Nhìn từ "hiện tượng" Zara để thấy tại sao các hãng thời trang ngoại lại coi thị trường Việt Nam là mỏ vàng?

Zara đang gây sốt, H&M được đồn sẽ tới Việt Nam vì nhìn nhận thị trường Việt Nam rất tiềm năng.

Vậy là cửa hàng Zara đầu tiên đã được khai trương tại TP HCM ngày 8/9/2016 sau 1 năm đánh tiếng.

Các tín đồ thương hiệu thời trang đến từ Tây Ban Nha tại Sài Gòn đã có dịp mua trực tiếp sản phẩm Zara tại TP HCM mà không cần mua qua trung gian, online hay ra tận nước ngoài để có được những món đồ yêu thích.

Theo quan sát của phóng viên, trong 2 ngày đầu khai trương, khách đến Zara nườm nượp. Cảnh xếp hàng thử đồ và thanh toán diễn ra trong suốt 2 ngày qua. Có vẻ như nhiều người Việt đang khát Zara và thương hiệu này đánh trúng tâm lý sính ngoại của nhiều người.

Nhìn từ hiện tượng Zara để thấy tại sao các hãng thời trang ngoại lại coi thị trường Việt Nam là mỏ vàng? - Ảnh 1.

Khách đợi thử đồ tại cửa hàng Zara ở Sài Gòn ngày 9/9. Ảnh: Thế Trần

Cùng lúc đó, tin đồn cũng rộ lên về việc H&M, thương hiệu đối thủ của Zara, sắp tới Việt Nam.

Một nguồn tin cho hay, H&M sẽ chính thức có mặt ở Việt Nam vào năm 2017. Không những thế, nguồn tin này còn hé lộ rằng nếu như chỉ có một mặt bằng thuộc về H&M tại Sài Gòn thì sẽ có đến 2 mặt bằng nữa tại Hà Nội.

Theo thứ tự, store H&M đầu tiên sẽ mở ở Đồng Khởi - Sài Gòn vào khoảng đầu năm 2017, tiếp theo là tháng 11 năm 2017 ở Nguyễn Trãi - Hà Nội và đầu năm 2018 ở Minh Khai - Hà Nội. Cả 3 cửa hàng này đều nằm trong chuỗi trung tâm thương mại lớn và danh tiếng.

Trước đó, hàng Thái, hàng Trung Quốc, các hãng danh tiếng như CK, Levis, Pierre Cardin, D&G, Gucci, Mango... đã quan sát thấy thị trường Việt Nam đầy tiềm năng và đến đầu tư tại Việt Nam.

Các nhãn hàng nước ngoài như CK, Levis, Pierre Cardin, D&G, Gucci, Mango ... được các công ty may xuất khẩu phân phối như Công ty Cổ phần Mai Son (Mango), Công ty TNHH Thanh Bắc Thời Trang (Levis) hoặc hợp tác, mua nhượng quyền như Công ty May Thêu Đan Giày An Phước (Pierre Cardin), Công ty may Việt Tiến (Sanciaro) và Công ty May Nhà Bè (Manhattan).

Tại TPHCM, các gian hàng bán thời trang ngoại mọc lên hàng loạt ở các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Crescent Mall, Bitexco Financial, Saigon Centre... và các con đường thời trang nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám...

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện tại, có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị trường, tiêu thụ mạnh nhất là những thương hiệu tầm trung như Giordano, Bossini (châu Á) và tầm cao như CK, Mango, D&G…

Với nguồn lực tài chính tốt, kinh doanh bài bản, các doanh nghiệp ngoại đang khuynh đảo thị trường Việt.

Cách đây nhiều năm chúng ta còn chứng kiến sự độc quyền của các thương hiệu thời trang nội địa dành cho giới trẻ như Việt Tiến của Công ty Cổ Phần May Việt Tiến, Foci của Công ty Thời trang Nguyên Tâm, Blue Exchange của Công ty Thời trang Xanh Cơ Bản, PT2000 của Công ty TNHH may Phạm Tường 2000, Ninomaxx của Công ty Thời trang Việt... với các sản phẩm chính như váy đầm, áo thun, áo sơ mi, quần jeans, quần tây...

Nguồn lực tài chính nhìn chung kém hơn đối thủ ngoại là một điểm yếu của doanh nghiệp Việt. Giữ được chỗ đứng và phát triển trên sân nhà là một bài toán với các doanh nghiệp thời trang Việt.

Vì các thương hiệu thời trang ngoại lại coi Việt Nam là mỏ vàng?

Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam hơn 90 triệu dân với mức tăng trưởng bình quân từ 15 – 20% là niềm “mơ ước” của nhiều DN ngoại.

Bên cạnh đó, ngành may mặc nội địa đang áp mức thuế nhập khẩu 20% nhưng sẽ dần xuống 0% khi Việt Nam tham gia TPP và gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN . Khi ấy, cơ hội đầu tư tại Việt Nam lại càng thuận lợi hơn.

Anh Rendy, quản lý thương hiệu của Zara Việt Nam, ngỡ ngàng trước sức mua của người Việt đối với sản phẩm của công ty anh trong những ngày đầu khai trương tại TP HCM.

Trả lời câu hỏi vì sao Zara lại chọn thị trường Việt Nam, vị quản lý cho hay, Zara đánh giá cao thị trường Việt Nam. Đây là thị trường rất tiềm năng. GDP bình quân đầu người tăng. Tầng lớp trung lưu cũng đang tăng và họ sẵn sàng chi tiền cho thời trang.

Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam đang có những chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn Việt Nam.

"Chúng tôi nhận thấy rất nhiều người Việt Nam đang chờ đợi Zara tới Việt Nam. Nhiều người ra nước ngoài và tìm đến Zara. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu thời trang rất cao ở đất nước các bạn", Rendy nói thêm.

Tiếp theo Zara, H&M, thương hiệu nổi tiếng nào sẽ đến Việt Nam để cùng chia nhau miếng bánh ngon?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại