Quốc gia nào bí mật rót tiền cho Ukraine chế tạo tên lửa đạn đạo?

Hải Vy |

Truyền thông Ukraine đưa tin, các kỹ sư của nước này đã đạt được bước tiến đáng kể trong chương trình tên lửa đạn đạo Grom bằng nguồn ngân sách do một khách hàng "bí ẩn" cung cấp.

Mới đây, các chuyên gia Nga đã bình luận về triển vọng của hệ thống tên lửa này, cũng như danh tính các quốc gia có thể là đối tác bí ẩn của Ukraine.

Những nghi vấn xung quanh tên lửa Grom

Cụ thể, theo hãng tin Sputnik, cách đây 1 tuần, giới truyền thông tại khu vực Dnepropetrovsk, Ukraine đã kịch liệt đả kích chính quyền Kiev vì tìm cách phá hoại chương trình vũ khí mới - hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) Grom.

Nếu được chế tạo, tên lửa này sẽ tương tự như tên lửa 9K720 Iskander của Nga.

Quốc gia nào bí mật rót tiền cho Ukraine chế tạo tên lửa đạn đạo? - Ảnh 1.

Mô hình tên lửa đạn đạo chiến thuật Grom của Ukraine.

Theo hãng thông tấn MOST của Dnepropetrovsk, các quan chức Kiev đang gây áp lực cho Cục thiết kế Yuzhnoye và nhà máy hóa chất Pavlograd - 2 đơn vị tham gia phát triển tên lửa Grom.

Trao đổi với MOST, các kỹ sư cho biết tên lửa Grom hiện đang được phát triển với kinh phí do một khách hàng "bí ẩn" cung cấp. Ngoài ra, hệ thống này hiện đang trong năm phát triển thứ 3 và sẽ chuẩn bị thử nghiệm ngay trong mùa thu năm nay.

Ông Leonid Schiemann - Tổng Giám đốc nhà máy hóa chất Pavlograd cho hay, sau khi nhận được khoản tiền khoảng 1 tỷ hryvnia (40 triệu USD), các kỹ sư của nhà máy đã chuẩn bị tiềm lực sản xuất cần thiết, khôi phục phòng thí nghiệm và tiến hành thử nghiệm các thành phần của hệ thống.

Theo ông Schiemann, trong cuộc nội chiến ở miền đông Ukraine, Grom sẽ cho phép quân đội chiến đấu ở vị trí cách xa tiền tuyến và có thể "chặn đứng cuộc tấn công của bất cứ kẻ gây hấn nào".

Quốc gia nào bí mật rót tiền cho Ukraine chế tạo tên lửa đạn đạo? - Ảnh 2.

Sự giống nhau kỳ lạ giữa Grom và Iskander của Nga

Tuy nhiên, theo ông Evgeny Ustimenko - Giám đốc kỹ thuật của nhà máy, chính sách từ phía một số tổ chức trong chính phủ Kiev không chỉ cho thấy họ không muốn thúc đẩy chương trình sản xuất hệ thống vũ khí hiện đại này mà còn tạo cảm giác đang có một chiến dịch nhằm phá hoại các doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu của Ukraine.

Chương trình phát triển tổ hợp tên lửa Grom lần đầu tiên được công bố vào năm 2014, tại một triển lãm quốc phòng ở Kiev. Một năm sau, Ukraine thông báo quá trình sản xuất hàng loạt tên lửa Grom có thể sẽ bắt đầu ngay trong năm 2018.

Dự kiến có tầm bắn 280km (và có khả năng nâng cấp lên 500km), Grom sẽ thay thế các hệ thống Tochka-U (từ thời Xô Viết) mà quân đội Ukraine sử dụng.

Quốc gia nào bí mật rót tiền cho Ukraine chế tạo tên lửa đạn đạo? - Ảnh 3.

Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K79 Tochka-U, trụ cột của lực lượng tên lửa Ukraine

Nhà thiết kế khẳng định rằng tổ hợp Grom sẽ đủ khả năng đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất, trong đó có S-300 và S-400 của Nga.

Giống như Iskander, tên lửa Grom sẽ có quỹ đạo bay khó lường.

Bên cạnh đó, theo nhà bình luận quân sự Anton Mardasov trên tờ Svobodnaya Pressa, tầm bắn gần 300km của hệ thống Grom "không vượt ra ngoài những ràng buộc pháp lý liên quan đến Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR)" - hiệp ước kiểm soát xuất khẩu đa phương, trong đó Ukraine là một quốc gia thành viên.

Ông Mardasov cũng lưu ý rằng, trong phạm vi nội địa, Ukraine sẽ không bị hạn chế bởi hiệp ước này. Vấn để chỉ còn là liệu tổ hợp công nghiệp-quốc phòng Ukraine có thực sự đủ khả năng chế tạo vũ khí mới hay không.

"Chúng ta đã quá rõ số phận của các hệ thống tên lửa Borisfen và Sapsan mà Kiev lên kế hoạch trước đó. Borisfen bị hủy bỏ vì thiếu kinh phí vào năm 2003, còn Sapsan bị đình lại vào năm 2013, sau khi hơn 200 triệu hryvnia (khoảng 24,5 triệu USD vào thời điểm đó) đã rót vào dự án..." - ông Mardasov nói.

Tương tự, Grom thực ra được thiết kế từ năm 2003 nhưng khi ấy, chính phủ Kiev thiếu kinh phí nên không thể xúc tiến được.

Sau cuộc lật đổ chính phủ Ukraine vào tháng 2/2014, Kiev mạnh miệng thông báo rằng các dự án như Neptun (hệ thống tên lửa chống tàu), Olha (hệ thống tên lửa trên bộ) và Korshun (tên lửa hành trình trên bộ và trên biển) sẽ sớm được thực hiện.

Cuối cùng, tên lửa Korshun (hiện vẫn chưa được thử nghiệm) có bề ngoài rất giống với tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-55 thời Liên Xô, còn Olha hóa ra chỉ là một loại đạn tên lửa thông thường dành cho hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) mà quân đội Liên Xô từng sử dụng.

Tuy nhiên, ông Mardasov nhận định rằng, tình hình của chương trình Grom có thể sẽ khác. Trước tiên, có thể dự án này sẽ kết hợp tất cả các chương trình phát triển trước đây mà Kiev công bố, hướng tới mục tiêu "tạo ra một hệ thống tên lửa có độ chính xác cao nhất".

Thứ hai, nguyên nhân chủ đạo làm hạn chế các dự án trước đây (trong đó có Sapsan) là vấn đề tài chính. Song, nếu thông tin báo chí đưa ra là đúng thì Grom đang nhận được tài trợ từ nước ngoài. Điều này sẽ khiến tình thế hoàn toàn thay đổi.

Khách hàng bí ẩn là ai?

Theo ông Mardasov, có 2 câu hỏi quan trọng cần trả lời:

- Trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy Lữ đoàn tên lửa số 19 của Ukraine (triển khai tại Khmelnitsky) trang bị hệ thống Grom?

- Quốc gia nào là nhà tài trợ của dự án này?

Để trả lời 2 câu hỏi trên, tờ Svobodnaya Pressa đã tìm đến một số chuyên gia Nga, trong đó có ông Yuri Savelyev, một nhà khoa học tên lửa kỳ cựu, đồng thời là nguyên hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Baltic.

Ông Savelyev nhắc lại rằng, Mỹ từng hợp tác tích cực với Ukraine trong lĩnh vực rocket. Chẳng hạn, trong những năm 1990, Boeing từng tham gia dự án rocket không gian "Sea Launch".

Song, vị chuyên gia cho biết, ông không phát hiện bất cứ bằng chứng nào cho thấy Mỹ tham gia vào dự án Grom. Trên thực tế, ông Savelyev tin rằng có thể chính phủ Đức mới là bên muốn dùng bí kíp của Ukraine để phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới.

"Đức có thể là quốc gia bảo trợ... Quân đội Đức mới chỉ được trang bị pháo phản lực phóng loạt M270. Với sự giúp đỡ của cục thiết kế Yuzhnoye và Yuzhmash, người Đức có khả năng nhận được các thiết kế dành cho hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn và có thể cả các hệ thống tầm xa trong tương lai" - ông Savelyev nhận định.

Về phần mình, ông Alexander Khramchikhin, phó giám đốc Viện Phân tích Chính trị & Quân sự (tại Moscow) cho rằng, các khách hàng bí ẩn của Ukraine có thể là Pakistan hoặc Triều Tiên, thậm chí là Belarus.

"Theo một số báo cáo, các đại diện của cục thiết kế Luch (Ukraine) đã tham gia dự án pháo phản lực phóng loạt Polonez hợp tác giữa Trung Quốc - Belarus. Gần đây, hệ thống này đã được Belarus thử nghiệm thành công" - ông Khramchikhin bày tỏ quan điểm.

Quốc gia nào bí mật rót tiền cho Ukraine chế tạo tên lửa đạn đạo? - Ảnh 4.

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Polonez trong cuộc duyệt binh Ngày Độc Lập ở Minsk, Belarus.

Ông Andrei Frolov, Tổng biên tập tạp chí Arms Export tỏ ra nghi ngờ về triển vọng của hệ thống Grom khi chỉ vào một danh sách dài các dự án thất bại mà giới chức Ukraine từng tuyên bố. Bên cạnh đó, theo ông Frolov, các nhà thiết kế Ukraine thường có thói quen dán mác mới cho những hệ thống cũ.

Về phần khách hàng nước ngoài, ông Frolov cho rằng đó có thể là Saudi Arabia hoặc UAE.

"Ngay từ năm 2003, các đại diện đến từ UAE đã để mắt tới Ukraine khi xúc tiến chương trình phát triển và sản xuất tên lửa hành trình dành cho Không quân UAE và chương trình tên lửa đạn đạo. Tư lệnh lực lượng phòng không - không quân của nước này thậm chí còn tới thăm Kiev".

"Về phần Belarus, tôi không nghĩ ngân sách của họ cho phép mua các hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn, sau khi đã đầu tư phát triển Polonez. Hơn nữa, nếu có động thái này, họ chắc chắn sẽ gặp phải áp lực rất lớn từ Nga" - ông Frolov nhận định.

Cuối cùng, vị chuyên gia cảnh báo rằng, nếu Ukraine có thể xoay sở để hoàn tất chương trình phát triển Grom và thực sự đang chế tạo hệ thống này thì mục tiêu chủ đạo của chúng sẽ là các khu vực của quân ly khai ở Donbass.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại