* Bài viết thể hiện quan điểm của Business Insider.
---
Tổng thống Putin bị chỉ trích "quá mềm yếu" trong vụ Il-20
Sau khi chiếc máy bay Il-20 bị bắn hạ, Bộ Quốc phòng (BQP) Nga đã nhanh chóng cáo buộc Israel, bởi trong cùng thời điểm đó, Không quân Do Thái cũng đang tiến hành một vụ không kích tên lửa nhằm vào thành phố biển Latakia của Syria, sử dụng các tiêm kích bay ở tầm thấp và thiết bị phá sóng.
Tuy nhiên sự thật là lực lượng phòng không Syria đã bắn nhầm máy bay của đồng minh Nga khi cố gắng đáp trả đòn tấn công của không quân Israel.
BQP Nga đã cáo buộc phía Israel đã 'chơi chiêu' núp bóng máy bay Nga, đánh lừa phòng không Syria khóa nhầm mục tiêu là máy bay Il-20 của Nga - to hơn và bay chậm hơn - khiến 15 công dân Nga thiệt mạng vì một quả tên lửa do chính Nga chế tạo và cung cấp cho Syria.
Trả lời phóng viên Business Insider, Anna Borshchevskaya, một chuyên gia người Nga tại Viện nghiên cứu Chính sách Cận Đông của Washington, cho biết: "Với tần suất chiến đấu cơ xuất hiện dày đặc trên vùng trời Syria, thì sự việc xảy ra không có gì là bất ngờ cả. Đây không phải lần đầu tiên ông Putin không bảo vệ được các công dân của mình".
Sau khi phía BQP Nga đưa ra cáo buộc đối với Israel và thề sẽ có biện pháp đáp trả "tương xứng", thì trong một động thái khá bất ngờ, Tổng thống Putin lại miễn trách nhiệm cho Nhà nước Do Thái và chỉ coi vụ máy bay Il-20 bị bắn hạ là "một chuỗi tình huống bi kịch", đồng thời không hề đề cập đến chuyện trả đũa.
Ngay sau đó, phản ứng của ông Putin đã bị giới chức và dư luận Nga chỉ trích là "quá mềm yếu". Một độc giả của trang RT (phiên bản tiếng Anh) bình luận: "Tôi là người chuộng hòa bình, nhưng lời phát biểu vừa rồi của ông Putin quá mềm yếu. Ông ấy thậm chí còn không lên án Israel. Những quân nhân thiệt mạng xứng đáng nhận được nhiều hơn thế".
Máy bay Il-20. Ảnh: TASS.
"Hổ giấy" Putin
Đã 3 năm kể từ khi Nga quyết định dấn thân vào cuộc chiến Syria hồi tháng 9/2015 đến nay. Không chỉ chịu nhiều thiệt hại đáng kể cả về người và của, mà Moskva ngày càng trở nên yếu thế hơn và bị cô lập trên trường quốc tế.
Gần đây, khi Mỹ đe dọa sẽ giáng thêm đòn trừng phạt nhằm vào Syria với lí do chính quyền ông Assad sử dụng vũ khí hóa học, Nga đã đe dọa sẽ tấn công lực lượng của Mỹ tại Syria. Nhưng sau đó, khi Mỹ tiến hành tập trận đạn thật tại Syria để dằn mặt Nga, thì Moskva đã nhanh chóng thoái lui.
Sau khi Mỹ không kích Syria hồi tháng 4/2017 và tháng 4/2018, Nga đã đe dọa trả đũa hoặc cắt đứt liên lạc với Mỹ. Nhưng cả hai lần đó đều không hề có chuyện gì xảy ra.
Ông Putin đã nhiều lần khẳng định hình ảnh một cường quốc trong cuộc chiến tại Syria, nhưng lại nhiều lần thất bại trong việc bảo vệ chính những công dân Nga.
Theo chuyên gia Borshchevskaya, ông Putin đã khéo léo sử dụng sự hiện diện của mình tại Syria để đối trọng với Mỹ và khiến các đồng minh của Mỹ tưởng rằng Washington đang sợ hãi:
"Rất nhiều người tại phương Tây lo ngại rằng giữa Mỹ-đồng minh và Nga sẽ nổ ra một cuộc chiến tại Syria. Nhưng cuộc chiến đó sẽ không bao giờ xảy ra. [Người Nga] không muốn đánh nhau với [Mỹ và phương Tây]. Họ [Nga] thừa biết rằng họ không thể nào giành chiến thắng trong cuộc chiến đó".
Mạnh như Nga cũng có điểm yếu
Lập trường của ông Putin trong các vấn đề Syria và Ukraine, cũng như những lùm xùm liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga ở nước ngoài đã khiến nước Nga phải chịu các đòn trừng phạt nặng nề và ngày càng trở nên cô lập trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, trong nội bộ nước Nga cũng có nhiều tranh cãi khi quyết định tăng tuổi nghỉ hưu của ông Putin khiến nhiều người dân Nga phẫn nộ. Việc chính phủ Nga dành ngân sách cho các vấn đề nước ngoài như cuộc chiến kéo dài tại Syria cũng ảnh hưởng ít nhiều đến người dân nước này.
Quả thực, nước Nga đã đạt được một số mục tiêu của họ tại Syria. Nhưng đối với mục tiêu bảo vệ công dân Nga, thì ông Putin ngày càng gây thất vọng nhiều hơn, mà gần đây nhất là vụ việc máy bay Il-20 bị bắn rơi gần Syria, theo chuyên gia Borshchevskaya.