Hành động
Hôm ông mới vào nhận chức, phóng viên Tiền Phong hẹn ông một cuộc phỏng vấn, tân Bí thư Đinh La Thăng nói: “Chưa được đâu. Mình chưa nắm được gì cả”.
Vậy mà một tuần sau nghỉ Tết đã thấy ngồn ngộn công việc và những chỉ đạo tất bật của ông.
Từ yêu cầu lãnh đạo bắt tay vào việc không chúc tụng đầu năm, đến nhổ biển báo bất cập ở quận 1 sau tin nhắn phản ánh của dân, rồi giải quyết đầu ra cho hàng ngàn hộ dân nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi... đều cho thấy thành phố này còn khối việc phải làm.
Trong năm mới, cuộc vi hành đầu tiên về huyện Củ Chi của ông Đinh La Thăng có lẽ được cho là “sự kiện” nóng. Nóng vì tại đây, ông đã có những chỉ đạo quyết liệt.
Trên đường đến làm việc với lãnh đạo UBND huyện Củ Chi sáng 18/2, ông Thăng đã thăm các gia đình chính sách trên địa bàn.
Con đường đất dẫn vào nhà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Em ở xã Tân Thông Hội khá nhỏ hẹp lại gồ ghề.
Sau khi ông Thăng hỏi thăm tình hình của má Em xong, liền đi ra con đường, trầm ngâm một hồi rồi gọi lãnh đạo của xã và huyện Củ Chi lại chỉ đạo: “Phải sớm làm đường bê tông rộng 3m vào nhà để mẹ và con cháu đi lại cho thuận tiện.
Đoạn đường vào nhà cũng ngắn nên phải làm cho nhanh để mẹ không đợi lâu”.
Khi đến thăm nhà của bà Lê Thị Kiều Oanh có chồng và cha là liệt sĩ, thấy căn nhà của bà Oanh xuống cấp, ông Thăng hỏi: “Má thấy có kiến nghị gì với chính quyền huyện hay gửi gắm gì cho con không?”.
Bà Oanh nói tâm nguyện được sửa chữa lại căn nhà vì nó được xây từ năm 1992, nay đã xuống cấp.
Ông Thăng đi thẳng ra phía sau nhà khảo sát, thấy căn bếp tuềnh toàng, ông Thăng chỉ đạo ông Lê Minh Tấn - Bí thư Huyện ủy Củ Chi phải cho người sớm sửa sang, xây mới các khu vực đã hư hỏng trong căn nhà cho má yên tâm sống.
Từ nhà bà Oanh bước ra xe về Củ Chi làm việc, ông Thăng còn căn dặn ông Tấn: “Đảm bảo điều kiện sống tốt cho gia đình chính sách là việc chúng ta phải làm thường xuyên”.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện này, ông Thăng nói: “Các đồng chí báo cáo 100% gia đình chính sách đã xây nhà tình nghĩa, tình thương.
Nhưng nhà má Oanh hồi sáng tôi đi thăm được xây từ 1992 mà chỉ có khoảng 16m2, diện tích như vậy có phải là nhà ở không?”.
Mọi người ấp úng. Trong buổi dùng cơm trưa, ông Lê Minh Tấn, Bí thư Huyện ủy Củ Chi cho biết nói vẫn còn 3 xã chưa có nước sạch, và phấn đấu đến năm 2019 mới giải quyết xong.
Lập tức, ông Thăng bỏ đôi đũa xuống bàn, nói: “Cần thiết thì anh Tấn có thể đi học tập ở Thái Bình, ở đó doanh nghiệp đầu tư hết cho dân.
Đất thép Củ Chi nằm ở thành phố dẫn đầu cả nước mà không có nước sạch cho dân là không chấp nhận được”.
Vừa nói, ông Thăng vừa gọi điện cho ông Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình rồi chuyển điện thoại cho Bí thư Huyện ủy Củ Chi liên lạc để đặt lịch hẹn.
Trước khi kết thúc câu chuyện, ông Thăng còn đề nghị huyện Củ Chi phải đặt mục tiêu sớm hơn về việc có nước sạch. Trong năm 2017 là xong, còn trễ lắm thì đầu năm 2018 là tất cả các xã phải có nước sạch để người dân dùng.
Tuy nhiên, câu chuyện về 40 nghìn con bò sữa nhưng chỉ có 80% lượng sữa từ đàn bò này được thu mua mới thực sự “nóng”.
Cuộc truy vấn của ông Thăng với vị chủ tịch huyện rút cuộc cũng đã có kết quả khi hôm 19/2, ông Nguyễn Phú Hoài Phú cho biết đã thống kê được gần 400 hộ đang gặp khó trong việc tiêu thụ sữa và Vinamilk đã đồng ý tìm hiểu để giải quyết vấn đề này.
Câu chuyện chỉ đạo sâu sát của ông Đinh La Thăng với các vấn đề dân sinh tại thành phố lớn nhất nước này tạo nên làn sóng ủng hộ.
Bà Nguyễn Thị Tư, bán quán nước trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1 trầm trồ: “Từ ngày ông Thăng chỉ đạo cấm xe trên 9 chỗ dừng, đỗ trên đường này, đường thông hè thoáng thấy rõ, không còn cảnh xe khách chen nhau vào đỗ gây mất an toàn giao thông”.
Ông Phương, cán bộ hưu trí sống ở phường này đã nhiều lần phản ánh ý kiến lên Sở GTVT cũng như các cuộc họp tại quận nhưng mọi chuyện vẫn không được giải quyết dứt điểm, xe khách vẫn “đội lốt” xe lữ hành tấp nập vào đường cấm.
Ông nhờ một cán bộ nhắn tin cho tân bí thư và lập tức tin nhắn được chuyển cho Giám đốc Sở GTVT.
Bên cạnh chỉ đạo Công an TPHCM “trong 3 tháng tới đây phải nỗ lực hơn nữa để giảm tỷ lệ tội phạm trên địa bàn” và “giải quyết cấp bách vấn đề người ăn xin”, nhiều vấn đề mà theo Bí thư Đinh La Thăng, thành phố cần phải làm nhưng không thể “ngày một ngày hai”.
Về những chỉ đạo trong tuần đầu làm việc vừa qua của ông Đinh La Thăng, nhiều người dân cho rằng, vẫn còn nhiều việc đang cần sự sâu sát và quyết liệt của lãnh đạo thành phố.
Bà Nguyễn Thị Hoài, ở đường Nguyễn Hữu Cầu, quận 1 nói mấy hôm nay đọc báo thấy ông Thăng đã gần dân nhưng người dân cần hơn thế nữa.
“Mấy năm nay chúng tôi thường kiến nghị vấn đề an toàn thực phẩm rất mất vệ sinh, ngập lụt vẫn diễn ra triền miên nhưng thành phố chưa có giải pháp quyết liệt.
Hy vọng thời gian tới những vấn đề này sẽ được lãnh đạo thành phố lưu tâm”- bà Hoài kiến nghị đồng thời nói thêm: “Dân chúng tôi theo dõi và chờ xem hiệu quả chỉ đạo có được thực thi”.
Ông Nguyễn Tấn Hiền, một người dân ở quận 7 trong lá thư gửi đến cơ quan truyền thông nói rằng, người dân đang mong muốn và gửi gắm thêm Bí thư Thành ủy TPHCM 3 vấn đề mà theo ông là “dân rất bức xúc”.
Theo ông Hiền, ngoài an ninh trật tự và tình hình an toàn giao thông còn nhiều bất cập thì vấn nạn an toàn thực phẩm ở thành phố 10 triệu dân này đang rất cần một “tư lệnh” ngành.
Người này cũng mong công an thành phố nhân rộng mô hình “mắt thần” trong các khu dân cư để giám sát tình hình tội phạm, trộm cướp bên cạnh đề xuất phạt thật nặng và cách chức người đầu ngành để làm gương khi khu vực đó xảy ra quá nhiều tội phạm.