Vụ trộm đột nhập đâm chết 2 bố con: Hung thủ bình thản nhận án tử

Đức Nguyên |

Được nói lời sau cùng, Nguyễn Văn Kỳ gửi lời xin lỗi tới gia đình bị hại. Suốt phiên xét xử, bị cáo luôn giữ nét mặt bình thản và biện hộ cho hành vi giết người của mình.

Sáng nay (26/7), TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Kỳ (46 tuổi, ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất), hung thủ gây ra vụ trộm và làm 4 người trong một gia đình thương vong gây xôn xao dư luận địa phương cuối năm 2015.

Theo hồ sơ vụ án, rạng sáng 7/12/2015, Kỳ đột nhập nhà ông Nguyễn Lương Chuân (ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất) trộm cắp 2 chiếc điện thoại.

Bị gia đình gia chủ phát hiện, đuổi bắt, Kỳ rút dao đâm chém 4 người trong gia đình ông Chuân. Hậu quả làm ông Chuân và anh Nguyễn Lương Chỉnh (SN 1988, con trai thứ 2 ông Chuân) tử vong.

Bà Nguyễn Thị Năm (SN 1961, vợ ông Chuân), anh Nguyễn Lương Tuân (SN 1982, con trai cả ông Chuân) cũng bị Kỳ đâm bị thương. Gây án xong, Kỳ bỏ trốn, đến ngày 8/12/2015 thì bị bắt.

Tại phiên tòa, cáo trạng vụ án kết luận, việc anh Năm và bà Tuân không chết là ngoài ý muốn chủ quan của Kỳ. Bị cáo luôn giữ nét mặt bình thản và biện hộ cho hành vi giết người của mình.

Kỳ cho rằng đó chỉ là hành động không có chủ ý. Được nói lời sau cùng, bị cáo gửi lời xin lỗi tới gia đình bị hại.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Kỳ tử hình về tội "Giết người", 10 năm tù về tội "Cướp tài sản". Tổng hợp bản án bị cáo nhận là tử hình.

Trước phiên xử, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, người bào chữa cho Kỳ đã có buổi làm việc đối tượng trong chiều 20/7. Xác định được tội lỗi mình gây ra, Kỳ tâm sự có nguyện vọng được hiến xác nếu phải nhận mức án cao nhất.

Theo quan điểm của các luật sư nhận định, đây là nguyện vọng chính đáng, nhân văn của bị cáo, nhưng cũng rất khó để thực hiện được di nguyện đó. Bởi các cơ chế pháp lý qui định, đối với người bị kết án tử hình trong trường hợp có ý nguyện hiến xác là chưa có.

Việc công dân không bị hạn chế bất kỳ quyền dân sự nào cũng đã rất khó khi thực hiện quyền được hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và đặc biệt quyền hiến xác.

Mặt khác, sau khi thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc vào cơ thể thì có đáp ứng được yêu cầu y học hay không?

Điều này cần phải có một cơ quan chuyên môn giám định ảnh hưởng các chất độc trên cơ thể tử tù có ảnh hưởng đến việc lấy, ghép mô, bộ phận cho người khác hay không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại