Bố “yếu” nên sinh con gái?
Clip này được chính cô giáo có nick H.V.T chia sẻ và nhận được hàng trăm like, chia sẻ. Cô giáo này cho biết, chương trình dự định phát sóng trên một chương trình truyền hình.
Đáng lưu ý, bài giảng của cô giáo nhấn mạnh rằng: “Trứng khoẻ thì sinh con gái, tinh trùng khoẻ sinh con trai”…
“Đây là các kiến thức hoàn toàn sai lệch” – bà Tú Anh nhận định. Clip cũng nhận được hàng trăm comment lo lắng của các nhà làm giáo dục giới tính (GDGT), giáo dục tình dục (GDTD) cho thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, khi nhận được các ý kiến, cô giáo H.V.T cho rằng, não các cháu chưa phát triển về khả năng tư duy logic, nên giải thích đúng khoa học rất khó.
“Nếu mai, ngày kia các em đọc tài liệu, tìm hiểu và biết “cô giáo nói sai” sẽ có tác hại đến mức nào. Việc dạy cho trẻ các thông tin sai lệch chẳng khác nào vẽ nguệch ngoạc lên những tờ giấy trắng” .
Bà Hoàng Tú Anh
“Tôi ngạc nhiên vì quan niệm chấp nhận đưa thông tin sai và “sai sẽ sửa dần” lại được đưa ra bởi một người có nghiệp vụ sư phạm. Có lẽ cô giáo đã nhầm lẫn giữa đơn giản và độ chính xác của thông tin.
Đơn giản là lược bớt những chi tiết không hoặc chưa cần thiết chứ không phải là nói sai thông tin.
Hiểu sai sẽ dẫn đến các quan niệm mơ hồ nặng định kiến: Mẹ khoẻ đẻ con gái, bố khoẻ sinh con trai. Nếu vậy, chúng ta sẽ khoét sâu thêm cả định kiến giới.
Điều này đúng với mọi trường hợp chứ không phải chỉ trong GDGT cho trẻ em” – bà Tú Anh phân tích.
Theo bà Tú Anh, có thể đúng như cô giáo đã nhận xét, có thể kiến thức này không ảnh hưởng nhiều đến các em, “nếu mai, ngày kia các em đọc tài liệu, tìm hiểu và biết “cô giáo nói sai” sẽ có tác hại đến mức nào.
Việc dạy cho trẻ các thông tin sai lệch chẳng khác nào vẽ nguệch ngoạc lên những tờ giấy trắng” - bà Tú Anh nói.
TS Dương Văn Đạt - cán bộ chương trình của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) cũng khẳng định, việc dạy trẻ thông tin sai rồi uốn nắn khó hơn nhiều việc dạy trẻ ngay từ đầu.
Chương trình “bỏ phí”
Theo bà Tú Anh, việc GDGT cho trẻ một cách sai lệch còn nhan nhản trên các phương tiện truyền thông.
Ví như khuyên người đồng tính thử yêu hoặc thử quan hệ tình dục với người khác giới để “kiểm tra” mình có thực đồng tính hay chưa; phê phán thủ dâm nhiều mà không nói nhiều là bao nhiêu.
Nhiều cha mẹ cũng bối rối khi nói với con về giới tính, tình dục, nghĩ rằng con lớn sẽ tự biết. Bố mẹ sẵn sàng dành nhiều thời gian để dạy con tập viết, học toán nhưng lại né tránh việc GDGT.
“Tại sao chúng ta lại để các con phải tự biết khi chúng ta có thể giúp các con các thông tin đầy đủ và an toàn hơn.
Trong lúc chờ con lớn, tự biết thì các con có thể đã gặp rất nhiều nguy cơ bị lạm dụng hoặc quan hệ tình dục sớm, thiếu an toàn” – bà Tú Anh chất vấn.
Còn TS Đạt cho biết, GDGT, GDTD cho trẻ càng sớm càng tốt và mỗi lứa tuổi cần có nội dung phù hợp nhưng phải chính xác, chứ không thể vì muốn đơn giản mà làm sai lệch đi.
Gần 30 năm trước, với sự tài trợ, giúp đỡ của nhiều tổ chức, Bộ GDĐT đã xây dựng một bộ giáo trình GDGT cho học sinh các cấp, phù hợp với từng lứa tuổi.
Nhưng đáng tiếc đến giờ, bộ giáo trình này chưa trở thành tài liệu giảng dạy cho các thầy cô.
“Bộ GDĐT có nhiều lý do để chưa triển khai, như chương trình học quá tải, GDGT vẫn chưa được đưa vào chương trình giáo dục chính thức nên không có tiền đầu tư, không có giáo viên chuyên trách…
GDGT ở các trường được dạy tích hợp trong nhiều môn, trong nhiều năm, mỗi năm một tí, mỗi môn một tí.
Do đó, phải đợi học hết chương trình phổ thông các em mới có bức tranh hoàn chỉnh về giới tính, tình dục.
Trong khi bây giờ các em dậy thì từ 12-13 tuổi, tiếp xúc với nhiều hình ảnh khêu gợi, kích thích trí tò mò, yêu sớm. Hậu quả là tình dục không an toàn, bị lạm dụng…” – TS Đạt phân tích.
Đang học tập tại Hà Lan, bà Tú Anh cho biết, tại Hà Lan, GDGT được bắt đầu từ khi trẻ 4 tuổi và được thực hiện liên tục trong suốt cuộc đời.
Ở lứa tuổi nhỏ trẻ học về tình cảm yêu thương, sự thể hiện tình cảm phù hợp và không phù hợp, mối quan hệ trong gia đình, các loại hình gia đình (dị tính, đồng tính, đơn thân, ly hôn,..).
Trẻ được yêu cầu mặc quần lót ở trong khi đến lớp và được giáo dục về các phần riêng tư của cơ thể.
Trẻ cũng được giáo dục để không bị định kiến giới. 8 tuổi, trẻ được dạy về hình ảnh bản thân và trao đổi nhiều hơn về các định kiến giới. 11 tuổi trẻ được thảo luận về xu hướng tình dục và các biện pháp tránh thai…
“Cách giáo dục giới tính toàn diện này đã giúp trẻ Hà Lan là một trong những nhóm trẻ tự tin và thân thiện nhất thế giới. Tỷ lệ mang thai tuổi vị thành niên và lây nhiễm HIV của Hà Lan cũng thấp nhất thế giới” – bà Tú Anh chia sẻ. /.