Bài viết thể hiện quan điểm của Frederick Kempe - cựu phóng viên của Wall Street Journal, hiện là Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương, một viện nghiên cứu có sức ảnh hưởng nhất của Mỹ.
Ly kỳ như phim trinh thám
Sau khi các thông tin về cái chết của nhà báo Ả Rập Jamal Khashoggi được hé lộ, mức độ rùng rợn ngày càng tăng lên, từ việc ông Khashoggi thông qua thiết bị đeo tay Apple Watch ghi lại thời điểm bị tra tấn, giết hại đến việc thi thể nhà báo đã được tìm thấy ở dưới giếng trong Lãnh sự quán Ả Rập Saudi...
Và những diễn biến sau tình tiết này dự báo sẽ còn ly kỳ hơn nữa.
Vụ việc này hẳn nhiên sẽ được dùng là "vũ khí" để chống lại Thái tử kế ngôi của Saudi bởi đối thủ trong khu vực Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây sẽ như một bộ phim kinh dị địa chính trị, với những yếu tố có thể làm rung chuyển chế độ quân chủ Ả Rập, ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực, đến người Hồi giáo toàn cầu và thậm chí ảnh hưởng đến cả cuộc bầu cử quan trọng giữa kỳ tại Mỹ.
Một quan chức cao cấp của chính quyền Trump đã gọi vụ việc này là "thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất mà Washington phải đối mặt" do chính một đồng minh của Mỹ gây ra.
Sự "đạo diễn" tài tình của Tổng thống Erdogan
Một trong những khía cạnh ít được nhắc đến là ảnh hưởng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, thông qua việc hé lộ những tình tiết quan trọng nhằm thúc đẩy một sự phẫn nộ toàn cầu nhằm chống lại Ả Rập Saudi.
Các nhà ngoại giao phương Tây tin rằng phản ứng nhanh chóng của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh vị thế trong khu vực.
Các cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ - thông qua các thiết bị cài lén mà không ai biết - đã thu được những âm thanh và các tệp video về quá trình giết ông Khashoggi. Thậm chí Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã quyết định có chủ ý thời điểm tung ra bằng chứng.
Điều này buộc Ả Rập Saudi đã phải có một sự thay đổi đáng chú ý: từ việc luôn khẳng định rằng ông Khashoggi đã rời khỏi lãnh sự quán nước này mà không hề hấn gì, chính phủ Saudi tuyên bố đã sa thải 5 quan chức cấp cao và bắt giữ 18 người khác.
Ngoài ra, ông Erdogan cũng đã tận dụng cơ hội này để làm suy yếu Vương quốc Ả rập của Thái tử Mohammed bin Salman, đồng thời đánh bóng hình ảnh của mình với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ đang có phần nguội lạnh.
Thời điểm diễn ra vụ việc Khashoggi là vào ngày 2/10 và việc Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho mục sư người Mỹ Andrew Brunson - sau 2 năm giam giữ - có thể là ngẫu nhiên, tuy nhiên Ankara sau đó đã bày tỏ hy vọng rằng tình báo của Mỹ - Thổ có thể chia sẻ những thông tin về vụ giết người, khiến Washington trở nên xa cách với Riyadh, đồng thời góp phần cải thiện hơn nữa quan hệ đồng minh của mình.
Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã cố trì hoãn việc công bố các bằng chứng đáng sợ sau khi chính quyền Trump có dấu hiệu bỏ mặc sự "sống chết" của Hoàng gia Saudi trong vụ việc và khắc phục mối quan hệ với nước này.
Tuy nhiên khi Washington và Riyadh quay trở lại bàn thảo luận để phối hợp điều tra thì những tiết lộ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ lại bỗng nhiên rò rỉ một cách "ồ ạt".
Rõ ràng, Tổng thống Erdogan đang nắm giữ các bằng chứng này như một đòn bẩy lớn hơn, ém lại và chỉ sử dụng khi thật cần thiết khi cho đến nay, trong tất cả các bằng chứng đã được đưa ra, Ankara cũng khéo léo không chỉ đích danh Thái tử Mohammed bin Salman.
Không ai có thể dự đoán câu chuyện sẽ kết thúc thế nào đối với lãnh đạo Ả Rập Saudi, với quan hệ Thổ-Mỹ-Saudi hay với vị thế khu vực của Tổng thống Erdogan, bởi chương cuối của bộ phim này vẫn còn chưa được viết.