Đây là thông tin từ cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm với ông Vjay Pattabhiramen, Giám đốc Điều hành Bộ phận Hạ tầng châu Á thuộc Công ty Quản lý tài sản JPMorgan (JPMorgan Asset Management, công ty con của JPMorgan Chase) chiều 9/9.
Cụ thể, tại cuộc găp trên, Thứ trưởng Phan Tâm đã chúc mừng JPMorgan chọn được đối tác xứng đáng để hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, cụ thể là Gtel Mobile, đồng thời cho rằng việc JPMorgan đầu tư vào thị trường viễn thông Việt Nam thời điểm này là phù hợp vì thị trường bước vào thời kỳ phát triển bùng nổ mới, và hy vọng JPMorgan sẽ thành công tại đây.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông có định hướng thiết lập một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, có nhiều nhà khai thác lớn. Bộ cũng ủng hộ sự tham gia của doanh nghiệp viễn thông có yếu tố nước ngoài để tạo sức ép cạnh tranh và tạo “sinh khí mới” cho thị trường.
Vị Thứ trưởng cũng cho biết, Việt Nam sắp tới sẽ triển khai đề án chuyển mạng giữ nguyên số, nên đây sẽ là cơ hội cho các nhà khai thác mới nếu có các ứng dụng hiệu quả để thu hút thuê bao, ngoài ra, các cơ hội khác là Gtel Mobile và đối tác có thể tham gia triển khai mạng 4G và khai thác các ứng dụng 4G, hay thị trường M2M (kết nối máy tới máy hay thiết bị đến thiết bị).
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phan Tâm cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng phối hợp hỗ trợ và giao các đơn vị thuộc Bộ xem xét hỗ trợ những yêu cầu cụ thể của nhà đầu tư JPMorgan. Bộ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông và mong muốn có thêm những nhà khai thác mới tham gia vào thị trường.
Tuy vậy, hiện vẫn chưa có cam kết đầu tư cụ thể nào giữa JPMorgan và Gtel được công bố.
Là một trong những tập đoàn tài chính lâu đời nhất tại Mỹ, hiện JPMorgan Chase có tổng tài sản hơn 2,4 nghìn tỷ USD, hoạt động tại hơn 100 quốc gia, có hơn 235.000 nhân sự, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, dịch vụ tài chính, quản lý tài sản, ngân hàng thương mại...
Trong khi đó, Gmobile đang là mạng di động nhỏ nhất trên thị trường Việt Nam còn hoạt động, và thậm chí từng được dự báo có thể sẽ trở thành cái tên tiếp theo phải rời bỏ thị trường. Hơn hai năm lại đây, Gmobile chỉ hoạt động một cách cầm chừng, dựa trên số lượng thuê bao khá khiêm tốn và tỷ lệ phát sinh cước/thuê bao thấp.
Cũng trong khoảng thời gian trên, Gmobile gần như không còn các hoạt động quảng bá gói cước, dịch vụ, chương trình khuyến mại gì mới trên thị trường.
Trước đó, Gmobile, tiền thân là mạng Beeline, thuộc Gtel Mobile - liên doanh giữa Tổng công ty Viễn thông Toàn Cầu (Gtel Corp.) và tập đoàn VimpelCom của Nga, lần đầu tiên ra mắt thị trường vào năm 2009. Tuy nhiên, sau hơn một năm hoạt động, hình ảnh của mạng di động thứ 7 tại Việt Nam ngày càng đi xuống.
Đến tháng 4/2011, VimpelCom quyết định đầu tư thêm 500 triệu USD vào Beeline cho tới năm 2013 (nâng tổng đầu tư của VimpelCom vào Beeline Việt Nam lên tới con số 1 tỷ USD) và sau đó đã nâng tỷ lệ số cổ phần sở hữu lên 49% sau khi giải ngân được gần 200 triệu USD trong khoản đầu tư trên.
Tuy nhiên, đúng một năm sau, trước áp lực cạnh tranh khốc liệt của thị trường và sự thống trị thị phần của các nhà mạng lớn, VimpelCom đã quyết định rút khỏi thị trường và bán lại số cổ phần sở hữu 49% cho đối tác Tổng công ty Viễn thông Toàn Cầu.