Ấn tượng tính cách của Chủ tịch nước

LÊ KIÊN |

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu như vậy tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, chiều 19-2.

Báo cáo do Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung trình bày, khẳng định trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nguyên thủ quốc gia theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đồng thời Chủ tịch nước cũng tự nhận có phần trách nhiệm của mình trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết hoạt động của Chủ tịch nước rất ấn tượng trong công tác đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam, các chuyến đối ngoại của Chủ tịch nước góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, kinh tế cho Việt Nam.

“Các chuyến công tác, kiểm tra, chỉ đạo của Chủ tịch nước đối với các địa phương - đặc biệt là các địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa - rất xúc động, chứng tỏ tấm lòng vì nước vì dân của Chủ tịch nước.

Về thực hiện nghị quyết trung ương 4 khóa XI, Chủ tịch nước cũng để lại dấu ấn khá mạnh bằng những hành động, tuyên bố ấn tượng, xúc động, được nhân dân đồng tình.

Tôi rất ấn tượng tính cách của Chủ tịch nước, khi đồng chí tiếp xúc với dân thì dân rất thích” - ông Giàu nói.

Góp ý thêm cho bản báo cáo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét: “Báo cáo nói về nguyên nhân của hạn chế nhưng lại không đề cập đến hạn chế đó là gì, đề nghị viết rõ để thuyết phục.

Ví dụ, tôi nhớ Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri có nói vấn đề mà dân nhắc lại rất nhiều đó là chuyện “con sâu, bầy sâu” tham nhũng.

Vậy thì từ đầu nhiệm kỳ đến cuối nhiệm kỳ tình hình này chuyển biến thế nào, Chủ tịch nước đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan đến vấn đề này như thế nào?”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị cần rút ra những vấn đề, đề xuất để Chủ tịch nước nhiệm kỳ sau thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

“Ví dụ, Hiến pháp quy định Chủ tịch nước có quyền triệu tập phiên họp của Chính phủ, nhưng thực tế chưa xảy ra điều này.

Tôi cho rằng luật pháp chưa có quy định rõ ràng, chứ trên thực tế thì nhiều trường hợp Chủ tịch nước rất cần triệu tập phiên họp Chính phủ để lắng nghe, giải quyết vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch nước.

Trong vai trò chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - an ninh, vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang cũng vậy, cần luật định rõ quy định trong Hiến pháp để Chủ tịch nước thực hiện đúng quyền hạn của mình, ví dụ như sáu tháng hay một năm Chủ tịch nước phải triệu tập tất cả các tướng lĩnh để lắng nghe, thảo luận những vấn đề quan tâm” - ông Phước đề nghị.

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11, tháng 3-2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại