Cuộc điện đàm giờ chót của Netanyahu
Theo tờ Haaretz (Israel), vài giờ trước khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) bỏ phiếu về vấn đề các khu định cư, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã điện cho Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully. New Zealand, cùng Senegal, Malaysia và Venezuela đang chuẩn bị tái đệ trình yêu cầu bỏ phiếu về việc lên án Israel xây dựng các khu định cư trên đất của người Palestine.
Đây gần như là nỗ lực cuối cùng của ông Netanyahu nhằm ngăn cản cuộc bỏ phiếu, hoặc ít nhất là trì hoãn và câu giờ. Các quan chức phương Tây cho hay, cuộc trao đổi rất gay gắt và căng thẳng. Ông Netanyahu còn đưa ra nhiều lời đe dọa, chuyện chưa từng thấy trong mối quan hệ giữa Israel với các nước phương Tây khác.
"Đó là một quyết định đầy tai tiếng. Tôi đề nghị các ông không ủng hộ và thúc đẩy nó", ông Netanyahu nói, "Nếu các ông tiếp tục xúc tiến nghị quyết này thì từ quan điểm của chúng tôi, đó sẽ là một lời tuyên chiến. Nó sẽ phá hoại các mối quan hệ và chắc chắn sẽ gây hậu quả. Chúng tôi đã triệu tập đại sứ của các ông tới Jerusalem".
Một quan chức ngoại giao cấp cao của Israel cũng điện cho đại sứ New Zealand tại Israel Jonathan Curr và cảnh cáo rằng: Nếu động thái của New Zealand dẫn tới bỏ phiếu, Israel có thể sẽ đóng cửa đại sứ quán ở Wellington để phản đối. Đại sứ Curr đã ghi nhận thông tin này và báo cho Chính phủ New Zealand.
Thế nhưng, Ngoại trưởng New Zealand không chịu nhượng bộ, "Nghị quyết này tuân thủ đúng chính sách của chúng tôi và chúng tôi sẽ thúc đẩy nó".
Chỉ mới một tháng trước, khi tới thăm Israel và gặp gỡ Thủ tướng Netanyahu, ông McCully còn thấy lãnh đạo Israel là một con người hoàn toàn khác, hòa nhã, thân thiện và nồng ấm. Thủ tướng Israel cho McCully xem bản slide ông đã trình chiếu trước báo giới mùa hè vừa rồi.
Với chiếc bút laser trong tay, ông Netanyahu nói với McCully rằng Israel đang mở rộng quan hệ ngoại giao, kết bạn với châu Phi, châu Á và cả Mỹ Latinh.
Theo nguồn tin của Haaretz, ông McCully - người vẫn kiên trì thúc đẩy vấn đề Palestine - Israel tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong vòng 2 năm qua - đã trao đổi với lãnh đạo Israel về nghị quyết mà New Zealand muốn hậu thuẫn. Đó là một phiên bản mềm mỏng và chừng mực hơn nhiều so với văn kiện vừa được thông qua.
Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully.
Theo dự tính, New Zealand không chỉ muốn đề cập tới việc "đóng băng" quá trình xây dựng các khu định cư, mà còn định ngăn cản kế hoạch của Palestine tại Liên Hợp Quốc và Tòa án Hình sự Quốc tế, đồng thời kêu gọi đối thoại trực tiếp vô điều kiện.
Thủ tướng Netanyahu ngay lập tức phản đối kế hoạch này. Nếu mọi chuyện nằm trong tay ông, vấn đề Palestine thậm chí còn không được đưa ra cuộc họp.
Những gì nhà lãnh đạo Israel nói với McCully cũng tương tự những gì ông đã nói không ngừng suốt mấy tuần qua. Netanyahu tự tin cho rằng: Thế giới không mấy quan tâm tới vấn đề Palestine, chuyện số đông bỏ phiếu chống lại Israel ở Liên Hợp Quốc sắp trở thành dĩ vãng.
"Cuộc bỏ phiếu vừa qua cho thấy ông Netanyahu đã đánh giá nhầm", nhà ngoại giao phương Tây nhận định.
Anh bí mật can thiệp
Các cuộc trao đổi giữa các quan chức Israel và phương Tây bộc lộ nhiều chi tiết thú vị về những gì đã xảy ra đằng sau cuộc bỏ phiếu ở LHQ.
Chiều 22/12, Ai Cập vừa tuyên bố rút lui khỏi nghị quyết. Từ thời điểm đó, New Zealand, Senegal, Malaysia và Venezuela càng chịu nhiều sức ép.
Người Palestine là những người đầu tiên gây áp lực. Ngay sau đó, họ được Anh và các nước vùng Vịnh ủng hộ. Các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng Anh đã khuyến khích New Zealand tiếp tục thúc đẩy cuộc bỏ phiếu dù không còn sự ủng hộ của Ai Cập.
Theo các quan chức của Israel, Anh đã làm việc trực tiếp với Palestine ở giai đoạn soạn thảo nghị quyết, thậm chí còn trước khi văn bản này được đưa ra. London bí mật làm việc này mà không thông báo cho Israel. Jerusalem nghi ngờ rằng đó là nỗ lực để đảm bảo bản nghị quyết "thuận tai" Tổng thống Mỹ Barack Obama.
"Người Anh đã tìm cách hạ giọng, khiến văn bản nền nã hơn, không vượt quá giới hạn của Mỹ, để văn kiện này có thể được thông qua mà không bị bỏ phiếu chống", Đại sứ Israel tại Mỹ Ron Demer nhận định.
"Cầu cứu" Putin
Theo nguồn tin của Haazets (Israel), ông Netanyahu đã điện đàm với Tổng thống Nga Putin.
Vài giờ trước cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Israel lại điện cho Tổng thống Vladimir Putin và cố thuyết phục lãnh đạo Nga. Trước đó, Israel đã đáp ứng yêu cầu của Nga và bỏ phiếu trống tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về một nghị quyết liên quan tới tội ác chiến tranh ở Syrira.
Không rõ hai nhà lãnh đạo đã trao đổi những gì nhưng chưa đầy một giờ trước cuộc bỏ phiếu, một việc bất thường đã xảy ra. Trong khi các nước thành viên Hội đồng Bảo an chuẩn bị các bài phát biểu và phiên thảo luận sau bỏ phiếu, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin đột ngột đề nghị tiến hành tham vấn kín.
Trong cuộc tham vấn, ông Churkin đã khiến các đại sứ khác bất ngờ khi đề xuất hoãn cuộc bỏ phiếu tới sau Giáng sinh. Ông nói rằng, câu từ trong văn kiện vẫn chưa được thảo luận đầy đủ và ông bất ngờ vì một số nước vội vã, muốn tiến hành bỏ phiếu ngay.
Phó Đại sứ Nga tại Israel Alexey Drobinin đã xác nhận thông tin này trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh sáng 27/12. Ông Drobinin cho biết, Nga đã phản đối thời điểm tiến hành bỏ phiếu, và chỉ có mỗi đại diện của Nga ở New York đề nghị tiếp tục thảo luận.
Thế nhưng, ý kiến của ông Churkin bị phớt lờ. Phần lớn các đại diện trong cuộc họp đều phản đối và yêu cầu tiến hành bỏ phiếu như đã định. Cuộc họp kín kết thúc, các đại sứ bước vào văn phòng của Hội đồng Bảo an và chỉ vài phút sau, họ thông qua nghị quyết.