Vua Việt chết thảm dưới tay Chế Bồng Nga vì ngông cuồng, bắt đại tướng mặc áo đàn bà

Lê Thái Dũng |

Không những không nghe lời can ngăn, Trần Duệ Tông còn ép đại tướng của mình mặc áo đàn bà để xỉ nhục, để rồi phải nhận cái kết bi thảm.

Vua bỏ mạng vì khinh địch, xỉ nhục đại tướng

Trần Duệ Tông tên thật là Trần Kính, còn có tên khác là Trần Canh, sinh ngày 2 tháng 6 năm Đinh Sửu (1337), là con trai thứ 11 của Trần Minh Tông, mẹ là Đôn Từ hoàng phi Lê Thị Khắc Viện. 

Ngày 9 tháng 11 năm Nhâm Tí (1372), ông được anh trai là vua Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho trở thành hoàng đế thứ 10 của triều Trần.

Bấy giờ bên trong thì triều chính suy yếu, xã hội bất ổn; bên ngoài thì ở phía Bắc triều Minh lăm le xâm lấn, phía Nam thì Chiêm Thành liên tục quấy nhiễu. 

Trong bối cảnh đó, Trần Duệ Tông đã ban hành nhiều chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót, vực dậy sức mạnh của vương triều. 

Một trong những sách lược mà vua chủ trương đó là tăng cường sức mạnh của quân đội bằng việc tuyển quân, luyện tập võ nghệ, sửa đóng chiến thuyền, tích trữ lương thảo... muốn dùng binh lực áp chế Chiêm Thành mãi mãi để rảnh lo đối phó với phương Bắc. Nhưng không ngờ đó lại là tai họa không chỉ với bản thân ông, mà còn khiến triều đại nhà Trần tiến gần đến bờ diệt vong.

Trước khi vua xuất quân, Hoàng phi Nguyễn Bích Châu đã dâng biểu cho rằng không nên dùng vũ lực mà "xin nghỉ binh cho dân chúng được yên hàn, trị cái rắn nên dùng cái mềm, lấy đức để thu phục người phương xa như vua Hạ (Vũ) chỉ gảy đàn mà chẵn 1 tháng rợ Hồ quy phục, đó là thượng sách" (Theo Truyền kỳ Tân phả).

Nhiều đại thần văn võ, tiêu biểu nhất là quan Ngự sử trung tán Lê Tích và Ngự sử đại phu Trương Đỗ 3 lần lên tiếng can ngăn nhưng Trần Duệ Tông không nghe, nhất quyết thân chinh đi đánh, lại nghe theo lời sàm tấu của Hành khiển Đỗ Tử Bình nói rằng Chiêm Thành vô lễ, cần phải diệt trừ.

Tháng 12 năm Bính Thìn (1376), Trần Duệ Tông dẫn 12 vạn quân ra trận, đến tháng giêng năm Đinh Tị (1377) khi đến cửa biển Thị Nại (nay thuộc Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) thì đóng quân ở động Ỷ Mang. 

Vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho người đến vờ xin hàng, Trần Duệ Tông liền thúc quân tiến vào kinh đô Chà Bàn.

Thấy vua quá chủ quan khinh địch, "đại tướng Đỗ Lễ can rằng: "Nó đã chịu hàng là muốn bảo toàn đất nước làm đầu. Quan quân vào sâu đánh phá thành giặc là việc bất đắc dĩ. 

Xin hãy sai một biện sĩ cầm mảnh thư đến hỏi tội, để xem tình hình hư thực của giặc, như kế sách của Hàn Tín phá nước Yên ngày trước, không phải khó nhọc mà thành công. Cổ nhân có nói: "Lòng giặc khó lường". Thần xin bệ hạ hãy xét kỹ lại".

Vua nói: "Ta mình mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu với ta. Ấy là trời giúp cho ta đó. 

Huống chi nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ đánh nhau. Cổ nhân nói: "Dùng binh quý thần tốc". Nay nếu dừng lại không tiến thì thực là trời cho mà không lấy, để nó lại cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà".

Rồi sai lấy áo đàn bà mặc cho Lễ. Quân lính bèn nối gót nhau như xâu cá mà đi. Cánh quân đi trước và cánh quân ở sau hoàn toàn cách biệt. Giặc thừa thế xông ra đánh chặn" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Bị phục binh quân Chiêm vây hãm, Trần Duệ Tông và nhiều quan tướng bị chết trong đám loạn quân, hôm đó là ngày 24 tháng 1 năm Đinh Tị (1377).

Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có câu rằng:

Duệ Tông hăm hở phục thù,

Đánh Chiêm nào quản tri khu dặm trường.

Khinh mình vào động Ky Mang,

Tinh kỳ tan tác gió sương mịt mù.

Đánh giá về Trần Duệ Tông, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua là người ương bướng, tự theo ý mình, không nghe lời can, khinh thường quân giặc nên tai vạ đến mình chứ không phải là bất hạnh"

Còn sách Đại Việt sử ký tiền biên thì bình rằng: 

"Việc thích dùng binh, coi thường địch, chống lại lời can, làm theo điều sai trái, nhận sự đầu hàng nhưng không xét tình hình; vào nơi hiểm yếu mà không phòng bị thăm dò nghiêm ngặt, thúc ngựa nơi hiểm trở gập ghềnh...

...quân đi liên tiếp như xâu cá, cuối cùng sa vào mưu lừa dối của địch, không ai cứu khi bị đánh cắt ngang, ba quân sụp đổ, xe vua phải chở xác về, để lại sự chê cười ở rợ man, không nói được gì với Trung Quốc, sự thất bại ở Ỷ Mang há chẳng phải là tự mình chuốc lấy đó sao?".

Tướng Đỗ Lễ là ai?

Lại nói về Đỗ Lễ, vị đại tướng bị vua Trần bắt phải mặc váy áo đàn bà để làm nhục, sử sách không cho biết về thân thế của ông, tuy nhiên theo nguồn sử liệu dân gian, chúng ta biết thêm một số thông tin về ông. 

Trong bản Tông phả họ Đỗ do Hoàng giáp Đỗ Thiện Chính biên soạn vào đời vua Lê Thần Tông triều Lê Trung hưng cho biết: Đỗ Lễ thuộc dòng họ Đỗ quê gốc ở thôn Bồng Trung, xã Đông Biện (nay là xã Vĩnh Tân thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), đây là dòng họ có nhiều người làm quan văn tướng võ dưới triều Lý, triều Trần…

Đỗ Lễ từ nhỏ đã là người có sức khỏe, khi trưởng thành có tiếng là giỏi võ nghệ, ham thích binh thư, rất dũng lược. Theo lệ tuyển binh của triều Trần, Đỗ Lễ tham gia quân đội, nhờ tài năng mà dần dần được thăng lên làm tướng quân. 

Ít ai biết rằng Đỗ Lễ là một trong những người có công lớn trong việc dẹp loạn Dương Nhật Lễ vào tháng 11 năm Canh Tuất (1370), giành lại ngai vàng cho họ Trần. 

Trong sách Đại Việt sử ký tiền biên có đoạn cho biết như sau: "Xét thấy ngoại kỷ chép: Trước đây Duệ Tông khởi nghĩa giết Nhật Lễ, có quan văn là Trần Thâm tính kế hoạch, có quan võ là Đỗ Lễ điều quân. 

Khi đã vào thành, Nhật Lễ vẫn cầm quân đánh lại, trách Duệ Tông là làm trái chiếu chỉ của Thái hậu, Duệ Tông tức giận chỉ huy các quân. Hỏa pháo đều bắn ra. Kinh thành lửa sáng rực trời, Nhật Lễ từ cửa Thanh Dương trốn ra, Duệ Tông bắt được…".

Nhờ có nhiều công trong việc dẹp loạn này mà Đỗ Lễ được triều đình thăng lên đến chức Đại tướng quân. 

Trong cuộc Nam chinh cuối năm Bính Thìn (1376) đầu năm Đinh Tị (1377) do Trần Duệ Tông chủ trương, thấy vua coi thường đối phương, Đỗ Lễ đã cẩn trọng khuyên vua đề phòng, nhưng vua không nghe còn chê ông là nhút nhát, bắt phải mặc áo đàn bà để sỉ nhục. 

Sử chép rằng vì mắc mưu trá hàng của quân Chiêm, quân Trần bị thua to, "giờ Tỵ (khoáng từ 9 đến 11 giờ trưa) quan quân tan vỡ. Vua bị hãm trong trận mà chết, bọn Đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết cả" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Vua Việt chết thảm dưới tay Chế Bồng Nga vì ngông cuồng, bắt đại tướng mặc áo đàn bà - Ảnh 1.

Cuộc hỗn chiến bên thành Chà Bàn. (Hình minh họa)

Theo dã sử, vua Trần Duệ Tông bị trúng tên tử trận, bấy giờ Đại tướng Đỗ Lễ cầm cây thương thúc ngựa xông lên đánh với vua Chiêm là Chế Bồng Nga để cho đội ngự binh cướp xác vua rút lui. 

Quân Trần bấy giờ hoàn toàn tan vỡ, không còn ra một đội hình nào cả nên Đỗ Lễ sức cùng lực kiệt bị quân Chiêm xúm lại dùng giáo đâm xối xả khiến vị đại tướng cả người, cả ngựa gục xuống trên chiến trường.

Khi viết về sự kiện bi thương này của vua quan nhà Trần, tác giả sách Việt sử giai thoại có lời bàn rằng: "Đánh giặc cũng như đánh cờ, có khi trước phải tạm nhường mấy nước miễn sau cùng giành phần thắng thì thôi. 

Đại tướng Đỗ Lễ cẩn trọng, ấy cũng là phép xử thường của kẻ quen xông pha trận mạc. Duệ Tông bất chấp lời can ngăn, lại còn coi khinh mà hạ nhục, bắt Đại tướng phải mặc áo đàn bà trước mặt ba quân, chủ quan háo thắng mà vô mưu đến thế, bảo không thảm bại làm sao được. 

Cổ nhân dạy rằng, dụng binh mà khinh tướng, ấy là nguy. Duệ Tông hạ nhục Đại tướng Đỗ Lễ, có biết đâu là đã tự hạ nhục mình, mà xem ra, cái nhục của Duệ Tông mới thực là nỗi nhục lớn hơn cả".

Câu chuyện về Trần Duệ Tông là một bài học sâu sắc của các bậc quân chủ giữ vai trò lãnh đạo quốc gia; với những việc quân sự quan trọng phải có sự tính toán, cân nhắc lợi hại, thiệt hơn; phải biết sức mình và lực người chứ không dựa trên sự nóng nảy, kiêu ngạo nhất thời sẽ dẫn đến thất bại, thậm chí có kết cục bi thảm.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Nam quốc sử diễn ca (Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái) – NXB Giáo dục, 2007

2. Đại Việt sử ký tiền biên (Các sử thần triều Lê)- NXB Văn hóa thông tin, 2011

3. Đại Việt sử ký tục biên (Các sử thần triều Lê)- NXB Văn hóa thông tin, 2011

4. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn)- NXB Giáo dục, 1998

5. Việt sử giai thoại (Nguyễn Khắc Thuần)- NXB Giáo dục, 1999

6. Việt sử tiêu án (Ngô Thì Sĩ) – NXB Thanh niên, 2001

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top