Ông Lê Mạnh Hà cho biết trong thực tế, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này, khi báo cáo về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp thì Thủ tướng đưa ngay cho chúng tôi bài báo về vụ quán cà phê Xin Chào.
Văn phòng Chính phủ đang chuẩn bị văn bản tham mưu để Thủ tướng chỉ đạo.
Khi chúng tôi chưa kịp trình văn bản thì Thủ tướng đã có chỉ đạo ngay như báo chí đã đưa. Tôi cho rằng chỉ đạo đó đã tháo ngòi nổ cho vụ này.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là ngừng hình sự hóa theo đúng quy định pháp luật, theo đúng chức năng của cơ quan có thẩm quyền.
Nêu ý kiến cá nhân của mình, ông Lê Mạnh Hà nói nếu vụ này mà ông chủ quán cà phê thua thì sẽ đưa ra thông điệp rất xấu, đó là mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể đi tù.
Tất nhiên mọi cơ quan chức năng khi tiến hành công việc đều có căn cứ pháp luật của mình nhưng chúng ta phải tìm hiểu gốc của vấn đề, tức là động cơ. Có thể quy định pháp luật như vậy, nhưng động cơ tiến hành là gì?
Ông Hà nói: "quan điểm của chúng ta là suy đoán vô tội". Theo quy định hiện hành thì một trường hợp chỉ bị coi là kinh doanh trái phép trong những việc rất cụ thể, điều kiện rất cụ thể.
Các điều kiện ấy được quy định trong các danh mục rõ ràng, về kinh doanh thực phẩm thì phải là thực phẩm có nguy cơ cao. Ở đây ăn uống thì chắc không phải là nguy cơ cao, rất khó buộc tội kinh doanh trái phép.
Hơn nữa Bộ Luật hình sự mới đã bỏ tội kinh doanh trái phép, Bộ Luật này 1-7 tới là có hiệu lực, mà lại đưa ra khởi tố tội này thì không đúng tinh thần của Luật mới, không đúng tình thần tạo điều kiện cho người dân mưu sinh.
“Do vậy nên tìm hiểu động cơ để sau này không còn những trường hợp như vậy” - ông Hà nói.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi về cuộc gặp với Thủ tướng sẽ diễn ra tuần sau.
Về vụ việc liên quan đến chủ quán phở, ông Vũ Tiến Lộc nói Thủ tướng đã có đề nghị với lãnh đạo TP.HCM, tưởng chừng đây là việc nhỏ nhưng là việc lớn, chứa đựng thông điệp lớn.
Không hình sự hóa là phát đi thông điệp về sự an toàn của môi trường kinh doanh và doanh nghiệp, người dân sẽ được bảo vệ.
“Môi trường kinh doanh không chỉ nhiều trở ngại mà còn kém an toàn. Niềm tin của doanh nghiệp được đảm bảo trước hết bởi tính an toàn của môi trường kinh doanh” - ông Lộc nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp, chủ đề là “doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, diễn ra ngày 29-4 tại TP.HCM.
Hội nghị đưa ra thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Nội dung đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.