“Sự bổ sung này hỗ trợ các cam kết của chúng tôi về việc tăng cường năng lực phòng thủ, đồng thời cho các đối thủ tiềm tàng của Mỹ hiểu rằng họ không có bất cứ lợi thế nào trong việc leo thang hạt nhân bởi Mỹ đã có phương án đối phó quyết đoán và đáng tin cậy trước mọi kịch bản đe dọa”, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Rood.
Trước đó, tờ The Guardian dẫn nguồn Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ cho hay, tàu ngầm USS Tennessee thuộc lớp Ohio của hải quân Mỹ hoạt động trên Đại Tây Dương sẽ được trang bị đầu đạn W76-2.
Đầu đạn W76-2 có sức công phá 5 kiloton, chỉ bằng 1/3 so với quả bom nguyên tử có sức nổ 15 kiloton mà Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào tháng 8/1945.
Ngoài ra, đầu đạn W76-2 có sức nổ thấp hơn nhiều so với các đầu đạn 90 và 455 kiloton được gắn trên tên lửa đạn đạo Trident phóng từ tàu ngầm.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích rằng dù là sử dụng đầu đạn hạt nhân công suất thấp, hành động của Mỹ sẽ khơi mào cho một cuộc chiến hạt nhân tổng lực.
“Quyết định của chính quyền Mỹ về việc triển khai đầu đạn W76-2 là hành động nguy hiểm và lừa dối. Hoạt động triển khai đầu đạn W76-2 không hề giúp nước Mỹ trở nên an toàn hơn”, ông Adam Smith, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ nhấn mạnh.
Bản báo cáo năm 2018 của Lầu Năm Góc từng kêu gọi quân đội Mỹ cần mở rộng năng lực hạt nhân có sức công phá thấp. Theo đó, Mỹ sẽ cho điều chỉnh số lượng nhỏ các tàu ngầm để phóng dàn tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân sức công phá thấp.
Còn theo Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ, đầu đạn W76-2 đã bắt đầu chế tạo tại nhà máy Pantex ở thị trấn Panhandle thuộc bang Texas.