Năm 2005, khi đang di chuyển với tốc độ tối đa 64km/h ở độ sâu 160m, tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh USS San Francisco SSN 711 của Mỹ đã bất ngờ đâm phải một ngọn núi ngầm, khiến toàn bộ phần mũi tàu bị nát, 98 thủy thủ bị thương và một người thiệt mạng.
Con tàu 1 tỷ USD
USS San Francisco SSN 711 là 1 trong 62 tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles được Mỹ chế tạo trong khoảng thời gian từ năm 1976 tới năm 1996. Trong đó, tàu USS San Francisco SSN 711 được đóng ở xưởng đóng tàu Newport News Shipbuilding ở Newport News, Virginia với chi phí lên đến 1 tỉ USD. Tàu chính thức được đưa vào biên chế của hải quân Mỹ vào năm 1981.
Con tàu dài 110m, nặng 6.145 tấn và có thể chở 130 thủy thủ. Là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nên tàu có thể lặn dưới biển vài tháng liên tục và chỉ cần nổi lên mặt nước khi hết thực phẩm, nước uống.
Trong khoảng thời gian đầu tiên kể từ khi được đưa vào sử dụng, tàu đã được triển khai tới khu vực phía Tây Thái Bình Dương trong các năm 1982, 1985 và 1986. Là thành viên của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, tàu cũng đã tham gia nhiều chiến dịch và các cuộc tập trận của hải quân Mỹ.
Ngoài ra, tàu USS San Francisco SSN 711 còn được triển khai thực hiện các chiến dịch hoạt động độc lập ở khu vực phía bắc Thái Bình Dương trong các năm 1986, 1988. Trong các năm 1985 và 1988, tàu được xếp hạng "Tuyệt vời" về hiệu suất hoạt động trong hạm đội tàu ngầm SEVEN của Mỹ.
Trong giai đoạn quân đội Mỹ tiến hành hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm của mình, từ năm 1989 đến 1990, tại xưởng đóng tàu của hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng, tàu USS San Francisco SSN 711 đã được trang bị hệ thống cảm biến tàu ngầm và hệ thống chiến đấu tân tiến nhất lúc bấy giờ. Sau khi được nâng cấp, tàu sẵn sàng đảm nhiệm nhiều sứ mệnh khác nhau.
Sau khi hoàn thành các chuyến đi thử nghiệm và các cuộc kiểm tra, tàu được điều trở lại Hạm đội 7 của Mỹ. Từ năm 1992 đến 1994, tàu đã 2 lần được điều đến khu vực Tây Thái Bình Dương, thực hiện hàng loạt các chuyến thăm hữu nghị tới Hong Kong, Singapore, Chinhae (Hàn Quốc), Sasebo, Yokosuka (Nhật Bản)…
Tháng 1/1995, tàu USS San Francisco SSN 711 được trao giải thưởng xuất sắc về chiến thuật, giải thưởng đơn vị ưu tú vì hiệu suất triển khai vượt trội trong chiến dịch điều động WESTPAC năm 1994. Đây là tàu ngầm thứ hai đóng quân tại đảo.
Trong suốt thời gian phục vụ, tàu đã thực hiện nhiều chuyến đi tới khắp nơi trên thế giới, từ Thái Lan tới Nhật Bản, Philippines; Singapore; Hàn Quốc; Bremerton, Washington; San Francisco, California… trở thành niềm tự hào của lực lượng tàu ngầm hạt nhân Mỹ lúc bấy giờ. Ngày 8/12/2002, USS San Francisco được chuyển về "nhà" mới là căn cứ trên đảo Guam.
Vụ tai nạn kinh hoàng
Đầu năm 2005, tàu USS San Francisco lên đường từ San Francisco tới thăm cảng Brisbane của Australia. 2h43 GMT ngày 8/1/2005, khi đang di chuyển với tốc độ tối đa ở độ sâu 160m tại vùng biển cách đảo Guam khoảng 675km về phía đông nam, tàu đã bất ngờ đâm phải một ngọn núi ngầm.
Vụ va chạm nghiêm trọng đến nỗi phần mũi tàu đã bị hư hại nặng nề. Ngay sau khi đâm phải núi ngầm, tàu USS San Francisco đã phát đi tín hiệu cầu cứu nhưng không có bất cứ tàu nào hoạt động gần khu vực đó. Vì vậy, các thuỷ thủ đã vật lộn tìm mọi cách để khởi động lại con tàu và đưa tàu nổi được lên mặt nước.
Con tàu bị hư hại nặng sau cú va chạm.
Tuy nhiên, vẫn còn may là vỏ và thân chính của tàu không bị ảnh hưởng. Đặc biệt, lò phản ứng hạt nhân trên tàu vẫn an toàn sau va chạm. Hư hại nghiêm trọng nhất với tàu là ở hệ thống định vị thủy âm và những bồn chứa đá dằn giúp xác định lực đẩy nổi của tàu trước khi tàu trồi lên được đặt ở phần đầu của tàu.
Va va chạm mạnh cũng đã khiến 98 trong tổng số 137 thuỷ thủ trên tàu bị thương, bao gồm một số người bị gãy xương, chấn thương cột sống. Nhiều thủy thủ đã bị văng xa đến 25m. Nghiêm trọng nhất trong số này là thợ máy Joseph Allen Ashley, 24 tuổi, bị chấn thương nặng ở đầu.
Ngay sau tai nạn, các đồng đội đã làm thủ thuật mở khí quản cho Ashley để giúp anh tiếp tục thở trong lúc chờ trực thăng tới sơ cứu và đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được Ashley, anh này đã không qua khỏi.
68 người trong số những người bị thương sau đó đã được điều trị ngay trên tàu và 29 người đã phải nhập viên điều trị khi tàu về tới Guam. Sau sự cố nghiêm trọng này, đáng chú ý là tàu USS San Francisco SSN 711 đã vẫn có thể tự di chuyển được về đảo Guam dù thời gian để tàu quay trở lại căn cứ lên đến 52 giờ trong khi bình thường tàu chỉ mất 13 giờ là đã có thể đi được hết quãng đường này.
Đây cũng được đánh giá là một kỳ tích, là một điểm giúp những chỉ huy và thủy thủ trên tàu ngầm được giảm nhẹ mức phạt.
Ngày 9/5/2005, Hải quân Mỹ chính thức công bố kết quả điều tra về vụ tai nạn của tàu USS San Francisco SSN 711. Theo đó, Hải quân Mỹ xác định, sở dĩ tàu đã va phải núi ngầm vì chỉ huy trên tàu và nhóm quan sát đã không xây dựng và thực hiện kế hoạch di chuyển an toàn.
Các kết quả điều tra chỉ ra rằng trên biểu đồ được sử dụng để điều hướng tàu tại thời điểm ít lâu trước khi tàu đâm phải núi ngầm không phát hiện hình ảnh ngọn núi nhưng các biểu đồ khác của tàu đã hiển thị rõ ràng hình ảnh mối nguy hiểm trước mắt.
Theo quy định, lẽ ra nhóm điều hướng trên tàu phải chú ý quan sát tất cả các biểu đồ để chuyển dữ liệu vào biểu đồ chính được sử dụng để làm cơ sở điều hướng cho tàu nhưng các thủy thủ trên tàu do chủ quan, lơ là đã không thực hiện đúng quy định.
Điều này khiến cho tàu đã không kịp trở tay khi phát hiện núi ngầm ở cự ly gần nhưng đang di chuyển với tốc độ tối đa là 64km/h và ở độ sâu 16m.
Chi phí sửa chữa "khổng lồ"
Hải quân Mỹ cho rằng, nếu các chỉ huy và nhóm quan sát trên tàu tuân thủ đúng các quy định về thủ tục làm việc và thực hiện các biện pháp điều hướng cần thiết, vụ va chạm đã có thể tránh được. Ngay cả khi không tránh được va chạm, hư hại đối với con tàu và sự hy sinh của thủy thủ Ashley cũng đã có thể tránh được.
Với việc là người chịu trách nhiệm chính trong tai nạn, Chỉ huy tàu Kevin Mooney sau đó đã bị Phó Đô đốc Jonathan W. Greenert – chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ - khiển trách và tước quyền chỉ huy tàu. 6 thành viên trong thủy thủ đoàn có mặt trên tàu cũng đã bị kỷ luật về vụ việc, từ hạ cấp bậc tới khiển trách. Những người này bao gồm cả các binh sỹ nghĩa vụ, thủy thủ của lực lượng hải quân tới sỹ quan.
Sau vụ tai nạn, tàu USS San Francisco được sửa chữa tạm thời tại Guam, trước khi di chuyển tới xưởng đóng tàu hải quân Puget Sound ở bang Washington để đại tu. Hải quân Mỹ sau đó đã phải thay thế nhiên liệu hạt nhân trên tàu và quyết định lấy phần mũi từ tàu ngầm USS Honolulu vừa nghỉ hưu sang tàu San Francisco.
Chỉ riêng chi phí cho việc này đã mất 134 triệu USD. Ngoài ra, chi phí thay hệ thống nhiên liệu hạt nhân cho tàu tốn kém thêm 170 triệu USD. Tháng 10/2008, tàu rời cảng và trở lại hoạt động đầy đủ chức năng từ tháng 4/2009.
Tháng 10/2016, tàu USS San Francisco SSN 711 hoàn tất sứ mệnh cuối cùng của mình ở Tây Thái Bình Dương. Ở lần này, tàu đã di chuyển hơn 50.000 hải lý, thực hiện các chuyến thăm hữu nghị tới Nhật Bản, Japan, Singapore và Guam.
Trước khi trở lại San Diego, tàu cũng đã thực hiện chuyến thăm cuối cùng tới thành phố được dùng để đặt tên cho tàu.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh lớp Los Angeles này đã đánh dấu việc chấm dứt 35 năm phục vụ bằng lễ tiễn biệt ở Căn cứ hải quân Point Loma của Mỹ vào tháng 11/2016. Sau khi nghỉ hưu, tàu trải qua quá trình chuyển đổi trong 2 năm để trở thành một tàu huấn luyện neo đậu.
Sau quá trình chuyển đổi, tàu sẽ di chuyển tới Đơn vị huấn luyện năng lượng hạt nhân của Mỹ ở Charleston, Nam Carolina với sứ mệnh giúp tạo ra thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới của Mỹ vào năm 2040.