Tổng thống Lukashenko (trái) và Tổng thống Putin trong cuộc gặp ngày 28/5 ở thành phố miền Nam Sochi của Nga. Ảnh: AP
Chuyến thăm Nga của Tổng thống Belarus được lên kế hoạch trước khi xảy ra vụ việc nói trên, nhưng các đòn trừng phạt của phương Tây đã thúc giục ông Lukashenko tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ phía Tổng thống Putin.
Belarus xích lại gần Nga hơn
Giới phân tích cho rằng, sự cô lập về chính trị và kinh tế ngày càng gia tăng của phương Tây đối với Belarus đang khiến Tổng thống Lukashenko xích lại gần Nga hơn, đồng thời tạo cơ hội cho Tổng thống Putin thúc đẩy các kế hoạch lâu dài nhằm tăng cường sự hội nhập giữa Nga và nước Cộng hòa từng thuộc Liên Xô cũ này.
Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Belarus và cấm các hãng hàng không của nước này hoạt động trong không phận của khối. EU còn tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với giới chức Belarus và bổ sung 88 nhân vật thuộc chính quyền Belarus cùng 7 công ty vào một danh sách đen với cáo buộc trấn áp phe đối lập.
Các lệnh trừng phạt sắp tới có thể nhắm vào những giao dịch tài chính và các ngành công nghiệp chủ chốt của nước này như dầu mỏ và kali – vốn là trụ cột của nền kinh tế Belarus và là nguồn thu thuế, ngoại tệ chính, một số quan chức EU cho biết.
Trong khi đó, Mỹ cũng tuyên bố sẽ tái áp đặt trừng phạt với 9 công ty nhà nước Belarus và phối hợp với EU lập danh sách trừng phạt những thành viên chủ chốt trong chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko. Đồng thời, Mỹ sẽ đình chỉ thỏa thuận ký năm 2019 giữa Washington và Minsk, vốn cho phép hãng hàng không từ mỗi nước được sử dụng không phận của đối tác.
Nước cờ của chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko có thể giúp ông bắt giữ nhà báo đối lập Roman Protasevich vốn trong tầm ngắm của chính quyền Belarus kể từ khi hàng loạt cuộc biểu tình chống chỉnh phủ nổ ra tại quốc gia này vào năm 2020, nhưng nó cũng đặt nhà lãnh đạo này vào tình thế bất lợi hơn bao giờ hết.
Artyom Shraibman, người sáng lập công ty tư vấn chính trị Sense Analytics có trụ sở tại Minsk nhận định: “Mỗi bước đi mới của phương Tây nhằm cô lập Belarus chắc chắn sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của Minsk vào Nga”.
Trong cuộc hội đàm ngày 23/5, ông Lukashenko nói với Tổng thống Putin rằng ông có một cặp tài liệu mật đáng tin cậy cho thấy mối nguy hiểm mà chuyến bay gây ra và lý do buộc máy bay phải hạ cánh, qua đó giúp Nga hiểu rõ hơn điều gì đã xảy ra.
Tổng thống Putin đã so sánh vụ việc này với vụ máy bay chở Tổng thống Bolivia Evo Morales buộc phải hạ cánh xuống Vienna (Áo) vào năm 2013 do nhiều nước châu Âu từ chối cho máy bay này đi qua không phận nước họ. Các nước này nghi ngờ trên máy bay chở Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ - người đã tiết lộ nhiều thông tin mật của chính phủ Mỹ, phải sống tị nạn ở Nga để tránh bị Mỹ truy tố. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, phương Tây không có bất cứ phản ứng nào.
Ông Putin cũng khẳng định Nga là một đối tác lâu dài luôn hỗ trợ cho nền kinh tế Belarus và cho biết hai bên sẽ có một cuộc thảo luận rộng rãi hơn về quan hệ chính trị và kinh tế.
Nga được cho là đồng minh gần gũi của Belarus. Thời gian gần đây, khi Tổng thống Lukashenko phải đối mặt với nhiều sức ép từ phương Tây, nhà lãnh đạo Nga đã cam kết hỗ trợ nhiều hơn về tài chính và quân sự cho Belarus, báo hiệu ý định của Moscow thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước nhằm tạo ra một mối ràng buộc khó có thể tách rời.
Chuyến bay Ryanair 4978 từ Hy Lạp đến Litva bị buộc phải hạ cánh xuống sân bay Minsk, Belarus. Ảnh: Getty
Lợi thế thuộc về Moscow
Với Belarus, Nga là một đối tác hỗ trợ mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn chính trị. Còn với Nga, Belarus mang lại cơ hội giúp quốc gia này gây dựng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị trong khu vực, đồng thời là bức tường thành ngăn châu Âu mở rộng tầm ảnh hưởng đối với những nước thuộc Liên Xô cũ. Hơn nữa, Tổng thống Putin được cho là người ưa thích sự ổn định chính trị, vì thế việc ông ủng hộ một nhà lãnh đạo lâu đời như Lukashenko – người đã có 27 năm cầm quyền, không phải là điều nằm ngoài dự đoán.
Năm 2020, khi Tổng thống Lukashenko đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 sau cuộc bầu cử vào tháng 8/2020, Tổng thống Putin đã đồng ý cung cấp cho Belarus khoản vay trị giá 1,5 tỷ USD. Nhà lãnh đạo Nga cũng tập hợp một đội thực thi pháp luật để giúp đỡ ông Lukashenko trong trường hợp các cuộc biểu tình tại Belarus vượt ngoài tầm kiểm soát, đồng thời cho biết hai bên sẽ thường xuyên tiến hành các hoạt động quân sự chung.
Hồi đầu năm nay, hai bên đã nhất trí thành lập trung tâm huấn luyện chung tại mỗi nước dành cho lính dù và lính phòng không, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Belarus. Hai bên cũng sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung vào cuối năm nay với việc Nga triển khai hàng nghìn binh sỹ tại Belarus. Một số nhà phân tích coi những cuộc tập trận như vậy là cách thức giúp Nga tăng cường ảnh hưởng với Belarus và củng cố sức mạnh quân sự ở sát sườn phía đông của NATO.
Ông Emre Peker, giám đốc khu vực châu Âu của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho rằng, vụ chuyển hướng máy bay Ryanair sẽ mang lại lợi ích cho Nga bằng cách đẩy Belarus đến gần Nga hơn và khiến mâu thuẫn giữa Belarus với phương Tây thêm trầm trọng.
Phép thử lớn đối với phương Tây
Matthew Sherwood, nhà phân tích cấp cao về châu Âu tại The Economist Intelligence Unit nhấn mạnh, vụ chuyển hướng máy bay cho thấy các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Belarus không mấy hiệu quả. Giống như Nga, Belarus đang phải chịu một loạt lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến cáo buộc đàn áp phe đối lập. Sau vụ chuyển hướng máy bay hôm 23/5, nước này tiếp tục gánh thêm thêm một số đòn trừng phạt mới.
“Phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 8/2020 với cáo buộc có gian lận. Nhưng với sự hỗ trợ về kinh tế và chính trị của Nga, Tổng thống Lukashenko đã bình ổn được tình hình. Chúng tôi cho rằng, làn sóng trừng phạt mới của phương Tây sẽ khó tác động đến bối cảnh chính trị tại Belarus, trái lại nó có thể khiến Belarus xích lại gần Nga hơn”, ông Matthew Sherwood nhấn mạnh.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, chính quyền Tổng thống Lukashenko sẽ ngày càng trở nên khó đoán hơn, một phần do quan hệ gắn bó chặt chẽ với Nga. Nigel Gould-Davies – cựu Đại sứ Anh tai Belarus nhận định. “Chúng ta đã chứng kiến sự hợp tác giữa các cơ quan an ninh của Nga và Belarus trong thời gian gần đây và chúng ta cần phải xem xét cả góc độ này. Điều quan trọng là EU với sự hỗ trợ của Mỹ, cần phải theo đuổi một lập trường cứng rắn hơn và phù hợp hơn với tình hình thực tế”.
Cùng chung quan điểm này, ông Timothy Ash, chiến lược gia về thị trường mới nổi tại hãng quản lý tài sản Bluebay Asset Management nhấn mạnh: “Vụ việc là một phép thử lớn đối với EU và phương Tây”./.