làm được.
Tổ chức hội nghị đó, một là chúng ta nghe báo cáo tình hình, phân tích một cách đầy đủ các nguyên nhân dẫn đến lãng phí. Bởi vì thực ra lãng phí là tiêu tốn nguồn lực của người dân. Đóng thuế mà chúng ta sử dụng lãng phí là rất nguy hiểm.
Tôi cho rằng cần có phiên họp của Quốc hội. Thực sự ra mà nói thì bây giờ đề nghị vấn đề này thì tính khả thi của nó không cao song tôi vẫn tha thiết.
Nếu như kỳ họp vào tháng 3 chúng ta dành một buổi nghe vấn đề này thì sẽ rất có ích, để đưa ra những quyết sách có thể trong nhiệm kỳ này chưa được nhưng cho những nhiệm kỳ sau có thể thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí thực chất", bà Tâm đề nghị.
Cho rằng nhỏ nhưng bà Tâm lấy một ví dụ về sự lãng phí từ chính cuốn sổ ghi chép của Đại biểu Quốc hội.
"Mỗi một Đại biểu Quốc hội đi họp một kỳ họp như vậy đều được phát một cuốn sổ ghi chép. Thực sự một kỳ họp, Đại biểu có sử dụng hết cuốn sổ cho đến kỳ họp sau hay không?
Tôi lấy ví dụ như thế thôi, ví dụ rất nhỏ để thấy rằng, nếu vấn đề này không được đánh giá một cách tỉ mỉ, xác đáng thì rõ ràng chúng ta cứ nói mãi mà không có được giải pháp.
Chỉ cần Đại biểu đăng ký, xem xét, ai có nhu cầu thì đăng ký sổ ghi chép, ai còn thì cứ sử dụng thì như vậy sẽ tiết kiệm được biết bao nhiêu.
Hay bây giờ chúng ta đã được trang bị máy tính rồi thì kỳ họp như vậy, tài liệu phát bằng giấy cũng rất nhiều. Nếu có thể Đại biểu nào truy cập được trên máy, sử dụng máy được thì không nhận tài liệu đó nữa. Có thể cho Đại biểu QH đăng ký chẳng hạn.
Một vài giải pháp đó thôi nhưng nếu chúng ta chặt chẽ, cẩn thận thì cả đất nước sẽ tiết kiệm được rất nhiều", bà Tâm nhấn mạnh thêm.