Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tính từ đầu năm 2017 tới nay, tần suất tiếp cận không phận Nga của máy bay quân sự nước ngoài diễn ra dày đặc với khoảng 10 chuyến/tuần. Càng ngày, các máy bay quân sự NATO càng tiếp cận gần không phận Nga một cách mạnh bạo hơn.
Tuy nhiên, tất cả hành động trên đều được ngăn chặn kịp thời nhờ sự xử lý chuyên nghiệp và dứt khoát của Không quân Nga. Mới đây nhất, hôm 28-11, một máy bay tiêm kích Su-30SM của Không quân Nga đã sử dụng các thao tác đặc biệt buộc máy bay tuần thám hải quân P-8A Poseidon, Không quân Mỹ phải thay đổi đường bay khi đang cố gắng tiếp cận không phận Nga trên Hắc Hải.
Dù phía Mỹ đưa ra tuyên bố rằng, máy bay quân sự Nga đã thực hiện các động tác bay gây nguy hiểm đối với máy bay “không được vũ trang”, nhưng phía Nga khẳng định, chiếc P-8A đã cố gắng tiếp cận không phận Nga với vận tốc lớn. Đường bay của chiếc máy bay tuần thám này chỉ thay đổi khi có “màn chào đón” của Không quân Nga.
“Phép lịch sự của những quý ông”
Các chuyến bay trinh sát của NATO và đồng minh nhằm mục đích chính là theo dõi, đánh giá năng lực phòng thủ Quân khu phía Nam của Nga. Nhiệm vụ của Không quân Nga là phải ngăn chặn các chuyến bay này, nhưng vẫn tuân thủ theo quy định quốc tế.
Phi công Nga thực hiện nhiệm vụ.
Máy bay tuần thám hải quân P-8A Poseidon, Hải quân Mỹ.
“Trước hết, máy bay Nga phải áp sát mục tiêu và ra hiệu cho đối tượng kết thúc nhiệm vụ. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là xác định rõ máy bay tiếp cận mang quốc tịch gì và hướng dẫn họ rời xa khỏi không phận Nga.
Toàn bộ thông tin về máy bay “không xác định” sẽ được chuyển về trung tâm chỉ huy. Sau đó, chúng tôi sẽ thực hiện các động tác cơ động xung quanh máy bay đối tượng với mục đích yêu cầu họ hủy bỏ nhiệm vụ”, tướng Vladimir Popov, một phi công kỳ cựu Không quân Nga cho biết.
Ông V. Popov cho biết thêm, nếu máy bay đối tượng không rời bỏ nhiệm vụ, máy bay Không quân Nga sẽ bay lên phía trước để đảm bảo kíp điều khiển máy bay đối tượng xác định được đang bị máy bay Nga giám sát trong tầm nhìn thẳng.
Máy bay đối tượng sẽ thực hiện thao tác xoay mũi để xác nhận và đổi hướng bay ra khỏi không phận Nga. Toàn bộ quy trình này được thực hiện cực kỳ chính xác và thường được gọi là “vũ điệu của những quý ông”.
“Trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi không thể liên lạc với máy bay đối tượng qua tần số giao tiếp vô tuyến. Việc ngăn chặn chủ yếu phải sử dụng phương thức bay tiếp cận và ra hiệu bằng kỹ thuật bay. Điều này hoàn toàn khác ở Syria, khi máy bay quân sự Nga và Mỹ liên lạc với nhau trên một tần số vô tuyến cố định”, tướng V. Popov nói.
“Đụng độ trên không”
Quan hệ Nga-NATO xấu đi trong vài năm qua đã làm các chuyến bay tiếp cận không phận Nga trở nên dày đặc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn. Do kênh tương tác giữa Nga và NATO bị đóng băng, phía Nga không nắm được thông tin về các chuyến bay của NATO và đồng minh tại khu vực gần không phận.
“Chúng tôi không biết trước được điều gì sẽ xảy ra và luôn phải sẵn sàng trước mọi tình huống. Nhưng tiếc rằng hoạt động của chúng tôi bằng cách nào đó đã biến thành hành động khiêu khích trong mắt chính trị gia phương Tây.
Kể cả trong vụ việc chiếc P-8A, họ chỉ nhìn vào phần sau của hành động cảnh báo, ngăn chặn mà quên rằng trước đó máy bay Nga đã thực hiện đúng quy định, nhưng phi công trên chiếc máy bay tuần thám của Mỹ đã cố tình phớt lờ”, ông V. Popov nhấn mạnh.
Không quân Nga "hộ tống" máy bay ném bom Mỹ.
Theo đúng nguyên tắc, nếu máy bay đối tượng phớt lờ cảnh báo, sẽ có thêm một máy bay chiến đấu khác cất cánh để hỗ trợ máy bay đang giám sát. Ngay khi máy bay đối tượng vào không phận Nga, nó sẽ bị ép hạ cánh khẩn cấp trên sân bay quy định.
Việc “ép buộc” này sẽ được cảnh báo bằng pháo hàng không, thậm chí là tên lửa được phóng đi. Điều này đã trở thành quy định dựa trên các tình huống đụng độ giữa Liên Xô và NATO từ những năm 1950.
Trong khi máy bay NATO liên tục “tiếp cận” không phận Nga, chỉ một tình huống sai lầm nhỏ của Không quân Nga cũng bị đánh giá là hành động gây hấn. Tình huống này đã xảy ra với Thiếu tá phi công Valery Troyanov với máy bay Su-27 khi bay từ sân bay Siversky, vùng Leningrad tới Kanilingrad.
Do thiết bị định vị gặp trục trặc, chiếc máy bay đã đi sâu vào không phận Lithuania. Khi cạn nhiên liệu, chiếc máy bay đã rơi cách thành phố Kaunas 55km, may mắn phi công đã kịp nhảy dù thoát hiểm. Sau vụ việc, phía Lithuania lên án vụ việc và coi đây là “hành động xâm lăng của Nga”.
Ngăn chặn bằng mọi giá
Trong quá khứ đã ghi nhận kết quả bi thảm của nhiều chuyến bay của máy bay nước ngoài vào sâu trong không phận Liên Xô. Thậm chí, phi công Liên Xô còn dũng cảm điều khiển máy bay lao thẳng vào máy bay xâm nhập để ngăn chặn hành vi vi phạm không phận.
“Phi công có quyền nổ súng vào máy bay nước ngoài xâm phạm không phận, nếu họ không đáp lại tín hiệu cảnh báo”, ông V. Popov nói.
Năm 1973, đã xảy ra sự kiện bi thảm, khi phi công Liên Xô điều khiển máy bay Mig-21SM lao thẳng vào máy bay trinh sát RF-4C Phantom II đang cố gắng xâm nhập không phận.
“Bi kịch xảy ra khi máy bay trinh sát RF-4C Phantom II xâm phạm không phận Liên Xô hồi tháng 11-1973. Dù là máy bay của Iran, nhưng cơ phó của nó lại là người Mỹ. Chiếc máy bay đã xâm phạm vùng trời Transcaucasia”, chuyên gia quân sự Nga Andrei Stanavov đánh giá.
Máy bay chiến đấu Mig-21SM do Đại úy phi công Gennady Yeliseyev điều khiển được cử lên ngăn chặn. Máy bay tiêm kích Liên Xô nhanh chóng phát hiện ra máy bay RF-4C và phóng tên lửa, nhưng trượt mục tiêu.
Ngay thời điểm đó, phi công G. Yeliseyev đã quyết định biến chiếc Mig-21 thành “tên lửa sống” và lao thẳng vào chiếc Phantom. Phi công G. Yeliseyev tử nạn, nhưng đã ngăn chặn được máy bay trinh sát. Toàn bộ tổ lái máy bay trinh sát của Iran bị bắt giữ sau đó.