Cầu viện phương Tây giúp sức trong vụ đụng độ với Nga, Ukraine nhận được câu trả lời không thể phũ phàng hơn

Tất Đạt |

Ukraine đã phải nhận "nhiều cái lắc đầu" khi muốn lôi kéo sự hỗ trợ từ các nước khác trong cuộc mâu thuẫn dai dẳng với Moskva.

Lời kêu gọi trợ giúp từ Ukraine

Trong cuộc phỏng vấn trên kênh N-TV, cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng Ukraine đang cố thúc giục Đức tham gia cuộc mâu thuẫn vũ trang với Nga sau vụ đụng độ tại eo biển Kerch vào ngày 25/11 vừa qua.

"Tôi tin rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nước Đức cũng nên đứng ngoài cuộc và không bị Ukraine lôi kéo vào cuộc chiến tranh với Nga. Ukraine đang cố gắng làm điều đó," ông Gabriel nói.

Cựu ngoại trưởng Đức sau đó lên án mạnh mẽ nhà lãnh đạo Ukraine Petro Poroshenko vì lời đề xuất kêu gọi NATO triển khai tàu chiến vào vùng Biển Đen và Biển Azov để "hỗ trợ Ukraine và đảm bảo an ninh khu vực".

"Chúng tôi cần sự tăng cường hiện diện của tàu chiến Đức và các nước đồng minh tại vùng Biển Đen để gửi đi thông điệp đanh thép và ngăn chặn ảnh hưởng của Nga," ông Poroshenko trả lời hãng truyền thông Funke.

Tuy nhiên, Berlin đã gạt bỏ phương án điều tàu chiến tới Crimea. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói: "Chúng tôi hiểu quan ngại của Ukraine, nhưng chúng tôi không muốn đẩy cuộc mâu thuẫn này sang leo thang căng thẳng quân sự."

Cầu viện phương Tây giúp sức trong vụ đụng độ với Nga, Ukraine nhận được câu trả lời không thể phũ phàng hơn - Ảnh 1.

Các binh sĩ Ukraine tuần tra dọc bờ biển Azov ở gần cảng Mariupol. Ảnh: Getty

Bên cạnh đó, ông Gabriel cũng chỉ trích Nga vì hành động bắt giữ ba tàu hải quân Ukraine trong vùng biển Kerch, vì "vi phạm luật pháp quốc tế" và thể hiện sự ủng hộ cho nỗ lực của Thủ tướng Angela Merkel trong quá trình giải quyết căng thẳng khu vực.

"Tôi nghĩ bà Merkel đã đúng đắn khi cố gắng khôi phục và bình thường hóa mối quan hệ giữa các bên. Đây là điều khá khó khăn bởi bà Merkel không có trong tay áp lực hay công cụ ngoại giao cần thiết. Bà Merkel chỉ có thể dựa trên sự tỉnh táo của tất cả các bên liên quan. Hiện tại, đàm phán là điều quan trọng duy nhất chúng ta có thể làm được," ông Gabriel bày tỏ ý kiến.

Nói về quan điểm của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ukraine, cựu ngoại trưởng Đức Gabriel cho biết tổng thống Mỹ Donald Trump rất hoan nghênh Đức vì "không tham gia mâu thuẫn".

Theo ông Gabriel, dưới thời các nhiệm kì tổng thống trước, Washington thường góp mặt để "giải quyết các vấn đề". Nhưng hiện tại, ông Gabriel chắc chắn rằng Mỹ muốn đứng ngoài cuộc.

"Châu Âu nhận thức rõ ràng rằng Ukraine là một gánh nặng"

Theo ông Vladimir Olenchenko - một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Học viện Khoa học Nga, chính quyền Kiev đang muốn lôi kéo những quốc gia bên ngoài vào "cuộc mâu thuẫn quân sự".

Tuy nhiên, ông Olenchenko tin rằng hành động như vậy sẽ chỉ nhận được "những cái lắc đầu" ở cả Đức và Liên minh Châu Âu (EU).

"Cùng lúc, câu hỏi đặt ra là: liệu ông Poroshenko đang tự đưa ra mọi quyết định hay Mỹ cũng có sự tham gia nhất định? Ông Poroshenko muốn các quốc gia NATO trợ giúp, tức là thỉnh cầu hầu hết các nước châu Âu.

Điều này không khỏi khiến mọi người nghĩ rằng Mỹ đang thúc đẩy mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine, và phương Tây nên đóng vai trò hoặc là đồng minh của Kiev, hoặc là trọng tài đứng giữa hai bên."

"Thật may mắn khi Đức đã hiểu rõ điều này và từ chối trở thành đồng minh của Ukraine trong vụ đụng độ," ông Olenchenko nói thêm.

Chia sẻ với RT, vị chuyên gia nhấn mạnh rằng kết quả của cuộc điều tra vụ việc trên eo biển Kerch cần được thông báo công khai trước công chúng: ai là người đứng đằng sau vụ khiêu khích, vì lí do gì và vụ việc được thực hiện như thế nào.

"Tôi nghĩ Đức đã hành động đúng. Nếu Pháp cũng có ứng xử tương tự thì rất tuyệt vời. Có thể những động thái này sẽ làm dịu bớt sự căng thẳng từ phía Kiev," ông Olenchenko bình luận.

Nhà khoa học chính trị Anton Bredikhin - giám đốc khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Nhân chủng và Quốc tế học - cho rằng Kiev đã gây ra cuộc khiêu khích để hi vọng EU phản ứng có lợi cho Ukraine.

Cầu viện phương Tây giúp sức trong vụ đụng độ với Nga, Ukraine nhận được câu trả lời không thể phũ phàng hơn - Ảnh 3.

Các thủy thủ Ukraine bị bắt giữ được đưa tới phòng xử án ở Crimea. Ảnh: Artur Shwarz/EPA

Trả lời tờ Funke (Đức), ông Petro Poroshenko liên tục kêu gọi các bên tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đen, tiếp tục áp dụng cấm vận chống lại Nga, dừng hoạt động xây dựng lắp đặt đường ống Nord Stream 2 và phản ứng gắt gao hơn sau vụ cựu gián điệp Skripal bị đầu độc tại Anh.

Tuy nhiên, ông Poroshenko đã không nhận được những gì ông mong muốn - các đại diện EU chỉ lên tiếng chỉ trích hành vi của Nga theo chuẩn mực thông thường, không hơn không kém.

"Châu Âu thường xuyên phải nghe lời kêu gọi từ Kiev về việc tham gia can thiệp mối quan hệ Nga - Ukraine. Kiev cũng yêu cầu được trở thành thành viên chính thức của EU và NATO. Nhiều năm đã trôi qua và Ukraine bắt đầu 'phát chán' với các nước châu Âu.

Trong khi đó, châu Âu cũng nhận ra rằng Ukraine là gánh nặng mà chính châu Âu cũng không muốn gánh," chuyên gia Bredikhin nói.

Ngoài ra, ông Bredikhin cũng loại bỏ trường hợp các nước EU sẽ tham gia vào cuộc đụng độ vũ trang vì Ukraine, bởi cuộc chiến như vậy không đem lại ích lợi gì cho châu Âu, từ chính trị, kinh tế, hay bất kì khía cạnh nào khác.

Khoảnh khắc tàu Nga va chạm với tàu Ukraine trên Biển Đen

"Chính quyền Ukraine không muốn giải quyết xung đột"

Phát biểu trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh G20, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố:

"Những phân tích liên quan tới sự kiện gần đây ở Biển Đen - và những gì chúng ta được chứng kiến ở Donbass - cho thấy chính phủ hiện tại ở Ukraine không muốn giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Đây là chính quyền của chiến tranh, và nếu ông Poroshenko vẫn nắm quyền, thì chiến tranh vẫn sẽ tiếp diễn."

"Dùng chiến tranh làm cái cớ cho thất bại về kinh tế và chính sách chính trị luôn là điều dễ dàng. Chính phủ Ukraine không muốn tự nhận lỗi, mà muốn đổ lỗi cho 'thế lực bên ngoài'," ông Putin nhấn mạnh.

Cùng lúc, ông Putin cho biết Moskva không muốn cắt đứt mọi đối thoại với Kiev, mặc dù trong tình hình hiện tại hai bên vẫn khó tìm được tiếng nói chung. Tổng thống Nga thông báo Moskva sẽ không đáp trả lại những cấm vận của Kiev đối với công dân Nga.

Mặt khác, Nga sẽ tiếp tục cho phép công dân Ukraine ở lại lãnh thổ Nga và đơn giản hóa quy trình nhận quốc tịch Nga cho những người này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại