ĐT Anh đi tìm nước mắt Gascoigne

Bảo Nam |

(Soha.vn) - World Cup 2014 sắp bắt đầu và ĐT Anh, như thường lệ, lại tham dự với tư cách một ứng viên, chứ không phải một kẻ dám mơ về chức vô địch.

1. Lịch sử bóng đá Anh ghi nhận 2 khoảnh khắc, tính đến thời điểm hiện tại, được cho là sẽ sống mãi mãi với thời gian: Thời khắc ĐT Anh nâng cao chiếc cúp Nữ thần vàng ở World Cup 1966 và giây phút Paul Gascoigne bật khóc sau khi thua ĐT Đức trên chấm phạt đền ở World Cup 1990.

Trong 2 thời khắc này, giọt nước mắt của Paul Gascoigne tại World Cup 1990 không chỉ đơn thuần là một khoảnh khắc đẹp (được FIFA bầu chọn là 1 trong 50 hình ảnh đẹp nhất trong lịch sử World Cup). Nó là một bảo vật của lịch sử.

Paul Gascoigne đã khóc vì ông không thể cùng ĐT Anh đi đến trận chung kết, không thể chạm tay vào đỉnh cao thế giới. Nước mắt Gascoigne không rơi xuống vì cá nhân ông, vì tiếng tăm của ông. Nỗi đau của cả dân tộc đã cứa vào Gazza khiến ông bật khóc.

Những giọt nước mắt của Gazza đã trở thành biểu tượng của ĐT Anh

Điều này được Gascoigne viết lại khá rõ ràng trong cuốn hồi ký của mình: “Tôi và Waddle trở về Newcastle trên chiếc xe của bố tôi. Mọi thứ thật yên bình. Cũng đúng thôi, tôi không nghĩ có ai đó chờ chúng tôi cả. Nhưng khi vào một cửa hàng Mc’Donald cứu cơn đói, một toán NHM kéo đến và xin chữ ký tôi”. Gascoigne chưa bao giờ kỳ vọng bản thân sẽ nổi tiếng vì tỏa sáng tại một kỳ World Cup. Ông nỗ lực, ông bật khóc là vì ĐT Anh.

2. Không phải vô cớ mà người Anh coi nước mắt Gascoigne là một di sản lịch sử. Vì cho đến tận ngày hôm nay, họ vẫn thiếu một con người như thế - một cầu thủ bật khóc vì thất bại của ĐTQG.

Luôn có những NHM tự hỏi: Tại sao ĐT Anh hiếm khi nào có những khẩu khí lớn (đại loại như chúng tôi sẽ vô địch chẳng hạn) trước một giải đấu tầm cỡ như EURO hay World Cup. Không phải vì họ khiêm tốn. Thật ra, họ không có khát vọng đó - một cách đủ mãnh liệt để thốt lên thành lời.

Những người yêu quý Tam sư chắc hẳn đã hơn một lần so sánh 2 hình ảnh: ĐT Anh sau trận thua Đức tại bán kết World Cup 1990 và tại World Cup 2010. Năm 1990, Gascoigne bật khóc vì thất bại. Năm 2010, cả tập thể Tam Sư kéo nhau vào nhà hàng uống rượu, hút xì gà trước khi lên đường về nước.

Năm 1990, Paul Gascoigne được chào đón như một người hùng dù ĐT Anh không vô địch. Năm 2010, Ashley Cole nhắn tin cho người bạn: “Tao ghét người Anh” khi thấy chẳng có ai đón họ ở sân bay cả.

3. Hai ĐT Anh ở hai thời điểm khác nhau và nó phản ánh rõ một thực tế: Nếu như ngày xưa các cầu thủ đá vì lợi ích của một quốc gia, thì các siêu sao Anh ngày nay quan tâm cái cách người ta đối xử với họ hơn, trước khi nghĩ đến việc phải cống hiến cái gì. Họ ứng xử trên sân vì cái tôi của chính mình, chứ không phải vì đội bóng.

Chiếc thẻ đỏ của Rooney chứng minh một R10 không tận tâm với ĐT Anh

Wayne Rooney sẵn sàng đạp Ricardo Carvalho một phát thật đau chỉ để trả món nợ cá nhân. Rooney thừa hiểu anh sẽ nhận chiếc thẻ đỏ nếu làm vậy, và ĐT Anh sẽ thiệt đủ đường. Nhưng R10 vẫn thực hiện, đơn giản vì quốc gia còn xếp sau cái sự hả dạ của anh. ĐT Anh nhiều năm nay vẫn luôn thất bại vì những con người chưa đủ cả trưởng thành lẫn tình yêu này.

Giá như người Anh còn những Paul Gascoigne năm nào – mẫu cầu thủ mà thất bại đủ để lấy đi những giọt nước mắt của anh – thì họa may người Anh mới có thể hy vọng vào những điều đẹp đẽ tại một kỳ World Cup.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại