Tìm ra bãi cọc Cao Quỳ: Hai chuyên gia lý giải tường tận cách đóng cọc diệt giặc Mông - Nguyên

Gohan - Ghi từ chương trình Cafe sáng VTV |

Mới đây với những phát hiện quan trọng liên quan đến bãi cọc được cho là thuộc chiến dịch Bạch Đằng năm xưa, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định của mình.

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một bãi cọc gỗ lớn ở cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng. Tất cả đều có niên đại gần 1000 năm. Phát hiện này đóng vai trò rất lớn đối với lịch sử Việt Nam, đặc biệt là đối với quá trình chống giặc ngoại xâm, giữ nước vào thế kỷ 12-13 bởi rất có thể đây là một phần của chiến dịch Bạch Đằng năm xưa. Tuy nhiên, để có cái nhìn chính xác nhất, vẫn cần chờ thêm kết luận cuối cùng của giới nghiên cứu lịch sử.

Để giải đáp một phần thắc mắc của người xem, chương trình Cafe sáng của VTV3 đã mới hai chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Khảo cổ học và Địa chất học đến để giao lưu cũng như trao đổi thêm về vấn đề nóng hổi này. 

Đầu tiên là PGS. TS Lê Thị Liên, nguyên trưởng phòng nguyên cứu khảo cổ học dưới nước, viện khảo cổ họcPGS. TS Doãn Đình Lâm, viện địa chất viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam. Đây là hai nhà khoa học đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm thấy các chứng cứ từ trước tới nay tại Quảng Ninh liên quan đến trận Bạch Đằng Giang.

Dưới đây, chúng tôi xin lược thuật buổi trò chuyện chuyên môn này.

Và bây giờ, chúng ta lại tìm thêm được nhiều dấu tích nữa ở Hải Phòng. Mọi người cũng đang rất băn khoăn, vì đâu mà chúng ta lại có căn cứ xác định rằng đây là những chứng tích của trận đánh năm 1288 chứ không phải một địa điểm thông thường nào đó?

PGS. TS Lê Thị Liên: Có lẽ là chúng ta sẽ dựa vào các chứng cứ khảo cổ học, trước hết ta sẽ thấy là các cái cọc được bố trí theo vị trí khác nhau, không giống như cách bố trí kiến trúc, ví dụ như cọc không được đẽo gọt, không được bố trí đều, cọc to cọc nhỏ xen kẽ nhau và ở trên khu vực không phải nền kiến trúc.

Cái thứ 2 là các hố chôn cọc cũng ở trên độ nông sâu khác nhau. Trên cơ sở đó, chúng ta thấy chúng không phải là kiến trúc thông thường, cái nữa là khi so sánh với các tư liệu lịch sử, ta thấy rằng nó đang nằm trên khu vực chiến trường cũng như tham gia vào chiến trận của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

MC: Vâng, đó là về mặt khảo cổ học khi mà chúng ta đánh giá về mặt niên đại của cọc cũng như là cách bố trí của nó.Vậy về mặt địa chất thì sao ạ?

PGS. TS Doãn Đình Lâm: Về mặt địa chất, những cọc này đã được xác định niên đại là cuối thế kỷ 13, trùng khớp với trận Bạch Đằng năm 1288 và thứ hai nữa, đây là phát lộ triều cổ ngày xưa. Đây là chứng tích còn lại của trận đánh chứ không phải kiến trúc nhà cửa nào đó.

MC: Chúng ta cũng thấy được những giá trị mới, nhận thức mới, khi khám phá ra bãi cọc cổ này. Vậy đâu là những kiến thức lịch sử có thể bị thay đổi?

Tìm ra bãi cọc Cao Quỳ: Hai chuyên gia lý giải tường tận cách đóng cọc diệt giặc Mông - Nguyên - Ảnh 1.

Một cọc bằng gỗ lim có đường kính 50cm được phát hiện ở tư thế nghiêng 45 độ. Ảnh: Giang Chinh

PGS. TS Lê Thị Liên: Có lẽ là thế này, chúng ta đã biết rất nhiều về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, cả trong sử sách lẫn truyền thuyết dân gian. Và từ những năm 50-60, đã có rất nhiều bãi cọc được phát hiện, đặc biệt là vùng Quảng yên của tỉnh Quảng Ninh. Lần này chúng ta có thêm 1 bãi cọc mới, đây không phải là một phát hiện không lường trước mà chúng tôi đã đi tìm nó lâu lắm rồi và rất may lần này đã tìm được.

Thế thì nó cho thêm một hiểu biết nữa và cũng khẳng định thêm kết quả trước đây là những bãi cọc đã được cắm vào ven bờ để thu hẹp dòng chảy, đó là những giá trị lớn nhất mà chúng ta hiểu biết thêm.

Thứ hai, việc cắm cọc dài ngắn to nhỏ khác nhau ở vị trí khác nhau cho thấy phạm vị rất rộng lớn của chiến trận đã được bố trí. Và rất nhiều cọc được phát hiện trước đấy cũng như bây giờ rất là nhiều cọc cho thấy những cọc lớn cần nhiều sức người, sức của để tạo nên được trong khoảng thời gian ngắn (từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch).

Tìm ra bãi cọc Cao Quỳ: Hai chuyên gia lý giải tường tận cách đóng cọc diệt giặc Mông - Nguyên - Ảnh 2.

Các cọc được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng, nhiều tầng, nhiều lớp.. Ảnh: VOV

Và nếu như bãi cọc này thực sự là chiến trận vào ngày 8/4 năm đó thì chúng ta thấy rằng cần một lực lượng rất lớn quân và dân cùng tham gia vào công cuộc chuẩn bị.

MC: Vâng, phải có kế hoạch cụ thể để có thể có được một sơ đồ chiến trận như thiên la địa võng như vậy. Như vậy trước đây chúng ta chỉ nói về trận chiến Bạch Đằng Giang nhưng đến bây giờ có lẽ đó là chiến dịch Bạch Đằng Giang. Vậy thì có một chi tiết nữa khi chúng ta tìm được bãi cọc cổ này, đó là khi có những bãi cọc đứng và có những bãi cọc xiên, vì sao vậy?

PGS. TS: Doãn Đình Lâm: Theo tôi nghĩ, khi các cụ ngày trước đóng cọc thì phải theo hướng ngược lại với dòng chảy, khi thuyền va vào thì có mới lực, nhưng sau này do tác động của thời gian, bị bồi lấp đi nên các cọc đó trôi lệch đi một hướng khác nhau, chứ ban đầu không thể cắm nghiêng ngả như vậy được mà phải theo hướng ngược của dòng chảy để có sức cản tốt.

Tìm ra bãi cọc Cao Quỳ: Hai chuyên gia lý giải tường tận cách đóng cọc diệt giặc Mông - Nguyên - Ảnh 3.

3 hố khai quật tại bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Ảnh: Giang Chinh

PGS. TS. Lê Thị Liên: Vâng, ta cũng phải nhớ lại một điều nữa là có tham gia vào cuộc chiến này là có thủy quân, có quân bộ, có quân chính quy và cả dân binh, cho nên một nhà sử học Ba Tư đã nói rằng: Các đội quân của Giao Chỉ trông thấy nổi lên đã ầm ầm từ dưới biển, từ trong rừng, từ trong núi... tức là khắp các nơi. Tức là các bãi cọc này đã được bố trí theo lối không chỉ là chặn thuyền, thu hẹp dòng chảy mà còn là chống cả quân trên bộ ở một số khu vực khác nhau.

Ví dụ như ở Quảng Yên là có cắm cọc vào khu vực trên bờ, ở đầm lầy ven sông để ngăn chặn quân bộ. Cho nên chúng ta có giả thiết có khả năng là các bãi cọc có nhiều chức năng, từ cản quân địch đến chặn thuyền và đặc biệt có thể là nghi binh. Hãy nhớ rằng là 2 lần giặc đánh vào Chúc Động thì trận thứ 2 chúng ta cố sức cản lại để tránh việc giặc đi vào sông Giá và có lẽ đã phát huy tác dụng rất thành công, khiến giặc phải đi xuôi xuống Bạch Đằng và sa vào thế trận vào vùng Quảng Yên.

MC: Vậy làm thế nào mà quân và dân ta có thể cắm được những chiếc cọc lớn thế xuống để tạo thành trận địa?

PGS. TS Doãn Đình Lâm: Tôi cũng muốn nói lại là tại sao các cụ ngày xưa lại chọn cửa sông Bạch Đằng để làm nơi diễn ra trận chiến quyết định. Đó là bởi khi mà thủy triều rút xuống, đó sẽ là lúc dòng chảy rất mạnh, tàu thuyền buộc phải đi theo hướng đó chứ không thể rẽ ngang rẽ dọc được. Và thứ hai là nếu chặn được các cửa rồi thì buộc anh phải chạy theo Bạch Đằng - nơi mà khi đó thủy triều rút xuống rất mạnh.

Nên nếu bố trí ở cao quá thì cọc sẽ lộ ra quá sớm khi mà nước triều rút chưa đủ mạnh nên khi sắp xếp như vậy, thuyền địch sẽ lâm vào tình huống phải đối diện với nước rút cực mạnh, sẽ loạng quạng rồi đâm vào nhau.

Tìm ra bãi cọc Cao Quỳ: Hai chuyên gia lý giải tường tận cách đóng cọc diệt giặc Mông - Nguyên - Ảnh 4.

Bãi cọc được tìm thấy. Ảnh: VOV

Tiếp đó, vì sao các cụ có thể đóng cọc được ở vùng này là bởi trước đây vùng này có hệ thống lạch triều phát triển mạnh, Bạch Đằng là một trong những lạch triều lớn và cũng nằm trong số đó. Lạch triều có tính chất di chuyển, hôm nay ở đây nhưng mai ở chỗ khác.

Một thời gian sau thì lạch triều có thể bị bỏ, bị vùi lấp như hiện nay còn trước đó khi ngoài biển tiến vào thì ở khu vực đó có một lớp đất sét dẻo ở đáy sông và đó cũng là nơi các cụ đóng cọc bởi phải là đất sét thì mới giữ được cọc, nếu là cát thì hỏng ngay.

Trước đây khi triều xuống thì gần như lớp đất sét đó lộ hết ra và các cụ tranh thủ thời điểm này để đào, cắm cọc xuống đáy sông còn đối với những lớp đất mỏng, mềm hơn thì có thể ấn xuống.

PGS. TS Lê Thị Liên: Có lẽ để hiểu rõ hơn cách đóng cọc ở đây, chúng ta sẽ so sánh các bãi cọc khác nhau. Ở Quảng Yên, thì các dòng sông lúc đó người ta cố gắng thu hẹp dòng chảy xen kẽ với các gò đất trên bờ hay là các cồn đá dưới sông thì người ta cắm xen kẽ.

MC: Và các bí ẩn đã dần được giải đáp khi các nhà nghiên cứu đã và đang có những tìm tòi hết sức tâm huyết với vấn đề lịch sử này.

Nguồn: Cafe sáng - VTV3

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại