Vụ PV bị hành hung: "Cần điều tra và xử lý ở mức nghiêm nhất"

Trần Thiết |

Theo LS Hoàng Văn Hướng, việc hành hung phóng viên, đập máy quay không chỉ vi phạm Luật Báo chí mà còn có dấu hiệu của tội "Hủy hoại tài sản" trong Luật Hình sự.

Sự việc phóng viên báo Tuổi trẻ TP.HCM bị hành hung cũng như phóng viên báo Pháp luật Việt Nam bị đập máy quay khi tác nghiệp ở hiện trường phát hiện thi thể tài xế taxi tại khu vực cầu Nhật Tân (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) sáng 23/9 đã gây bức xúc trong dư luận.

Điều khiến dư luận thêm băn khoăn hơn đó là những người hành hung mặc thường phục, đập máy quay của phóng viên tự xưng là công an, còn Thượng tá Phạm Nam Thắng - Đội trưởng Đội CSHS Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) sau đó thừa nhận cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã có "thái độ không đúng".

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng VPLS Hoàng Hưng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) về những vấn đề xung quanh vụ việc này.

Vụ PV bị hành hung: Cần điều tra và xử lý ở mức nghiêm nhất - Ảnh 1.

Luật sư Hoàng Văn Hướng. Ảnh: Đất Việt

PV: Thưa luật sư, việc cản trở, thậm chí hành hung phóng viên tác nghiệp dù phóng viên không hề có hành động làm ảnh hưởng đến hiện trường cần được nhìn nhận như thế nào dưới góc độ pháp luật?

LS Hoàng Văn Hướng: Theo quy định chung của pháp luật bất kể là ai, vai trò gì đều không có quyền đánh đập hành hung người khác, quyền bất khả xâm phạm về thân thể đã được hiến định.

Việc cản trở hoạt động tác nghiệp của phóng viên của các báo, đài là vi phạm luật báo chí. Như vậy, những người vừa cản trở phóng viên hoạt động nghề nghiệp vừa hành hung đe dọa là vi phạm pháp luật.

PV: Còn việc đập máy điện thoại đang được dùng để quay clip của phóng viên thì sao, thưa luật sư?

LS Hoàng Văn Hướng: Như tôi đã trả lời, hành vi cản trở hoạt động nghề nghiệp của các phóng viên đang tác nghiệp là vi phạm pháp luật, việc đập máy điện thoại (đang dùng để quay clip) của phóng viên còn là dấu hiệu của tội "Hủy hoại tài sản" một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Vụ PV bị hành hung: Cần điều tra và xử lý ở mức nghiêm nhất - Ảnh 2.

Người mặc áo đỏ cản trở phóng viên tác nghiệp... (Ảnh cắt từ clip)

Vụ PV bị hành hung: Cần điều tra và xử lý ở mức nghiêm nhất - Ảnh 3.

...rồi sau đó dùng tay phải đập vào điện thoại đang được dùng để quay clip của phóng viên (Ảnh cắt từ clip)

PV: Với việc có những người mặc thường phục xưng là công an hành hung, đập điện thoại của phóng viên như vậy nhưng những hành động đó lại được coi đó là "thái độ không đúng", theo luật sư, cơ quan công an của Hà Nội có cần thiết phải khởi tố vụ án để điều tra các thông tin được rõ ràng hơn?

LS Hoàng Văn Hướng: Việc cơ quan công an có khởi tố, điều tra vụ việc hay không sẽ phụ thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm của những người đã hành hung, đập phá máy quay của phóng viên.

Việc xác minh làm rõ hành vi có nguy hiểm cho xã hội đến mức đáng kể hay không là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

PV: Đây không phải là lần đầu tiên các phóng viên bị cản trở tác nghiệp, dưới góc độ một chuyên gia về luật, luật sư nghĩ như thế nào khi đối tượng cản trở phóng viên tác nghiệp lại là công an?

LS Hoàng Văn Hướng: Việc cản trở hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nhà báo là vi phạm pháp luật về báo chí, đặc biệt hơn những người vi phạm lại là lực lượng công an, lực lượng duy trì và bảo vệ trật tự xã hội thì không thể chấp nhận được.

Những người có thẩm quyền cần sớm xác minh, điều tra và xử lý ở mức độ nghiêm nhất để hiện tượng cản trở và hành hung nhà báo không còn tiếp diễn, qua đó cũng là những bài học.

Xin cám ơn luật sư!

Vào khoảng 8 giờ 30 ngày 23/9, người dân lưu thông trên đường Võ Nguyễn Giáp hướng vào trung tâm TP Hà Nội phát hiện một người đàn ông áo sẫm màu bất tỉnh ở chân cầu Nhật Tân, thuộc địa phận xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh), cách mặt cầu khoảng 20 m.

Sau đó, nhiều phóng viên báo chí tới hiện trường ghi nhận thông tin vụ việc.

Có mặt tại hiện trường, phóng viên Trần Quang Thế của Báo Tuổi trẻ cùng nhiều đồng nghiệp tác nghiệp, chụp ảnh, quay phim khu vực xảy ra vụ việc. Lúc này lực lượng chức năng đã có mặt giải quyết trong đó có công an huyện Đông Anh ghi nhận, khám nghiệm hiện trường.

Theo tường thuật của phóng viên Quang Thế, khi anh đưa máy ảnh ra chụp ảnh thì có một người mặc cảnh phục ra nói không được chụp. Phóng viên Quang Thế đã trình giấy tờ liên quan chứng minh mình đang đi tác nghiệp.

Sau đó, phóng viên Quang Thế đi ra cách xa hiện trường khoảng 30 m và chụp ảnh thì bị một nhóm người, trong đó có một người mặc thường phục lao vào cản trở và hành hung.

PV Quang Thế chia sẻ: "Họ chỉ tay, chửi thề quát tháo tôi và hai đồng nghiệp khác rồi đấm đá túi bụi vào mặt và người khiến tôi không kịp đỡ, bị chảy máu miệng, thương vùng đầu.

Họ tiếp tục dồn tôi ra giữa đường hành hung trong khi xung quanh có rất nhiều ô tô lưu thông tốc độ cao. Ngoài đồng nghiệp và người dân, có nhiều công an viên chứng kiến".

Cùng thời điểm, một số phóng viên khác cũng bị một số cảnh sát hình sự mặc thường phục cản trở tác nghiệp, không cho quay phim, chụp ảnh.

Trong một clip do một phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam quay, phóng viên này liên tục chất vấn công an huyện Đông Anh tại sao có một số đối tượng cản trở phóng viên tác nghiệp nhưng vị công an này nói đó là người dân.

Sau đó, khi bị truy hỏi thì một người mặc thường phục đã lấy tay phải đập vào chiếc điện thoại khiến chiếc điện thoại (đang được dùng để quay clip) của phóng viên bị rơi xuống đất rồi thách thức.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại