"Mối đe dọa Trung Quốc"
Hồi cuối tháng 4/2016, chương trình cải cách đất đai ở Kazakhstan đã châm ngòi làn sóng phản đối trên cả nước khi cho phép nhà đầu tư nước ngoài thuê đất nông nghiệp với thời hạn lên tới 25 năm. Xuyên suốt sự phản đối, "mối đe dọa Trung Quốc" là cụm từ nóng hổi.
Quan điểm về "nguy cơ Trung Quốc đối với vùng Trung Á" cũng được phản ánh dưới nhiều dạng.
Đầu tiên, người dân địa phương tin rằng người Trung Quốc đang đến để lấy đất của họ. Nhiều người ở Kazakhstan cho rằng người Trung Quốc thuê các khu đất lớn ở nước này là một hình thức "cướp đất". Nhưng theo Global Times, Nga và các quốc gia Trung Á khác mới là những khách thuê đất chiếm thị phần chính ở Kazakhstan.
Thứ hai, Bắc Kinh bị cho là tìm đến các nước Trung Á chỉ để "vắt kiệt" các nguồn lực và tài nguyên của địa phương. Đã có nhiều quan ngại rằng sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" (OBOR) của Trung Quốc sẽ biến Trung Á thành các điểm trung chuyển nguyên liệu thô của Trung Quốc.
Các lập luận chỉ ra, Trung Quốc kiểm soát cổ phần lớn trong lĩnh vực sản xuất năng lượng ở Trung Á, trong khi một vài quốc gia nhỏ bé đã biến thành "các thực thể kinh tế nhánh" phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Thứ ba, Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về số lượng ngày càng lớn công nhân nước này đổ tới thị trường Trung Á, "lấy" công ăn việc làm của địa phương và bành trướng dân số bằng làn sóng kết hôn xuyên quốc gia.
Cuối cùng, Bắc Kinh bị cáo buộc - không riêng ở Trung Á - là thủ phạm tàn phá hệ sinh thái của các địa phương mỗi khi nhà đầu tư Trung Quốc đến "rót tiền".
Nhiều hãng truyền thông Trung Á đã gióng chuông cảnh tỉnh về mối hiểm họa mà Trung Quốc gây ra đối với nguồn nước sạch ở một vài quốc gia. Họ cho rằng việc xây dựng các cơ sở thủy lợi và tăng lượng nước tiêu thụ trên thượng lưu đã khiến các vùng hạ lưu thiếu nước, hệ quả là các vấn đề về sinh thái như ô nhiễm nguồn nước.
Đường ống dẫn khí đốt do Trung Quốc đầu tư ở Trung Á (Ảnh: People's Daily)
Trung Á cũng "sợ" tiền Trung Quốc
Có vài lý do khiến các hoạt động kinh tế và giao lưu dân sự của Trung Quốc tại Trung Á bị nhận định là "sự đe dọa".
Theo Global Times, trước hết đó là phản ứng thông thường trước làn sóng đầu tư ra nước ngoài ồ ạt của Bắc Kinh. Quan ngại tương tự cũng xuất hiện ở các nước khu vực châu Phi và Đông Nam Á - những nơi tiếp nhận nguồn vốn khổng lồ từ Trung Quốc.
Ở các nước đang phát triển tại Trung Á, sự xuất hiện của các dòng vốn "ngoại" gây ra lo lắng cho cộng đồng địa phương về sự phát triển kinh tế là một hiện tượng thường thấy. Bắc Kinh đánh giá điều này xuất phát từ sự chênh lệch về sức mạnh kinh tế, cùng với trao đổi thông tin chưa hiệu quả.
Lịch sử là một nguyên nhân khác khiến "ông lớn" phương Đông trở nên đáng sợ.
Trong quá khứ, vùng Trung Á đã chứng kiến vô số cuộc xâm lăng được phát động bởi "các thế lực bên ngoài". Do đó, các quốc gia trong khu vực có đặc thù chủ nghĩa dân tộc phát triển rất mạnh, với ý thức bảo vệ chủ quyền cao. Sự lo lắng đối với một cường quốc "sát sườn" vì thế cũng luôn là vấn đề nhức nhối trong giới tinh hoa Trung Á.
Thêm vào đó, bất chấp chính phủ các nước trong khu vực đã tập trung hơn vào quảng bá cho nguồn vốn nước ngoài, song tầng lớp bình dân vẫn coi những "va chạm" xảy ra khi doanh nghiệp ngoại đầu tư ở nước mình là nguy cơ đối với cuộc sống của họ.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các nguyên nhân chính trị thổi bùng "mối đe dọa Trung Quốc" khiến Bắc Kinh đau đầu nhất.
Bài toán về "sự hiểu lầm" trong kinh tế hay xã hội có thể được hóa giải bằng nhiều cơ chế giao lưu, đối thoại cởi mở. Nhưng điều khiến Bắc Kinh lo sợ nhất là "mối đe dọa Trung Quốc", được hình thành từ những "tin đồn" lan truyền một cách chóng mặt trong tầng lớp bình dân, nhưng lại được thao túng bởi các thế lực đối đầu với họ và "tiến hóa thành lý thuyết hoàn chỉnh".