1. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib sử dụng trong Tiêm chủng mở rộng (TCMR) là vắc xin gì?
Là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib (Quinvaxem) trong một mũi tiêm.
Vắc xin chứa các thành phần kháng nguyên như giải độc tố bạch hầu, giải độc tố uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên bề mặt viêm gan B và kháng nguyên Hib dạng dung dịch (DTwP-HepB-Hib).
Thành phần ho gà trong vắc xin Quinvaxem là vắc xin toàn tế bào.Vắc xin được đóng lọ 1 liều 0,5ml, vắc xin có gắn chỉ thị nhiệt độ (VVM) ở nhãn lọ vắc xin giúp cho việc đánh giá nhiệt độ bảo quản vắc xin trong quá trình bảo quản và vận chuyển.
Vắc xin được sản xuất bởi công ty Berna Biotech, Hàn Quốc.Vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định từ năm 2006.
2. Tại sao phải sử dụng vắc xin phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib cho trẻ em dưới một tuổi?
Các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib là những bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm, là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi – đối tượng dễ mắc những bệnh này ở Việt Nam.
Vắc xin phòng các bệnh này là những vắc xin cơ bản được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi ở hầu hết các nước trên thế giới.
Các kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng hơn 97% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bệnh do vi khuẩn Hib gây ra sau tiêm chủng 3 liều cơ bản với Quinvaxem.
Hơn 91% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh Viêm gan B sau khi tiêm chủng vắc xin theo lịch mà chưa được tiêm chủng vắc xin viêm gan B vào lúc sinh.
3. Vắc xin Quinvaxem được sản xuất ở đâu và đã được sử dụng ở những quốc gia nào?
Từ năm 2006, vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib (Quinvaxem) được sản xuất tại Hàn Quốc và đã đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định về chất lượng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Cho đến nay đã có khoảng 450 triệu liều vắc xin đã được sử dụng tại 94 quốc gia trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, vắc xin Quinvaxem được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi từ tháng 6 năm 2010.
Vắc xin được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung ứng cho Việt Nam và phân bổ đến các địa phương để sử dụng đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc theo lịch tiêm chủng 03 mũi vào các thời điểm 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi.
Từ khi triển khai đến nay, đã có khoảng 25 triệu mũi tiêm được thực hiện, với tỷ lệ tiêm chủng 3 mũi vắc xin hàng năm đạt trên 90%.
Trong năm 2015, cũng đã có 4,8 triệu lượt trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng vắc xin này tại tất cả các điểm tiêm chủng xã/phường trên cả nước.
Để trẻ em Việt Nam được thụ hưởng miễn phí vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế đã ưu tiên đầu tư nguồn lực để đảm bảo cung ứng đầy đủ vắc xin hàng năm.
4. Vắc xin Quinvaxem phải nhập khẩu từ nước ngoài, vậy công tác kiểm định và quản lý chất lượng được thực hiện như thế nào? Có khác gì so với các vắc xin dịch vụ?
Đối với các vắc xin nhập khẩu vào Việt Nam, bao gồm vắc xin Quinvaxem và tất cả các loại vắc xin sử dụng trong Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ đều phải tuân thủ các quy định của Việt Nam.
Các vắc xin này phải thực hiện các thủ tục để đăng ký lưu hành bao gồm các thử nghiệm cần thiết và đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và của Tổ chức Y tế thế giới.
Vắc xin chỉ được cấp phép sử dụng tại Việt Nam sau khi đã được kiểm định nghiêm ngặt và đạt được các yêu cầu của Việt Nam.
Từng lô vắc xin khi nhập vào Việt Nam đều phải được Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế kiểm định và đạt tiêu chuẩn về an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
5. Theo các báo cáo, số mắc bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván đã giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai vắc xin. Tại sao đến nay trẻ em vẫn tiếp tục phải tiêm vắc xin phòng các bệnh này?
Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm triển khai, thành công của công tác TCMR đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em.
Trong thời gian gần đây Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì các thành quả đã đạt được như thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, tỷ lệ mắc các bệnh trong tiêm chủng trên 100.000 dân giảm rõ rệt:
Bệnh bạch hầu giảm 228 lần; bệnh ho gà giảm 844 lần, bệnh sởi giảm 90 lần; bệnh uốn ván sơ sinh giảm 18 lần (so với năm 1991).
Mặc dù vậy, các bệnh này có nguy cơ quay trở lại và gây dịch trên quy mô lớn nếu không duy trì được tỷ lệ tiêm chủng cao các vắc xin này trên toàn quốc.
Bài học dịch bạch hầu quay trở lại nước Nga vào cuối thế kỷ 20 hay dịch sởi tại các nước châu Âu trong thời gian gần đây cho thấy việc giảm tỷ lệ tiêm chủng đã khiến cho các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này tưởng như đã được khống chế và loại trừ đã có cơ hội quay trở lại, đe dọa tính mạng trẻ em.
Vụ dịch sởi năm 2014 là bài học về việc tiêm chủng chậm, muộn hoặc không tiêm chủng.
Tại một số địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc tập trung đông các đối tượng chưa có miễn dịch phòng bệnh đã xảy ra dịch sởi, từ các địa phương này dịch đã lây lan nhanh chóng sang các địa phương khác.
Trong thời gian xảy dịch, những trường hợp không được tiêm chủng, chưa đến độ tuổi tiêm chủng hoặc chống chỉ định sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Như vậy, để giúp trẻ không mắc bệnh, việc duy trì liên tục tiêm chủng vắc xin là hết sức cần thiết cho những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ tới khi những bệnh này được thanh toán trên toàn cầu.
6. Là một người mẹ, tôi băn khoăn khi phải quyết định có nên cho con mình đi tiêm vắc xin Quinvaxem. Tôi mong muốn được giải đáp đầy đủ hơn về những lợi ích và nguy cơ có thể có khi cho con đi tiêm phòng loại vắc xin này?
Tiêm vắc xin Quinvaxem có thể xảy ra những phản ứng gì?
Vắc xin Quinvaxem là loại vắc xin phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib.
Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh này, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Sử dụng vắc xin phối hợp 5 trong 1 trong TCMR sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình đồng thời trẻ em có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin cũng như tính an toàn của vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận. Tuy nhiên, cũng như các thuốc hay loại vắc xin khác khi tiêm đều có thể xảy ra các phản ứng.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các phản ứng nặng thường rất hiếm gặp.
Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (< 38,5°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… Tuy nhiên các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày.
Một số phản ứng có thể gặp khi sử dụng vắc xin Quinvaxem cũng giống như sử dụng vắc xin DPT có thành phần ho gà toàn tế bào như:
Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng.
Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng.
Giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng xảy ra trong vòng 48 giờ với tỷ lệ là 1-2/1 triệu liều.
Sốc phản vệ có thể xảy ra với tỷ lệ 1- 20/1 triệu liều.
Vắc xin phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não mủ do vi khuẩn Hib trong Chương trình TCMR có chứa thành phần vắc xin ho gà toàn tế bào nên miễn dịch của trẻ sau tiêm vắc xin này bền vững hơn so với các vắc xin trong Tiêm chủng dịch vụ có thành phần ho gà vô bào.
Ở Việt Nam, từ năm 2010 đến nay đã có khoảng 25 triệu liều vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib được sử dụng tiêm chủng an toàn cho trẻ dưới 1 tuổi.
Tỷ lệ phản ứng thông thường và các phản ứng nặng sau tiêm đều thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất, Tổ chức Y tế thế giới.
7. Những biểu hiện nào sau tiêm chủng là bất thường, khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Cần đưa NGAY trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như phát ban, sốt cao (>39°C), co giật, quấy khóc kéo dài, khó thở, tím tái, li bì, lơ mơ, bú kém, bỏ bú.... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
Nếu cha mẹ không yên tâm về những phản ứng của con sau khi tiêm chủng có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách theo dõi và chăm sóc trẻ
Các phản ứng nặng có thể qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Các bà mẹ cần chú trọng việc theo dõi sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng liên tục ít nhất trong 24h sau khi tiêm.
8. Sau khi tiêm chủng về nếu cháu bị sốt, quấy khóc thì tôi phải làm gì?
Sau tiêm chủng trẻ có thể có những biểu hiện như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, các bà mẹ cần chú ý đến trẻ hơn, cho trẻ bú nhiều hơn, cho bú khi trẻ thức, theo dõi nhiệt độ, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.
Khi trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ không đỡ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí.
Đồng thời khi trẻ có biểu hiện khóc thét,quấy khóc kéo dài, các bà mẹ cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.
9. Trường hợp nào trẻ không tiêm được vắc xin Quinvaxem ?
Không tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước như:
Sốt cao liên tục trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin.
Sốc sau tiêm vắc xin.
Các trường hợp phản ứng quá mẫn muộn sau tiêm vắc xin
Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin.
Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin.
Không tiêm cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi vì vắc xin có thể không hiệu quả do còn miễn dịch từ mẹ.
Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.
10. Thực tế hiện nay, vẫn có một số trường hợp tử vong sau tiêm chủng, vậy trẻ tử vong sau khi tiêm chủng thường do những nguyên nhân nào?
Vắc xin sử dụng để tiêm chủng cho người khỏe (để phòng bệnh) nên nếu bị rủi ro thì luôn luôn khiến cộng đồng quan tâm.
Khác với thuốc chữa bệnh, dùng đơn lẻ cho từng bệnh nhân, thì vắc xin được dùng cho số đông đối tượng trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Giai đoạn này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh, là nguyên nhân chính gây ra tử vong.
Theo ước tính của WHO dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam.
Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng, vì thế các dấu hiệu bất thường sau tiêm rất dễ bị quy kết do tiêm chủng.
Thực tiễn triển khai vắc xin ở Việt Nam với khoảng 600 trăm triệu mũi tiêm vắc xin các loại trong 30 năm nay, tai biến xảy ra sau tiêm vắc xin là hãn hữu đã minh chứng rất rõ tính an toàn của vắc xin.
Tuy nhiên, cũng giống như thuốc, khi tiêm chủng mỗi cơ thể có phản ứng với vắc xin khác nhau nên có người sau tiêm chủng bị đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, một số rất ít có thể bị phản ứng nặng hơn như sốc.
Thực tế, có trường hợp cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin nhưng có trẻ có phản ứng nghiêm trọng, trong khi các trẻ khác cùng tiêm vắc xin bình thường đó là do cơ địa mỗi người khác nhau.
Sau tiêm chủng các bậc phụ huynh cần chăm sóc trẻ, theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện một số dấu hiệu bất thường như khóc dai dẳng, tím tái, khó thở, bú ít, li bì …và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời tránh xảy ra một số rủi ro đáng tiếc.
* Tác giả bài viết hiện là Vụ trưởng Vụ Truyền thông & Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế
> 19 điều cần biết về tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ (Phần 2)