9X học hết cấp 3 kiếm hơn 100 triệu/năm nhờ nuôi tắc kè

Thiên Di |

Với số vốn gần 20 triệu, Ngọc Văn Viên (SN 1990) là người đầu tiên ở Việt Nam nuôi và nhân giống tắc kè miền Bắc đem lại thu nhập hơn 100 triệu/năm.

Đam mê với con tắc kè

Ở thôn Thượng, xã Long Sơn (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) mọi người gọi anh là “Viên tắc kè” hay “ngọc trên núi”.

Bởi trang trại hơn 100 mét vuông của anh hiện nay nuôi hơn 1000 con tắc kè miền Bắc với thu nhập hơn 100 triệu/năm.

Anh Ngọc Văn Viên (SN 1990) trở thành triệu phú nhờ nuôi tắc kè miền Bắc.
Anh Ngọc Văn Viên (SN 1990) trở thành triệu phú nhờ nuôi tắc kè miền Bắc.

Câu chuyện làm giàu từ con tắc kè của anh chàng 9X này bắt đầu từ những ngày tháng anh tham gia nghĩa vụ quân sự xa nhà.

Tốt nghiệp cấp 3, anh Viên lên Hà Nội làm thuê trong một trang trại nuôi heo để học hỏi kinh nghiệm. Trong đầu anh thôi thúc sẽ mở một mô hình làm giàu như vậy nhưng chưa biết sẽ nuôi con gì.

Năm 2009 anh lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự đóng quân ở Gia Lai, Tây Nguyên trong 18 tháng.

Những đêm gác cùng đồng đội anh nghe râm ran tiếng tắc kè kêu, anh nảy ý tưởng: “Tại sao mình không nuôi tắc kè để kinh doanh?”.

Sau đó, anh mày mò trên mạng tìm hiểu giá trị kinh tế của loài vậy nhỏ bé này. Anh học cách nuôi, xây dựng chuồng trại, nhân giống…

Năm 2011 trở về quê với số tiền hơn 10 triệu, anh đầu tư mua 140 con tắc kè miền Nam.

Nhưng sau 3 tháng…toàn bộ số tắc kè đó chết hết. Bố mẹ lo lắng, không tin tưởng anh sẽ làm được và ngăn cản anh tiếp tục.

Cô Nguyễn Thị Tín (mẹ của anh Viên) nói: “Lúc ấy có bao nhiêu vốn Viên dồn vào tắc kè hết. Hơn trăm con tắc kè chết, tôi tiếc lắm nhưng không biết làm thế nào cả. Giờ Viên làm được, chúng tôi mừng và tự hào vì cháu quyết tâm làm được”.

Không bỏ cuộc, anh lại hỏi bạn bè học nông nghiệp và những người có kinh nghiệm nuôi tắc kè. Lúc này anh mới nhận biết được tắc kè miền Bắc có giá trị kinh tế cao hơn và thích hợp với khí hậu môi trường ở đây hơn.

Anh chạy vạy vay bạn bè, người thân khoảng 20 triệu để đầu từ mua 80 con tắc kè miền Bắc.

Anh Viên cho biết, ban đầu anh không biết tắc kè miền Bắc sẽ đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn. (Trong ảnh, con màu trắng là tắc kè miền Bắc, màu đỏ là tắc kè miền Nam).
Anh Viên cho biết, ban đầu anh không biết tắc kè miền Bắc sẽ đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn. (Trong ảnh, con màu trắng là tắc kè miền Bắc, màu đỏ là tắc kè miền Nam).

Ở làng ban đầu tò mò đến xem đám tắc kè của anh vì họ nghĩ chẳng ai mua con này. Sau này, những chú tắc kè chết sạch, người dân chẳng mấy ai quan tâm vì nghĩ anh không làm được.

Lên rừng làm thuê….để mua tắc kè

Để có cơ sở nuôi tắc kè hơn 1000 con từ số lượng ban đầu ít ỏi 80 con đầu tư, anh Viên đã trải qua không ít cay đắng.

Nhà nghèo, vay mượn khó khăn, anh Viên làm thêm đủ nghề từ phát cây thuê, vào rừng nhặt củi, kiếm măng mài về bán lấy tiền hay làm công nhân nhiều năm dành dụm tiền đầu tư.

“Lên rừng làm thuê được 120-140 nghìn đồng/ ngày. Làm được bao nhiêu tôi đầu tư ngay mua thêm tắc kè miền Bắc để nhân giống”, anh Viên kể lại.

Triệu phú 9X cho biết không mất quá nhiều thời gian (1-2 tiếng/ mỗi ngày) để chăm sóc tắc kè.
Triệu phú 9X cho biết không mất quá nhiều thời gian (1-2 tiếng/ mỗi ngày) để chăm sóc tắc kè.

Mua phải tắc kè đực không sinh sản được; nhiệt độ, độ ẩm chuồng trại chưa hợp lý tắc kè chết hàng loạt; 20% số trứng nở thành công…Thất bại nhiều nhưng không làm anh chùn bước!

Đi lên từ hai bàn tay trắng, liều lĩnh với mô hình kinh doanh mới mẻ nhưng anh Viên tâm sự: “Tôi chưa bao giờ bỏ cuộc vì mình chưa làm được gì nhiều”.

Có lẽ bởi từ chính đam mê làm giàu, khao khát thành công đã giúp anh không dừng bước mỗi lần đám tắc kè chết, tỷ lệ ấp nở nhân giống được vài phần trăm hay không ai tin tưởng ủng hộ quyết định của anh.

“Ngày nhỏ đọc báo, nghe trên đài thấy nhiều người giàu có từ làm nông nghiệp, chăn nuôi tôi thích lắm.

Thời ấy, bố mẹ chỉ làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ. Thấy bố mẹ nghèo, vất vả nên hết lớp 9 tôi có ý định làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Cuối năm lớp 12, thầy cô bạn bè định hướng động viên tôi cố gắng học đại học để thoát ly khỏi nghèo khó.

Nhưng tôi nghĩ có nhiều con đường lập nghiệp, có lẽ nếu giờ cầm tấm bằng đại học chưa chắc đã có công việc tốt”, anh Viên tắc kè thật thà tâm sự.

Diện tích nhỏ, thời gian chăm sóc ít và đem lại lợi nhuận cao là những gì mà mô hình nuôi và nhân giống tắc kè của anh chàng 9X này có.

Khu vực nuôi dế để làm thức ăn cho tắc kè.
Khu vực nuôi dế để làm thức ăn cho tắc kè.

Hiện nay anh trở thành "triệu phú tắc kè" khi trang trại của anh đảm bảo cho ra hơn 1000 con tắc kè/lứa thu về khoảng 120-150 triệu đồng/năm. Đồng thời anh cũng nhân giống nuôi dế để phục vụ làm thức ăn cho tắc kè.

Những chú tắc kè mang về thu nhập cao cho anh Viên.
Những chú tắc kè mang về thu nhập cao cho anh Viên.

Bật mí về kế hoạch trong tương lai, anh Viên nói “làm giàu không thể nóng vội được”. Thời gian tới anh tiếp tục nhân giống mở rộng trại, chia sẻ kinh nghiệm với mọi người.

Còn ý tưởng mở công ty riêng về dây chuyền chế biến, sản xuất chuyên nghiệp, anh cười nói: “Số lượng sinh sản phải đủ nhiều tôi sẽ thu mua, chế biến tắc kè thành dược liệu, ngâm rượu…Việc mở công ty chắc phải chờ đến năm tôi 30 tuổi”.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại