Vụ Trịnh Xuân Thanh: "Có những nét giống vụ Lã Thị Kim Oanh"

Tuệ Minh |

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: "Nếu ông ấy (ông Vũ Huy Hoàng - PV) còn chức thì có lẽ sẽ bị cách chức".

Chiều 24/10, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét, xử lý kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 và một số cá nhân trong đó có nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc, ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: "Nếu ông ấy (ông Vũ Huy Hoàng - PV) còn chức thì có lẽ sẽ bị cách chức".

Cũng theo ông Hương, so với một số vụ án trước đây, vụ án Trịnh Xuân Thanh nghiêm trọng hơn nhiều.

Tuy Uỷ ban Kiểm tra nói khá đầy đủ nhưng chưa hết độ quan trọng của vấn đề. Có liên quan đến tham nhũng không? Tội liên quan đến tham nhũng đến đâu? Những vấn đề này chưa rõ.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Có những nét giống vụ Lã Thị Kim Oanh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương (Ảnh: infonet)

"Theo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Vũ Huy Hoàng có ba lỗi: Nếu ông ấy là người quản lý Trịnh Xuân Thanh biết Trịnh Xuân Thanh có lỗi làm thất thoát tiền của Nhà nước mà vẫn điều lên chức vụ cao hơn, đó là lỗi bao che.

Thứ hai: Nếu biết Trịnh Xuân Thanh có lỗi như vậy mà không biết thì ông ấy phải chịu trách nhiệm với tư cách là Bộ trưởng - một người quản lý.

Thứ ba: Không tôn trọng tập thể, ban cán sự, không đưa ra Ban cán sự Đảng Bộ Công thương bàn bạc về công tác nhân sự trong bộ khi tự ý quy hoạch Trịnh Xuân Thanh vào vị trí thứ trưởng. Đó là sự vi phạm quy tắc dân chủ trong Đảng.

Bài học rút ra được ở đây đó là một cán bộ, đảng viên phải giữ hai kỷ cương. Kỷ cương thứ nhất là luật của Nhà nước, không tham nhũng. Thứ hai là điều lệ Đảng: cán bộ phải gương mẫu, người đứng đầu phải gương mẫu", ông Hương nói.

Trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nói:

"Tôi hoan nghênh trong một thời gian không dài, Uỷ ban kiểm tra đã làm việc một cách nghiêm túc và đã đi đến quy kết, kết luận những sai phạm của tập thể, cá nhân ở Bộ Công thương".

Theo ông Hùng, để đảm bảo công bằng, nghiêm minh, có tính răn đe mạnh thì sự xử lý này cần có sự cân nhắc thoả đáng bởi hiện nay, phát hiện sai phạm đến mức độ này thì đề nghị mức xử lý như vậy nhưng khi phát hiện thêm lỗi thì sẽ xử lý tiếp.

Ông Hùng cũng chia sẻ thêm: "Từ vụ việc này tôi cảm thấy có những nét giống vụ Lã Thị Kim Oanh trước đây ở Bộ NN&PTNT".

"Sau kết luận này, tôi mong rằng Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh (ở đây mới chỉ có Bộ Công thương)", ông Vũ Quốc Hùng nói.

Năm 2003, vụ án Lã Thị Kim Oanh - nguyên giám đốc Công ty Tiếp thị thương mại nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm (sau đây gọi tắt Công ty Tiếp thị) thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - can tội tham ô tài sản, cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử.

Trong vụ án này, có tám bị cáo đều là cán bộ công chức nhà nước bị truy tố gồm: Lã Thị Kim Oanh, Phạm Tiến Bình (nguyên phó giám đốc Công ty Tiếp thị), Đỗ Đức Thuần (nguyên kế toán trưởng), Nguyễn Chính Nghĩa (nguyên trợ lý giám đốc), Nguyễn Quang Hà (nguyên thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT), Nguyễn Thiện Luân (nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT), Huỳnh Xuân Hoàng (nguyên vụ trưởng Vụ Kế hoạch - qui hoạch) và Phan Văn Quán (nguyên vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán).

Đặc biệt, sau vụ Lã Thị Kim Oanh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khi đó là ông Lê Huy Ngọ đã xin từ chức và đã được chấp nhận năm 2004 dù có ý kiến cho rằng ông không phải chịu nhiều trách nhiệm nhưng ông vẫn quyết định ra đi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại