Vũ khí bí mật cho sự hồi sinh của IS là gì?

Ngọc Nguyễn |

Bí mật rời bỏ Nhà nước Hồi giáo tự xưng qua đường biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hơn nửa năm, cô Zarah trong thâm tâm chưa bao giờ muốn đi khỏi thủ phủ IS.

Zarah luôn mặc áo choàng đen phủ kín từ đầu tới chân và chỉ cởi bỏ mạng che mắt nếu biết chắc người đối diện là phụ nữ và đi mình. Bên cạnh cốc trà bạc hà, cô đã chia sẻ đầy ngưỡng mộ về người chồng đầu tiên - một chiến binh IS - và đội quân nữ chiến binh của IS. Ngay cả cái tên Zarah cũng là do cô tự đặt ra vì không muốn tiết lộ danh tính thực của mình. Cô luôn nói với những đưa con của mình về một tương lai cho sự hồi sinh của "nhà nước IS".

Zarah nói với Washington Post, "Chúng tôi sẽ nuôi dạy những đứa con mình trở thành những người mạnh mẽ và kể cho chúng nghe về cuộc sống tại thủ đô IS. Bây giờ chúng tôi đã thất bại nhưng một ngày nào đó, những đứa con của tôi sẽ giúp IS hồi sinh".

Các quan chức chống khủng bố lo ngại rằng sự ủng hộ IS của những người phụ nữ như Zarah không phải là hiếm gặp nữa. Trong những tháng gần đây, hàng trăm người phụ nữ nhập cư từng chạy khỏi Nhà nước Hồi giáo IS đã quay trở về quê hương hoặc tìm nơi ẩn náu trong các trung tâm giam giữ hoặc trại tị nạn.

Một số phụ nữ có con nhỏ nói rằng họ bị chồng ép buộc tới Iraq hoặc Syria. Căn cứ vào các cuộc phỏng vấn với những người đến từ các địa bàn từng do IS kiểm soát, cũng như nhận định của các quan chức tình báo và giới phân tích, số lượng phụ nữ tin và tuân theo hệ tư tưởng IS đang tăng lên đáng lo ngại.

Từ Bắc Phi đến Tây Âu, những người phụ nữ nhập cư đang đặt ra thách thức lớn đối với các cơ quan chấp pháp khi xem xét hồ sơ hồi hương của hàng trăm phụ nữ và trẻ em thay vì nam giới. Thực tế thì hầu như không có phụ nữ là chiến binh IS, nhưng các chính phủ đã bắt đầu coi tất cả phụ nữ nhập cư là mối đe dọa tiềm tàng, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong khi thực tế IS thất thủ ở Iraq và Syria đang trở nên ngày càng rõ ràng, các chỉ huy khủng bố trong những tuần gần đây đã công khai những hướng dẫn cho phụ nữ hồi hương tiến hành các vụ tấn công tự sát và đào tạo con họ trở thành những "chiến binh trong tương lai".

Bà Anne Speckhard, giám đốc Trung tâm nghiên cứu bạo lực cực đoan quốc tế, nói: "Đã có những trường hợp phụ nữ bị lôi kéo tham gia IS, nhưng có những người khác thực sự bị cực đoan hóa. Trong đó một số phụ nữ đảm nhận vai trò quan trọng trong bộ máy IS".

Một phụ nữ gốc Kosovo thừa nhận cô trở về quê nhà chỉ vì cô đang mang thai những tuần cuối cùng và muốn được chăm sóc y tế tốt hơn.

"Cô ấy đã thoát ra ngoài để có con nhưng vẫn mong muốn quay trở lại," bà Speckhard nói. "Và, cô ấy muốn cả hai đứa con mình khi lớn lên sẽ trở thành chiến binh sẵn sàng hi sinh cho IS".

Vũ khí bí mật cho sự hồi sinh của IS là gì? - Ảnh 1.

Bức ảnh do Zehra Dunman, một nữ chiến binh IS đến từ Australia, đăng tải trên Twitter ngày 18/3/2015 (Ảnh: SITE Intelligence Group)

Hành trình di chuyển

Trong nhiều tháng qua, các quan chức khủng bố đã tính tới một làn sóng lớn của những người hồi hương khi IS sụp đổ. Nhưng điều này lại không hề xảy ra.

Theo các số liệu do Soufan Group, riêng quốc gia Bắc Phi Ma-rốc đã có hơn 1.600 nam thanh niên đến Iraq hoặc Syria để gia nhập IS trong 5 năm qua. Con số phụ nữ và trẻ em đi cùng là tương đương.

Năm 2016, hoạt động chiêu mộ chiến binh từ Bắc Phi và châu Âu của IS đã chậm lại khi lực lượng quân sự do Mỹ hậu thuẫn chặt đứt đường dây cung cấp người và đóng cửa các căn cứ cuối cùng của nhóm khủng bố.

Tuy vậy, số lượng nam chiến binh quay trở về quê nhà rất ít. Thay vào đó, hàng trăm người vợ, mẹ và con của các tay súng IS đã tới các lãnh sự quán tại Thổ Nhĩ Kỳ để xin hồi hương.

Trong số này, nhiều phụ nữ người Ma-rốc đã quay lại quê nhà thành công – giống như trường hợp cô Zarah. Cùng lúc này, hàng chục người khác vẫn đang chờ đợi tại các trung tâm tạm giam ở Thổ Nhĩ Kỳ để chờ đợi kết quả hồ sơ.

Giới chức Ma-rốc thừa nhận rằng những người phụ nữ này đang tạo ra tình huống tiến thoái lưỡng nan cho các nhà hoạch định chính sách và thực thi pháp luật: Nước này phải có nghĩa vụ bảo hộ cho công dân của mình nhưng lại không có chính sách nào để sàng lọc và kiểm soát số người này. Những người hồi hương đã từng phạm tội sẽ bị tống vào tù, nhưng không có quy định nào cho những người vợ và người mẹ mà chưa từng có tiền sử bạo lực hoặc tham gia trực tiếp vào các tổ chức cực đoan.

Các quan chức cho biết hầu hết phụ nữ hồi hương đều muốn quay trở lại cuộc sống cũ và quên đi những kí ức kinh hoàng khi sống dưới chế độ IS. Nhưng đáng lo nhất là một số người trở về tiếp tục giữ những quan điểm cực đoan và sẽ tìm cách "tẩy não" các thành viên khác trong gia đình mình.

"Đối tượng đầu tiên và quan trọng nhất chính là những đứa con của họ. Đây sẽ là những người sẽ tiếp nối các tư tưởng cực đoan của IS," WaPo trích lời một quan chức cấp cao Ma-rốc.

Zarah là 1 trong số ít người được WaPo phỏng vấn dám chia sẻ thẳng thắn lý do cô gia nhập IS. Cô thừa nhận bản thân muốn tới Syria và đã thuyết phục người chồng đầu tiên của mình tham gia vào tổ chức khủng bố này ngay sau khi Nhà nước Hồi giáo tuyên bố thành lập vào năm 2014.

"Tôi thực sự đã ép chồng đi cùng mình," Zarah nói. Sau khi đến Syria, chồng cô đã được đào tạo làm chiến binh và ngay lập tức "đã trở thành một người tử vì đạo".

"Tôi yêu anh ấy. Nhưng tất cả chúng ta đều phải chấp nhận hy sinh vì đức tin của mình".

Zarah cuối cùng cũng tái hôn và được trao một vị trí trong bộ máy truyền thông của IS. Đây là bộ phận dành cho những phụ nữ làm việc chuyên sản xuất các sản phẩm tuyên truyền cho tư tưởng cực đoan của IS.

Cô tự nhận mình đặc biệt "cảm phục" Fatiha Mejjati, góa phụ 56 tuổi của một chiến binh gốc Ma-rốc, người đã trở thành lãnh đạo của lữ đoàn al-Khansaa. Đây là lực lượng nữ cảnh sát chịu trách nhiệm việc thực thi các điều luật Hồi giáo hà khắc cho phái nữ trong vùng IS, như không được phép trang điểm hoặc để lộ da thịt cho người khác giới nhìn thấy.

Trong các buổi thuyết trình của Mejjati thường xuyên nói về nghĩa vụ của một người phụ nữ tại "nhà nước" IS, bao gồm nghĩa vụ kết hôn với một chiến binh Hồi giáo và nuôi dạy trẻ em trở thành các chiến binh trong tương lai.

Zarah nói: "Đó đã và vẫn luôn là nghĩa vụ của chúng tôi". Cô hiện không chắc về số phận của người chồng thứ hai của mình, người đã ở lại Syria để cố thủ thành trì cuối cùng của IS.

Vũ khí bí mật cho sự hồi sinh của IS là gì? - Ảnh 2.

Binh sĩ Các lực lượng dân chủ Syria (SDF), phe đối lập Syria do Mỹ hậu thuẫn, ăn mừng thắng lợi sau khi đánh đuổi IS khỏi "thủ phủ" Raqqa (Ảnh: Reuters)

"Nhiệm vụ giết người"

Đối với nhiều phụ nữ hồi hương, nghĩa vụ của họ không chỉ dừng lại ở việc nuôi dưỡng "những chiến binh nhỏ tuổi". Trong những tháng gần đây, số lượng phụ nữ tham gia vào các hoạt động quân sự ngay tại "thủ đô IS" và tại quê nhà ngày càng tăng lên.

Từ khi tuyên bố thành lập, các thủ lĩnh IS không khuyến khích phụ nữ trở thành chiến binh hay những kẻ đánh bom liều chết. Tuy nhiên, khi thất bại ngày càng trở nên rõ ràng, nhóm khủng bố đã "bật đèn xanh" cho phép giới nữ tham gia hoạt động giết người.

Ví dụ gần đây nhất, các chỉ huy đã ra lệnh cho hàng chục phụ nữ đánh bom tự sát để bảo vệ Mosul, "thủ phủ" IS tại Iraq.

Theo bà Rita Katz, nhà sáng lập tổ chức tình báo SITE, "IS thậm chí còn cho phép người chồng và cha thúc đẩy vợ và con gái mình tham gia vào các cuộc tấn công. Tôi sẽ chẳng cảm thấy ngạc nhiên khi thấy sự gia tăng số lượng các cuộc tấn công của IS tại các nơi trên thế giới do phụ nữ tiến hành".

Để đối phó với diễn biến nguy hiểm này, một số nước châu Âu đã bắt đầu thắt chặt các điều luật liên quan tới việc hồi hương của phụ nữ. Ở Bỉ, Pháp và Hà Lan, bất kể nam hay nữ nếu gia nhập IS khi hồi hương đều có thể phải ngồi tù.

Sau khi cho phép một số phụ nữ và trẻ em tái định cư tại những nơi ở cũ, chính phủ Bỉ hiện đang chuẩn bị thủ tục khởi tố hình sự đối với 29 công dân nữ sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq hoặc Syria muốn hồi hương.

Theo các quan chức chống khủng bố Bỉ, hiện họ không còn nghĩ những phụ nữ này là nạn nhân bị ép buộc tham gia IS do sự kiện khủng bố hồi tháng 3/2016, và nhất là sau khi trẻ em của các gia đình này tìm cách truyền bá tư tưởng cực đoan cho bạn học ở trường.

Theo các chuyên gia bảo mật châu Âu, một số người hồi hương vẫn duy trì các quan điểm cực đoan, ngay cả sau khi đã ra tù.

Chuyên gia chống khủng bố Thomas Renard, thành viên cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia EGMONT, cho hay những lo ngại đó là có cơ sở khi các cuộc nghiên cứu nhiều năm qua cho thấy việc chuyển hóa những tác động tiêu cực của những người mang tư tưởng cực đoan là vô cùng khó khăn. Cũng theo ông Renard, các bà mẹ có ảnh hưởng lớn hơn trong quá trình truyền dạy tư tưởng cực đoan cho trẻ em.

"Vì những người hồi hương chủ yếu là những phụ nữ trẻ, nên họ sẽ tiếp tục sinh thêm con trong những năm tới. Như vậy, họ sẽ tiếp tục nuôi dạy những đứa con bằng những tư tưởng Hồi giáo cực đoan nhất".

Bất chấp án tù giam và siết chặt các quy định pháp luật thì một số người hồi hương vẫn có thể bị tiêm nhiễm tư tưởng của IS trong nhiều năm tới.

Ông Renard nói, "Có thể chắc chắn rằng khi những người này ra tù, phần lớn sẽ vẫn mang những tư tưởng cực đoan. Và một số không từ bỏ lòng trung thành đối với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại