Để đối phó, Nga cũng đang phát triển các loại vũ khí siêu vượt âm chiến lược nhằm bảo toàn năng lực răn đe hạt nhân.
Mối đe dọa từ vũ khí siêu vượt âm
"Chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm liên lục địa (hay 'Tấn công thần tốc toàn cầu', theo cách gọi của Lầu Năm Góc) đặc biệt đáng báo động" - Vladimir Dvorkin, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Carnegie Moscow nhận định trong một bản báo cáo mới đây.
Theo ông Dvorkin, nhiều quan chức và chuyên gia Nga tin rằng các loại vũ khí siêu vượt âm do Mỹ phát triển sẽ làm gia tăng đáng kể mức độ hiệu quả của chương trình tấn công toàn cầu và mang lại cho Washington khả năng vô hiệu hóa "Lực lượng hạt nhân chiến lược" của Nga, mà không cần dùng tới vũ khí hạt nhân.
Phương tiện bay siêu vượt âm X-51 Waverider
Đây không phải lần đầu tiên Moscow lo ngại về việc Washington đang tìm cách chiếm ưu thế hạt nhận trước Nga. Liên Xô trước đây cũng vậy.
Trên thực tế, Chiến tranh Lạnh đã có thể kết thúc nhanh chóng hơn nhiều, nếu cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev không phản đối Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Ngoại trừ điểm mấu chốt của SDI thì 2 nhà lãnh đạo đã tiến rất gần đến thỏa thuận cùng loại bỏ vũ khí hạt nhân trong cuộc họp thượng đỉnh tại Iceland vào tháng 10/1986.
Ông Gorbachev không tin rằng Mỹ sẽ chia sẻ công nghệ SDI với Liên Xô như ông Reagan đã đề xuất.
Trong cuốn "Reagan and Gorbachev: How the Cold War Ended", ông Jack Matlock, cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đồng thời từng là Đại sứ Mỹ tại Liên Xô đã thuật lại cuộc trao đổi giữa 2 nhà lãnh đạo:
"Xin lỗi ngài Tổng thống nhưng tôi không thể xem ý định chia sẻ SDI của ngài là nghiêm túc", ông Gorbachev nói với ông Reagan, "Thiết bị giếng dầu, thiết bị máy móc kỹ thuật số hay thậm chí đến máy vắt sữa các ngài còn chưa sẵn lòng chia sẻ với chúng tôi. Việc chia sẻ SDI sẽ kích động cuộc Cách mạng Mỹ lần thứ 2! Chúng ta hãy thực tế".
Theo phân tích của chuyên gia Dvorkin, do chương trình SDI của Tổng thống Reagan nên Liên Xô đã bắt đầu phát triển mạnh các loại vũ khí siêu vượt âm vào năm 1983, mặc dù cần lưu ý rằng, theo những nguồn tin mà ông Matlock dẫn lại thì cơ quan quốc phòng của Liên Xô không cho rằng SDI là một ý tưởng khả thi về mặt kỹ thuật.
"Liên Xô đáp trả chương trình SDI bằng một loạt biện pháp đối xứng và phi đối xứng", Dvorkin viết, "Hệ thống tên lửa Albatross (sau này được đề cập là Project 4202) là một trong số đó".
Theo nghiên cứu của Dvorkin, chương trình Albatross không bị hủy bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ mà vẫn tiếp tục cho tới nay.
Trên lý thuyết, thiết kế của tổ hợp này khá đơn giản: Ở giai đoạn phóng, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) UR-100N UTTKh (SS-19) sẽ đẩy một phương tiện bay siêu vượt âm (HGV) lên độ cao 80-90km, sau đó, HGV sẽ bay vòng trở lại bề mặt Trái Đất và tăng tốc theo quỹ đạo đi xuống. Nó có thể đạt tới vận gốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh.
Các vụ phóng thử đầu tiên của hệ thống Albatross được tiến hành trong giai đoạn 1991-1992 và các cuộc thử nghiệm bổ sung diễn ra trong hai năm 2001, 2004.
Một khi được triển khai, vũ khí siêu vượt âm của Nga có thể được gắn trên các ICBM hạng nặng Sarmat hoặc ICBM di động cỡ nhỏ hơn Topol-M.
Tuy nhiên, do Albatross được phát triển để đánh bại công nghệ SDI trước đây nên trớ trêu thay, HGV của nó dễ bị hạ gục bởi các hệ thống vũ khí chống tên lửa đạn đạo, như Patriot PAC-3 hoặc THAAD.
"Hiện không rõ Albatross (hay Project 4202) và HGV sẽ được bảo vệ như thế nào trước các hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ, khi chúng tăng tốc trong giai đoạn bay cuối" - Dvorkin viết.
Song, các nhà thiết kế cũng có rất nhiều lựa chọn. Chẳng hạn, sau khi tách ra từ phương tiện phóng, HGV có thể tiếp tục bay ở độ cao hơi thấp một chút (40-60km) cho tới khi nó vươn tới mục tiêu.
Khi gần tới mục tiêu, HGV sẽ bắt đầu lao xuống theo chiều gần như thẳng đứng, điều này giúp làm giảm nguy cơ bị các hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ đánh chặn.
Nga đang "lo hão"?
Mặc dù đang phát triển vũ khí siêu vượt âm nhưng Moscow vẫn e sợ các loại vũ khí cùng loại của Mỹ và Trung Quốc (ở một mức độ thấp hơn), cũng như khả năng 2 nước này tiến hành các đợt tấn công vô hiệu hóa.
Song sự lo sợ của Moscow trước các loại vũ khí siêu vượt âm của Mỹ có lẽ chỉ là "lo hão".
Chuyên gia Dvorkin, hay một vài quan chức Mỹ, đã mô tả rằng những vũ khí siêu vượt âm mà Lầu Năm Góc phát triển nhắm tới các mục tiêu giá trị cao, có tốc độ di chuyển nhanh.
Dường như Mỹ đang có ý định sử dụng vũ khí siêu vượt âm nhằm vào các mục tiêu đặc biệt nguy hiểm, có khả năng thay đổi vị trí nhanh chóng. Tuy nhiên, phương thức giải quyết vấn đề này không đòi hỏi triển khai vũ khí siêu vượt âm với quy mô lớn.
"Tình hình tương đối giống với các hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ và châu Âu, chúng có khả năng ngăn chặn các vụ phóng tên lửa đạn đạo đơn lẻ hoặc theo loạt nhưng không đe dọa năng lực răn đe hạt nhân của Nga" - ông Dvorkin viết.
Mỹ cũng không có ý định tiến hành một cuộc tấn công trừ khử nhằm vào Nga.
Trung tâm chỉ huy phòng thủ quốc gia của Nga.
"Trước tiên, cuộc tấn công như vậy sẽ vô hiệu hóa bộ máy chỉ huy trung tâm, khiến một số lượng khổng lồ các loại vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân bị mất kiểm soát. Tình hình đó sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường, có thể ảnh hưởng tới cả Mỹ.
Thứ hai, Lực lượng hạt nhân chiến lược của Liên Xô duy trì khả năng sống sót cao nên có thể tiến hành tấn công trả đũa bất cứ lúc nào" - ông Dvorkin nhận định.
"Cũng vì những lý do này mà Mỹ không có ý định dùng vũ khí siêu vượt âm tấn công các trung tâm chỉ huy tối cao của Nga. Bên cạnh đó, một số cơ sở (của Nga) được bảo vệ rất chặt chẽ trước các cuộc tấn công hạt nhân, huống chi là các loại vũ khí phi hạt nhân có độ chính xác cao" - ông Dvorkin kết luận.