Chẳng có câu "I love you" nào cả
Gần 8 năm về trước, Juliana Ramos - nữ nhân viên pha cà phê tại Starbuck đã hạnh phúc đến nghẹn lời khi Chris Medina ngỏ lời cầu hôn. Họ từng yêu nhau rất lâu trước đó. Tháng Mười năm 2009, chỉ hai tháng trước khi đám cưới diễn ra, Juliana gặp phải một tai nạn xe hơi thảm khốc. Hộp sọ và mặt của cô bị tổn thương nghiêm trọng.
Phẫu thuật đã giúp cho khuôn mặt cô lành lặn, nhưng bộ não thì không. Juliana bị liệt gần như toàn thân, chỉ cử động được một phần khuôn mặt, miệng và cánh tay.
Dù cho hôn lễ có thể sẽ chẳng bao giờ được diễn ra, ôm trái tim tan nát cùng nỗi đau đến tận cùng, Chris quyết định sẽ ở bên Julianna mãi mãi. Vào cái ngày đáng lẽ hạnh phúc nhất của hai người, Chris viết một bài hát tặng người con gái mình yêu nhất đời đang nằm trong bệnh viện.
Juliana và Chris - trước và sau tai nạn thảm khốc.
Bài hát viết rằng "Hơn cả một lời thề, trong những giờ phút đen tối nhất, anh sẽ là ánh sáng của cuộc đời em". Và anh đã giữ lời, luôn bên cạnh Juliana mỗi ngày, giúp cô dậy mỗi sáng, vệ sinh cá nhân, sinh hoạt và vẫn yêu cô như ngày xưa.
Câu chuyện trở thành cổ tích giữa đời thường. Hai năm sau, ba nhà soạn nhạc nổi tiếng Rodney Jerkins, Andre Lindal và Lauren Christy viết tặng Juliana bài hát "What Are Words". Bài hát được trình bày bởi chính Chris Medina, quay trong phòng thu, xen kẽ những cảnh thật về Juliana và Chris, cả những ngày hạnh phúc, lẫn thực tại đau xót.
"Anh sẽ là loại đàn ông gì, nếu bỏ em khi em cần anh nhất" - bản tình ca da diết, qua lời hát thô mộc của chính Chris trở thành bài hát lấy đi nước mắt hàng đầu trên You Tube với hơn 39 triệu lượt xem.
Bài hát, cũng như câu chuyện của Chris là câu trả lời hoàn hảo nhất cho câu hỏi liệu tình yêu đích thực có còn tồn tại giữa thế kỷ 21, với đầy rẫy những toan tính và lọc lừa. Chẳng có câu "I Love You" nào trong bài hát cả, nhưng ý nghĩa của nó đã khiến vị giám khảo American Idol dạn dày - Steven Taylor phải bật khóc.
Từng có một thời như thế
Tháng Tám năm 2004, ở tuổi 18, Wayne Rooney bắt đầu "cuộc tình" với Man United bằng bản hợp đồng trị giá 25,6 triệu bảng Anh - kỷ lục chuyển nhượng của một cầu thủ dưới 20 tuổi.
Hơn 12 năm ở Old Trafford, chàng trai 18 tuổi năm nào, giờ đã bước qua tuổi 31 nếm trải đủ mọi cung bậc của cảm xúc. Đó là niềm hạnh phúc khi được "vị cha già" Alex Ferguson chăm chút từng chút một, thậm chí ép cậu phải mua nhà gần nhà ông để tiện bề quản lý. Đó là cảm xúc trào dâng khi nâng trên tay chiếc cúp vô địch Premier League đầu tiên sau gần 3 năm mong đợi.
Đó là đêm Moscow không ngủ với chức vô địch Champions League danh giá, là khoảnh khắc điên cuồng khi ghi bàn thắng siêu phẩm vào lưới Man City, là khoảnh khắc vỡ òa với bàn thắng thứ 250 cho Quỷ đỏ, ghi tên mình vào lịch sử...
Đó cũng là những ngày tháng khó khăn khi phải vật lộn với chân thương, đối mặt với sự ghẻ lạnh và chỉ trích của báo giới và người hâm mộ, từ đội tuyển Anh, cho đến ngay trên Old Trafford, ngôi nhà thứ hai của anh chàng "Shrek" tội nghiệp.
Rooney yêu Man United như yêu chính người vợ đầu ấp tay gối từ thời "thanh mai trúc mã". Những tháng ngày khó khăn nhất, sau sự ra đi của "người cha già" Alex Ferguson, trong cơn sóng gió, chàng trai sinh ra ở Liverpool ấy vẫn miệt mài gánh vác trọng trách, chẳng một lời oán thán, chẳng chút dằn dỗi, mong ngóng về một chân trời mới.
Có hỏi Sir Alex Ferguson, thì mới biết sự hi sinh của Rooney đáng quý biết bao. Từ một thần đồng nước Anh, một tiền đạo hàng đầu, số 10 của Man United chấp nhận lùi lại phía sau, hỗ trợ cho Cristiano Ronaldo tỏa sáng rực rỡ, cho sân Old Trafford vang rền giai điệu chiến thắng.
Tình yêu là mãi mãi
Đã có thời, xa rồi, Mourinho luôn đặt niềm tin vào các cầu thủ của mình, yêu quý họ như người thân của mình vậy. Từng có thời, Mourinho khóc nấc, ôm chặt lấy Materazzi khi phải chia tay Inter Milan. Hai người đàn ông "trời không sợ, đất chẳng sợ" biến thành hai đứa trẻ lúc nào chẳng hay.
Nhưng rồi, cuộc đời dập vùi, những lần bị phản bội bởi chính những cầu thủ của mình, từ Ronaldo ở Real Madrid cho đến John Terry ở Chelsea - những hai lần đã khiến HLV này mất đi niềm tin vào mặt tốt đẹp của con người, vào những "công thần", thay vào đó là nỗi sợ hãi bị "đâm sau lưng".
Mourinho quay lưng với Rooney cũng bởi sự sợ hãi ấy, hơn là những cân nhắc về mặt chuyên môn. Dù có thành công thế nào, Mourinho mãi mãi chẳng bao giờ có thể so sánh được với Sir Alex vĩ đại về khía cạnh con người. Năm xưa, ông già ấy đã phải đổ lệ khi quyết định để Phil Neville ra đi. Với ông, những chàng trai ấy là người thân, chứ chẳng đơn thuần là những món hàng.
Trong trận thắng tưng bừng của Man United trước Leicester, người ta chẳng hề thấy bóng dáng của Rooney. Mourinho thao thao bất tuyệt về Mkhitaryan, về Juan Mata, về Ashley Young... mà chẳng hề đả động đến Rooney. Ngày đội trưởng của Quỷ đỏ rời khỏi sân Old Trafford đã gần kề.
Điểm đến của Rooney có thể là Pháp, Mỹ, là Trung Đông, thậm chí Trung Quốc, nhưng dù có đi đến đâu, thì thẳm sâu trong bộ dạng cục mịch như một gã lực điền ấy, vẫn là trái tim luôn hướng về Old Trafford, chẳng phút nguôi ngoai, với niềm tự hào về những gì mình đã làm được tại đây.
Đừng hỏi Wayne Rooney ở đâu khi Man United cần anh nhất, bởi lúc đó anh ở ngay đây, giữa Nhà hát của những giấc mơ.