Dù chưa có báo cáo cuối cùng và chưa có ai bị kiểm điểm trong vụ án "bé xíu như móng tay" nhưng lại gây rúng động dư luận, nhưng đã có thể nói ra một điều có vẻ hơi ngược: Cái "được" sau sự kiện này lớn hơn cái "mất".
Nút thắt của cả vụ việc và dư luận được cởi bỏ cực nhanh đúng lúc cao trào nhất.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã đưa ra một thông tin rất đáng chú ý:
Dù đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ tham mưu, nhưng Thủ tướng đã không chờ đến khi có văn bản tham mưu. Ông chỉ đạo ngay phải dừng việc hình sự hoá vụ án.
Có thể thấy thông điệp đơn giản đầu tiên từ chỉ đạo rất nhanh của Thủ tướng, chính là "việc gì cần làm ngay, thì không nên chậm trễ". Chỉ chậm hơn chút nữa, sức căng tâm lý xã hội sẽ bục vỡ ở đâu đó.
Thông điệp thứ hai, quan trọng hơn nhiều, nó giải đáp câu hỏi mà không ít người đặt ra: Tại sao Thủ tướng lại trực tiếp chỉ đạo cụ thể một việc mà ai đó cho rằng "rất bé" như vậy?
Tổng thống Putin, khi trả lời hàng ngàn câu hỏi quan trọng của người dân, đã không bỏ qua mong muốn nhỏ nhoi của một bé gái đến từ Primorsky - Viễn Đông xa xôi.
Putin đã hiện thực hoá ngay tức khắc lời hứa tặng một sân chơi nhỏ cho ngôi làng hẻo lánh của cô bé.
Lời hứa với một người ấy, đã khiến hàng chục triệu người khác ấm lòng. Họ tin rằng Tổng thống và chính quyền của ông không thờ ơ với những mong muốn thường nhật của họ.
Một trong những đoạn video có sức lan tỏa kỷ lục, là video ghi lại cảnh Người đàn ông quyền lực nhất thế giới - Tổng thống Mỹ Obama, cầm ô che mưa cho nhân viên, sẵn sàng chịu ướt một phần, khi ông bước xuống máy bay.
Chi tiết "rất nhỏ" và đời thường ấy, ít nhất khiến cho người Mỹ tin rằng, rằng quyền bình đẳng nên bắt đầu từ những ứng xử nhỏ nhất; rằng Obama và bộ máy của ông không nề hà trong việc chăm sóc, che chở người dân.
Vì vậy thông điệp thứ hai của Thủ tướng chính là sự cam kết của người đứng đầu Chính phủ rằng: Sẽ không để yên cho những thế lực, dù nhỏ nhất, vô tình hay cố ý cản trở môi trường đầu tư, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.
Ngay khi nhận được tin vụ án của mình được chỉ đạo "dừng hình sự hoá", ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cafe Xin chào đã thốt lên: "Tôi xin cảm ơn Thủ tướng... Tôi mừng rơi nước mắt".
Ông Tấn, cũng như biết bao người khác, chỉ cần một điều giản dị tối thiểu: Môi trường bình yên để làm ăn sinh sống. Nếu các cơ quan công quyền chưa làm được điều tối thiểu ấy, đất nước sẽ không thể phát triển.
Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà trong những cuộc làm việc đầu tiên sau khi nhậm chức (như với Bộ Tài Chính, Bộ KHĐT...), người đứng đầu Chính phủ đã nhắc đi nhắc lại những thông điệp:
Phải tháo gỡ rào cản, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, không thể để tăng trưởng kinh tế thấp hơn nữa...
Nhìn dòng chảy chủ lưu ấy, sẽ thấy, sự chỉ đạo của Thủ tướng với "vụ án móng tay" là nhất quán.
Ông Nguyễn Văn Tấn bên quán cà phê mà vì đó ông bị khởi tố là chậm đăng ký kinh doanh. Ảnh: Báo Giao Thông.
> Mời xem những bài viết cùng tác giả TẠI ĐÂY
Thông điệp thứ ba, theo tôi, quan trọng nhất: Bằng hành động của mình, Thủ tướng đã thúc đẩy cả một bộ máy công quyền vận hành tư duy và thói quen vào cuộc một cách quyết liệt phục vụ dân.
Từ trước tới nay, thực tế đã cho thấy có nhiều vụ việc to bằng con voi, cuối cùng đi lọt qua lỗ kim, bởi nó không được giám sát, chỉ đạo quyết liệt, tổng lực, đồng thuận của nhiều cơ quan, nhiều cấp.
Nhưng, sau chuyện "vụ án móng tay", có vẻ như đã thấy một tiền lệ tốt.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, tất cả các cơ quan quan trọng nhất: Bộ Công An, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, Thành ủy, UBND TP.HCM đều đồng loạt chỉ đạo làm rõ, nếu có sai phạm xử lý nghiêm người gây ra sai phạm.
Có thể nói, chưa bao giờ một vụ việc cụ thể, nhỏ lẻ lại được một bộ máy khổng lồ cùng vào cuộc một cách rốt ráo như vậy.
Điều đó, không chỉ tạo được sự tin tưởng của giới làm ăn và người dân, mà còn đủ sức "răn đe" những công bộc muốn hành xử với dân như quan phụ mẫu.
3 thông điệp quan trọng ấy chính là cái "được" lớn hơn nhiều so với sự "mất mát" đáng tiếc của vụ việc.