Vụ Khashoggi bị sát hại: Hoàng gia Ả rập Saudi nháo nhào, Mỹ chần chừ vì nỗi sợ "ném chuột vỡ bình"

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Vụ giết nhà báo Khashoggi bắt đầu tác động mạnh mẽ vào nội bộ hoàng gia Ả rập Saudi, đe dọa sự ổn định của đất nước,.

Các cuộc điều tra đang nhằm vào Thái tử M. Bin Salman

Cuối cùng thì Ả Rập Saudi buộc phải chính thức công nhận nhà báo Jamal Khashoggi bị giết trong tòa lãnh sự quán của nước mình tại Istanbul.

Tuy nhiên, sự thừa nhận muộn màng đầy lỗ hổng và mâu thuẫn này không những gây thêm hoài nghi, mà còn làm cho cộng đồng quốc tế đòi hỏi mạnh mẽ hơn cần phải tiến hành một cuộc điều tra quốc tế minh bạch và không thiên vị.

Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng câu chuyện Khashoggi bị chết sau một cuộc cãi vã và ẩu đả giữa anh và 15 người trong đội đặc nhiệm của Ả rập Saudi từ trong nước cử sang trong toà nhà Lãnh sự quán là không có tính thuyết phục chút nào.

Vụ bắt giữ 18 người liên quan đến tội ác này và cách chức năm quan chức khác, trong đó đáng chú ý nhất là Thiếu tướng Ahmed Asiri, Phó giám đốc Cơ quan tình báo và Saud Al-Qahtani, Cố vấn truyền thông rất thân cận với Thái tử Mohammed Bin Salman có thể là một nỗ lực để tìm kiếm một "vật tế thần" và đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận đang chĩa mũi dùi vào nhân vật chịu trách nhiệm chính của vụ này là Thái tử M. Bin Salman.

Saud Al-Qahtani được coi là cánh tay phải của Thái tử M. Bin Salman, là người trực tiếp giám sát quá trình giết Khashoggi trong toà Lãnh sự quán của Ả rập Saudi tại Istanbul thông qua mạng Skype.

Chính ông này năm ngoái cũng đã giám sát việc bắt cóc Thủ tướng Sa’ad Al-Hariri của Lebanon tại Riyadh và giam giữ 11 Hoàng tử của Ả rập Saudi ở khách sạn Ritz Carlton.

Thiếu tướng Asiri, Phó giám đốc Cơ quan tình báo không thể lên kế hoạch và quyết định danh sách những người tham gia thực hiện vụ việc nghiêm trọng như thế này mà không xin ý kiến Thái tử M. Bin Salman. Ông Saud Al-Qahtani đã viết trên trang Twiter của mình rằng ông "không làm bất cứ việc gì nếu không được lệnh của Nhà Vua và Thái tử".

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cũng phát biểu : "Nếu một người nào đó liên quan đến vụ giết hại Khashoggi thì đó chính là Thái tử M. Bin Salman."

Vụ Khashoggi bị sát hại: Hoàng gia Ả rập Saudi nháo nhào, Mỹ chần chừ vì nỗi sợ ném chuột vỡ bình  - Ảnh 1.

Gia đình hoàng gia Ả rập Xê út xáo trộn vì những sóng gió từ vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại. Ảnh: Getty

Cơn địa chấn trong gia đình Hoàng gia Ả rập Saudi

Vụ giết nhà báo Khashoggi bắt đầu tác động mạnh mẽ vào nội bộ hoàng gia Ả rập Saudi, đe dọa sự ổn định của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nội bộ chia rẽ sâu sắc, sức ép quốc tế ngày càng tăng, uy tín trong nước cũng như trên trường quốc tế giảm sút.

Có thể nói đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất Hoảng gia phải đối mặt kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 đánh vào toà tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới (WTC) mà Riyadh bị cáo buộc là người chủ mưu.

Báo The New York Times số ra ngày 19/10/2018 cho biết các thành viên của Hoàng gia bắt đầu tỏ ra hết sức lo lắng về tương lai của Vương quốc dưới sự dẫn dắt của Thái tử M. Bin Salman, người cai trị thực tế của đất nước.

Kể từ khi thành lập Vương quốc thuộc triều đại Saud năm 1932, gia đình hoàng gia cũng đã từng trải qua nhiều đợt sóng gió, nhưng đều vượt qua được.

Mới đây nhất là vụ 11/9/2001, các thành viên trong gia đình Hoàng gia đã thống nhất được với nhau để bảo vệ lợi ích của đất nước.

Nhưng lần này sẽ hết sức khó khăn khi Thái tử M. Bin Salman lên ngôi đã tập trung mọi quyền lực vào tay mình, phá vỡ sự đồng thuận trong nội bộ Hoàng gia, gạt ra ngoài tất cả những ai không ăn cánh với mình.

Việc bắt giam 11 hoàng tử năm ngoái với lý do chống tham nhũng thực chất là một cuộc thành trừng nội bộ.

Chính sách của Thái tử M. Bin Salman đang gây ra nhiều tiếng nói bất bình như cuộc chiến tại Yemen, cô lập và cấm vận Qatar, ủng hộ kế hoạch của Trump nhằm giải cuộc xung đột Palestine-Israel, căng thẳng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran và mới đây nhất là vụ cắt quan hệ ngoại giao với Canada.

Tờ báo Le Figaro của Pháp trích dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, Ủy ban Tuyên thệ của Ả rập Saudi đang xem xét khả năng bổ nhiệm người em trai của M. Bin Salman là Khaled Bin Salman thay thế Thái tử M. Bin Salman.

Việc Hoàng tử Khalid bin Salman đang là Đại sứ của Ả rập Saudi tại Washington được triệu hồi về nước khẩn cấp đang đặt ra nhiều dự đoán về khả năng này.

Tại thời điểm này, Vua Salman Bin Abdul Aziz không thể thoái vị trước áp lực của vụ Khashoggi. Nếu Khalid Bin Salman được bổ nhiệm làm Thái tử vừa giảm bớt được áp lực trong nước và quốc tế trong vụ này vừa giữ được quyền lực của bộ tộc Sudeiri trong nội bộ Hoàng gia. Đây là ưu tiên hàng đầu của Vua Salman Bin Abdulaziz.

Mỹ-phương Tây phản ứng gay gắt nhưng cố giữ lợi ích trong quan hệ với Ả rập Saudi

Báo chí và các phương tiện truyền thông hàng đầu của Mỹ đã phê phán gay gắt thái độ mập mờ của Nhà Trắng đối với vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại một cách hết sức dã man, đồng thời kêu gọi Washington xem xét lại chính sách của mình đối với Riyadh.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump nói rõ rằng sẽ không có chuyện từ bỏ các hợp đồng bán vũ khí cho Ả rập Saudi. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2013 đến năm 2017, Riyadh đã mua 18% tổng số vũ khí xuất khẩu của Mỹ trị giá khoảng 9 tỷ USD.

Vụ Khashoggi bị sát hại: Hoàng gia Ả rập Saudi nháo nhào, Mỹ chần chừ vì nỗi sợ ném chuột vỡ bình  - Ảnh 2.

Bình luận về tác động của vụ giết hại nhà báo Khashoggi đến quan hệ giữa Ả rập Saudi và Mỹ, Jared Kouchner, con rể đồng thời là cố vấn của Tổng thống Trump cho biết chính sách Trung Đông của Washington trước hết phải tính đến lợi ích của Mỹ.

"Tổng thống chú trọng vào vào lợi ích của nước Mỹ, chúng tôi sẽ tính toán các lợi ích chiến lược của chúng tôi xem ở đâu nó trùng hợp với lợi ích của các quốc gia khác và sẽ hành động phù hợp. Nhà Trắng đang xem xét để cân bằng ảnh hưởng của vụ J. Khashoggi và các lợi ích chung giữa Mỹ và Ả rập Saudi"-J. Koushner nói.

Mặc dù không tham dự Hội thảo "Sáng kiến tương lai đầu tư" của Ả rập Saudi được tổ chức 23-25/10/2018 tại Riyadh, nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Munchin trước đó một ngày đã đến Riyadh gặp Thái tử M. Bin Salman bàn các phương hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đến nay vẫn chưa đưa ra được một quyết định nào trừng phạt Ả rập Saudia. Trong khi đó, Quốc hội Tây Ban Nha đã bỏ phiếu chống lại việc ngừng bán vũ khí cho Ả rập Saudi, Tổng thống Pháp Macron thì từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến việc này.

Các cuộc gặp gỡ và trao đổi dồn dập ở cấp cao giữa Washington, Riyadh và Ankara trong những ngày qua, việc Tổng thống Erdogan phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23/10/2018 vừa qua không đưa ra thêm bất cứ bằng chứng nào và nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về vụ sát hại J. Khashoggi đang đặt ra khả năng các bên đang thảo luận về một thỏa thuận nào đó nhắm khép lại vụ việc, đảm bảo lợi ích của các bên.

Vụ khủng bố 11/9/2001 làm 2.996 người chết và hơn 6.000 người bị thương ngay trên đất Mỹ, vụ đánh bom chuyến bay Pan Am năm 1988 làm 270 người Mỹ bị thiệt mạng còn khủng khiếp hơn nhiều so với vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại, Ả rập Saudi và Libya bằng tiền và các hợp đồng vũ khí, đã vượt qua được cuộc khủng hoảng.

Trong trường hợp này, Washington chắc sẽ không để việc một người, lại là công dân Ả rập Saudi bị giết ảnh hưởng tới các lợi ích chiến lược của mình. Một số nước, ngay ở Mỹ Cơ quan tình báo CIA cũng đã từng tìm cách thủ tiêu các đối thủ chính trị của mình.

Nhiều nhả quan sát chính trị cho rằng, ông Trump đang ở trong tình thế hết sức khó xử. Báo chí Mỹ đã đóng vai trò to lớn vạch trận vụ bê bối "Watergate" (1972-1974) buộc Tổng thống R. Nixon phải ra đi.

Báo chí Mỹ hôm nay và các đối thủ của ông Trump cũng có thể sử dụng vụ "Khashoggigate" để hạ bệ ông hoặc ít nhất cũng tác động vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ 6-7/11/2018 tới đây nhằm chặn đường của ông bước vào nhiệm kỳ thứ hai.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại