Vụ 10 "sếp" Navibank hầu tòa: Luật sư kiến nghị triệu tập chủ toạ phiên xử phúc thẩm Huyền Như

Bảo Minh |

Cho rằng bản án phúc thẩm vụ án "siêu lừa" Huyền Như giai đoạn 1 và kết luận điều tra của Bộ Công an có mâu thuẫn, các luật sư kiến nghị triệu tập lãnh đạo TAND Cấp cao tại TP HCM để làm rõ.

Ngày 8/3, TAND TP HCM cho biết đã nhận được kiến nghị triệu tập thẩm phán Quảng Đức Tuyên, Phó chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM của các luật sư bào chữa cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TPCP Nam Việt (Navibank).

Trước đó, thẩm phán Tuyên là chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm. Trong vụ án Huyền Như giai đoạn 1 vào tháng 1/2015, TAND Tối cao tại TP HCM tuyên án, kiến nghị VKSND Tối cao và Bộ Công an điều tra trách nhiệm hình sự của các lãnh đạo Navibank do có chủ trương cho nhân viên vay tiền để gửi sang Vietinbank nhằm hưởng lãi suất chênh lệch.

Các luật sư cho rằng bản án phúc thẩm và kết luận điều tra của Bộ Công an có sự mâu thuẫn, một số vấn đề không đúng với diễn biến tại phiên tòa xét xử các nguyên lãnh đạo Navibank.

Trước đó, các luật sư cũng từng yêu cầu triệu tập điều tra viên của Bộ Công an và kiểm sát viên của VKSND Tối cao. Tuy nhiên, HĐXX khẳng định sẽ căn cứ vào diễn biến phiên tòa sẽ có quyết định triệu tập các điều tra viên, kiểm sát viên và những bên liên quan khác.

Vụ 10 sếp Navibank hầu tòa: Luật sư kiến nghị triệu tập chủ toạ phiên xử phúc thẩm Huyền Như - Ảnh 1.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Navibank tại toà.

Ngày 7/3, phiên xử các nguyên lãnh đạo Navibank phải tạm ngừng để VKSND Tối cao bổ sung thêm hồ sơ, chứng cứ như: Bản sao bản án hình sự sơ thẩm số 46 của TAND TP HCM, bản sao bản án hình sự phúc thẩm số 02 của TAND Tối cao tại TP HCM, bản sao kê tài khoản của 4 chủ tài khoản là nhân viên Navibank mở tại Vietinbank chi nhánh TP HCM.

Theo điều tra, trong thời gian từ 2010 đến 2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã lợi dụng danh nghĩa quyền Trưởng phòng giao dịch để huy động vốn cho Vietinbank. Để thuyết phục khách hàng, Như gặp các đối tượng môi giới và thỏa thuận sẽ trả lãi suất ưu đãi, phí môi giới. Sau khi khách hàng chuyển tiền, Như làm giả chứng từ, chữ ký chủ tài khoản để chiếm đoạt.

Bằng cách thức này, Như đã chiếm gần 4.000 tỷ đồng của các cá nhân, tổ chức đi trả nợ và tiêu dùng cá nhân. Trong đó có Navibank, lãnh đạo của ngân hàng này bị quy kết đã chủ trương cho nhân viên gửi tiền theo đề nghị của Như, gây thất thoát 200 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại